SEA Games 2013: Vàng đã có, âu lo vẫn còn

06/12/2013 17:51 GMT+7

(TNO) Chủ nhà Myanmar đã có được những tấm HCV đầu tiên ở nội dung Chinlone nam và nữ. Thế nhưng cũng chính trong thời điểm đầy tự hào đó, ban tổ chức SEA Games 27 thật sự phải lo lắng về tình trạng khán đài vắng khán giả.

(TNO) Chủ nhà Myanmar đã có được những tấm HCV đầu tiên ở nội dung Chinlone nam và nữ. Thế nhưng cũng chính trong thời điểm đầy tự hào đó, ban tổ chức SEA Games 27 thật sự phải lo lắng về tình trạng khán đài vắng khán giả.

>> U.23 Malaysia chốt danh sách tham dự SEA Games 2013
>> Người Myanmar nô nức đi ‘làm thẻ’ SEA Games
>> Dọc đường SEA Games: Từ chợ đá quý đến Trung tâm báo chí  


Tuyển Chinlone Thái Lan giành 2 tấm HCV gây tranh cãi - Ảnh: Khả Hòa

Chinlone, mỏ vàng gây tranh cãi

Phải đến ngày 11.12, lễ khai mạc SEA Games 27 mới diễn ra tại sân vận động Wuuna Theikdi, thế nhưng ngày 4.12 vừa qua, chủ nhà Myanmar đã “mở hàng” HCV: Chẳng những 1, mà cả 2 bộ HCV của nội dung Chinlone nam và nữ, nội dung tính tổng điểm của từng cá nhân trong đội.

Chinlone chính là môn thể thao được Myanmar dùng quyền chủ nhà để đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 27. Tuy là bộ môn rất được yêu thích ở Myanmar, nhưng Chinlone lại là môn thể thao xa lạ với hầu hết các nước tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Thế nên chỉ có Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào và Campuchia bấm bụng cử đội sang thi đấu với chủ nhà, nhưng chẳng vui vẻ gì vì thừa biết phần thắng thuộc về chủ nhà. Còn những nước khác, trong đó có Việt Nam, thì từ chối tham gia luôn để khỏi phải đầu tư tổ chức đội tuyển và tập luyện.

Phía ngoài đã vậy, “trong nhà” cũng chẳng êm ấm gì, khi nhiều người dân Myanmar phản đối ban tổ chức chuyện xếp Chinlone thành một nội dung phụ của cầu mây. Họ giận dữ cho rằng cách sắp xếp đó khiến họ cảm thấy nhục nhã, chẳng khác nào để môn thể thao của Myanmar phải chịu sự kiểm soát của nước ngoài - ý nói về xuất xứ của môn cầu mây.

Lập luận của họ rất rõ ràng: Chinlone là di sản của Myanmar nên phải đứng riêng 1 mình, không thể là một nội dung phụ.

Lập luận đó hẳn có lý do, Chinlone là môn thể thao truyền thống của Myanmar, có lịch sử hơn 2.000 năm. Đối với người Myanmar, Chinlone không chỉ đơn thuần là một môn thể thao, mà còn là một loại hình giải trí mà họ tự hào đã phát minh ra. Chính vì thế, hầu như người dân Myanmar nào cũng biết chơi Chinlone, từ trẻ con cho đến người có tuổi, và ở khắp mọi lúc mọi nơi.

Chinlone không đòi hỏi những trang thiết bị và điều kiện sân bãi đắt tiền. Chỉ cần một quả cầu mây và khoảng không gian vừa đủ để vẽ vòng tròn đường kính từ 6 đến 7m là được. Tuy nhiên, do Chinlone chơi theo đội 6 người nên người chơi Chinlone lại phải hết sức tập trung, khéo léo và phối hợp hài hòa với đồng đội để biểu diễn kỹ thuật tâng cầu, cũng như không làm rớt cầu, hạn chế thời gian chết. Việc tâng bóng cũng phải theo thứ tự.

Tại SEA Games, mỗi đội có 8 VĐV, trong đó có 2 dự bị; nên khi VĐV dự bị số 7 hoặc 8 vào thay người, thì phải mặc áo khoác ngoài có in số áo của cầu thủ được thay ra để khán giả cũng như trọng tài dễ dàng theo dõi và kiểm soát thứ tự tâng bóng của các VĐV thi đấu.

Chinlone thi đấu 3 ván, mỗi ván 10 phút. Cứ mỗi VĐV tâng được 3 cái bằng gót chân thì ghi được 1 điểm. Đội nào nhiều điểm hơn thì thắng, trường hợp hai đội bằng điểm nhau thì trọng tài sẽ cho đấu tiếp hiệp phụ 5 phút. Đội nữ và đội nam Chinlone của Myanmar đều giành chiến thắng áp đảo trước Thái Lan với tổng tỷ số lần lượt là 514-363 và 636-407.

Sang nội dung Chinlone tính điểm 1 lượt đá toàn đội, việc cả hai đội nam và nữ chủ nhà không tham dự chẳng khác nào nhường Thái Lan đoạt cả 2 HCV cũng khiến trong nước không vui, mà người ngoài cũng chẳng buồn bình luận.

Nỗi lo vắng khán giả

Ấy thế mà trong ngày diễn ra hai trận chung kết nữ và nam Chinlone nội dung tính điểm từng cá nhân, dù đã cầm chắc các vận động viên của mình sẽ chiến thắng, sân B của cụm sân thi đấu trong nhà Wunna Theikdi Stadium vẫn không được lắp đầy.

 
Chinlone là môn truyền thống của chủ nhà Myanmar nhưng vẫn không đủ sức thu hút khán giả đến sân - Ảnh: Khả Hòa

Chỉ có khoảng gần 3.000 khán giả đã đến để ủng hộ đội nhà, trong khi sức chứa của sân B là 5.000 chỗ. Bù lại, hầu hết những ai có mặt trên sân, đều chọn trang phục có màu vàng - mang ý nghĩa hòa bình - và xanh lá - mang ý nghĩa hòa hợp - và cổ vũ hết mình trên nền bộ gõ những tiết tấu và giai điệu truyền thống Myanmar.

Nếu như vấn đề an ninh là nỗi quan tâm hàng đầu của nước chủ nhà Myanmar, thì viễn cảnh những khán đài trống vắng cũng là mối bận tâm không nhỏ đối với ban tổ chức SEA Games 27. Có lẽ vì thế mà ban tổ chức SEA Games đã quyết định mở cửa tất cả các sân để khán giả vào xem miễn phí, ngoại trừ lễ khai mạc và bế mạc, cùng các trận bóng đá nam.

Nói là cho khán giả vào cửa tự do, nhưng người dân Myanmar nào muốn vào xem các trận tranh tài của SEA Games vẫn phải đến những điểm bán vé xem khai mạc - bế mạc - bóng đá để làm thẻ ra vào. Khi đến làm thẻ, mỗi người dân Myanmar phải trình chứng minh nhân dân, điền phiếu, kèm 2 hình và đóng lệ phí 2.500 kyat - với người nước ngoài là 3 USD, và nộp bản sao hộ chiếu thay vì chứng minh nhân dân.

Hiện tại Nay Pyi Taw, ban tổ chức SEA Games chỉ tổ chức có 3 điểm bán vé và làm thẻ ở ngay sân Wunna Theikdi, chợ Myoma và hệ thống siêu thị Junction, nên lúc nào những điểm này cũng quá tải, đông nghịt người. Mới 10 giờ sáng ngày 5.12, điểm ở sân Wunna Theikdi đã kéo cửa, treo bảng “Máy bị trục trặc, tạm ngưng cấp thẻ”.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách chữa cháy, để không cho thêm người vào khu vực làm thẻ, còn ở phía trong, khoảng 30 nhân viên vẫn làm hết công suất để cấp thẻ cho người dân. Hai ông Khin Maung Zaw và Aye Min Maung vừa nhận được thẻ, đã tự thưởng bằng một miếng trầu. Họ vừa nhai trầu, vừa săm soi tấm thẻ ra chiều thích thú với những quyền lợi được hưởng kèm theo là không chỉ được xem miễn phí các trận đấu, mà còn được đi xe buýt miễn phí từ khu dân cư đến cụm sân và ngược lại.


Người dân Myanmar nô nức đi làm thẻ xem SEA Games - Ảnh: Khả Hòa 

Thế nhưng với hệ thống sân bãi mới xây, vừa hiện đại, vừa hoành tráng, kèm theo sức chứa quá lớn, thì việc lắp đầy khán đài trên sân chắc chắn là bài toán khó đối với ban tổ chức SEA Games. Nay Pyi Taw được chọn là địa điểm tổ chức nhiều môn thi đấu của SEA Games nhất, nhưng thủ đô hành chính này lại không đông dân.

Nhiều khả năng xảy ra hai tình huống trái ngược nhau: cháy vé của lễ khai mạc và bế mạc, dù những địa điểm này có sức chứa lên đến 30.000 người, nhưng sẽ vắng vẻ ở các điểm thi đấu với sức chứa từ 3.000 đến 5.000 chỗ, đặc biệt là đối với những cụm thi đấu ở xa như địa điểm thi đấu các nội dung xe đạp, đua ngựa. Thế mới thấy, hiện đại quá, hoành tráng quá đôi khi cũng lại là nguyên nhân gây đau đầu.

Trong khi đó, vị trí của các sân diễn ra các trận đấu bóng đá cũng khá xa. Tuy nhiên, ban tổ chức hiện vẫn giữ lộ trình chỉ bán trước 15.000 vé cho mỗi trận, số vé còn lại sẽ chia ra bán trong ngày diễn ra trận đấu và hai ngày trước đó mỗi ngày 5.000 vé. ban tổ chức còn lạc quan về sức hút bóng đá đến mức đã bố trí những màn hình lớn bên ngoài sân, để phục vụ những khán giả chậm chân không kịp mua vé!

Dù không lạc quan như ban tổ chức, nhưng chúng tôi vẫn cầu mong sao những khán đài của các sân thi đấu sẽ không trống vắng, thênh thang như những con đường ở khu vực các cơ quan của chính phủ và các bộ ở Nay Pyi Taw.

Tố Loan (từ Myanmar)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.