Người hùng bắn súng ngoài dự kiến Trần Quốc Cường

07/06/2015 20:09 GMT+7

(TNO) Trải qua gần 40 phút thi đấu trong sự căng thẳng đến nghẹt thở, xạ thủ Trần Quốc Cường đã… buông súng, hai vai thả lỏng tuyệt đối, khuôn mặt toát lên vẻ phờ phạc. Nhưng niềm vui trong anh thì bất tận - bởi chính anh cũng không ngờ tấm HCV nội dung 10 m súng hơi cá nhân nam lại thuộc về mình!

 (TNO) Trải qua gần 40 phút thi đấu trong sự căng thẳng đến nghẹt thở, xạ thủ Trần Quốc Cường đã… buông súng, hai vai thả lỏng tuyệt đối, khuôn mặt toát lên vẻ phờ phạc. Nhưng niềm vui trong anh thì bất tận - bởi chính anh cũng không ngờ tấm HCV nội dung 10 m súng hơi cá nhân nam lại thuộc về mình.

Trần Quốc Cường đã trở thành người hùng bất ngờ của bắn súng nam - Ảnh: Tân Lam

Đúng chủ nhật tuần trước, HLV đội tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung có cuộc gặp gỡ vui vẻ với các phóng viên thể thao trước khi lên đường sang SEA Games 28. Nói là vui vẻ vì hôm ấy, chúng tôi đã gọi… bia để uống với “mục đích” lấy tinh thần cho tuyển bắn súng khi vào trận đánh lớn.

HLV Nguyễn Thị Nhung bảo rằng, năm nay khó nhiều HCV hơn các kỳ SEA Games trước vì Singapore loại bỏ nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam. Nhưng bà vẫn tin các học trò của mình giành được chiến thắng ở những nội dung đã “đóng mác” Việt Nam.  

Trong đấy có nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Mà tên tuổi đã gắn liền với… Hoàng Xuân Vinh. Chứ không phải Trần Quốc Cường. Xạ thủ cùng năm sinh với Xuân Vinh này (41 tuổi) lại có thế mạnh ở những nội dung bắn chậm mà thành tích đáng kể nhất là đứng thứ 4 thế giới năm 2010.

Trần Quốc Cường đã gây bất ngờ tại SEA Games 28 - Ảnh: Nhật Anh

Ở cuộc thi vòng loại 10 m súng ngắn nam  vào sáng 7.6, cả Vinh và Cường đều bị rơi vào trạng thái căng thẳng hơi… quá độ. Nhưng Vinh thì nhẹ hơn một chút. Còn đồng đội của anh thì tâm lý rất có vấn đề, thậm chí những loạt đầu còn bắn rất tệ. Vinh thì do cẩn trọng quá mà bắn cũng không được như ý. Một xạ thủ Việt Nam khác là Hoàng Phương cũng không mấy xuất sắc.

“Không ổn rồi! Thế này thì gay quá”, đứng ngoài, ban huấn luyện bất an và hội ý nhanh. HLV Nguyễn Thị Nhung lại phải giở “chiến thuật” rất riêng của mình là… huấn thị tâm lý.

Bà ra lệnh cho các VĐV rằng, không cần phải gồng mình thái quá như thế. Cần thả lỏng thần kinh ra một chút, không phải cứ thi đấu là phải chiến thắng. Cần tự giảm tải áp lực và tập trung vào kỹ thuật. Trước khi chiến thắng đối thủ, phải biết vượt lên chính trạng thái tâm lý của mình đã.

Hoàng Xuân Vinh cũng tỏa sáng với tấm HCĐ nội dung 10m súng hơi cá nhân - Ảnh: Tân Lam

Chỉ đạo bằng những lời không khác gì “diễn thuyết” này có tác dụng vô cùng to lớn. Kết thúc bài bắn tiêu chuẩn (vòng loại), thê đội bắn súng nam Việt Nam đã giành HCV, trong đó Vinh đứng đầu với 582 điểm, Cường đứng thứ 4 với 575 điểm - những chỉ số đủ cho họ có mặt ở vòng chung kết.

Ở bài thi chung kết, điểm số ở vòng loại là vô giá trị vì các xạ thủ phải bắn lại từ đầu. Điều lệ môn bắn súng của SEA Games bắt đầu tuân thủ theo điều lệ rất nghiêm ngặt của giải thế giới. Nghĩa là tiến hành loại trực tiếp, sau mỗi loạt bắn của từng người, ai đoạt số điểm thấp nhất sẽ bị loại dần, cho đến loạt bắn cuối cùng.    

Như nói ở trên, kết thúc vòng loại, Cường chỉ lẹt đẹt đứng thứ 4 nên hy vọng có một gì đó ở chung kết là không nhiều. Còn Vinh khả năng đoạt vàng là cực cao bởi dẫu sao anh cũng đã từng hai lần vô địch thế giới ở nội dung này.

Vòng chung kết diễn ra trong bầu không khí mà theo mô tả của một thành viên ban huấn luyện, là cực kỳ “hỗn loạn”. Rất khác với bóng đá, xạ thủ bắn súng cần sự tĩnh lặng ở mức tuyệt đối để tâm được tĩnh.

Nhưng ngặt một nỗi, cũng theo quy định của điều lệ thế giới, để thử thách bản lĩnh và trình độ VĐV, nhà thi đấu không được phép… tĩnh lặng. Ban tổ chức cho phép khán giả hò reo hoặc tạo những tiếng động ầm ĩ.

Sự căng thẳng trong trí óc, sự ầm ĩ của nhà thi đấu, sự căng cứng của đôi tay – tạo nên một áp lực khá kinh khủng cho bất kỳ VĐV nào, bao gồm cả Vinh và Cường. Người đứng thi tập trung cao độ trong mỗi lần ngắm bắn và “nhả đạn”, còn người đứng ngoài thì thót tim.  

Và sau gần 40 phút đấu trí, đấu lực, bắn súng Việt Nam đã giành chiến thắng một cách ngoạn mục. Chính xác hơn, ở những loạt cuối, chức vô địch gần như chỉ là cuộc chiến nội bộ giữa Vinh và Cường. Càng về sau, Cường càng đạt phong độ tốt đến không thể tin được.

Kết thúc bài bắn chung kết, từ vị trí thứ 4 của vòng loại, Cường vụt sáng để giành HCV cá nhân với số điểm 197,4. Hoàng Xuân Vinh đoạt HCĐ với 178,2 điểm. VĐV Jonathan (Malaysia) đoạt HCB với 195,1 điểm.

Có một chi tiết rất vui là sau khi hoàn thành tốt trên mức tưởng tưởng loạt bắn chung kết, Trần Quốc Cường rời vị trí  bắn và bày tỏ một câu cảm thán: “Ôi, mệt tưởng chết được. Cảm ơn ban huấn luyện đã giúp em!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.