Taekwondo VN săn huy chương Olympic

11/03/2012 03:46 GMT+7

Kể từ khi võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc tại Sydney 2000, taekwondo VN luôn được kỳ vọng sẽ mang vinh quang về cho thể thao VN từ đấu trường Olympic.

Kể từ khi võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc tại Sydney 2000, taekwondo VN luôn được kỳ vọng sẽ mang vinh quang về cho thể thao VN từ đấu trường Olympic.

Sau khi Trần Quang Hạ lần đầu lên ngôi tại Asiad 1994 ở Hiroshima, thể thao VN đã đẩy mạnh việc đầu tư cho taekwondo để tiếp tục gặt hái quả ngọt với HCV tiếp theo tại Asiad Bangkok 1998 của Hồ Nhất Thống và đỉnh điểm chính là chiếc HCB tại Olympic 2000 của Trần Hiếu Ngân. Sau những thành tích chói lọi đó, taekwondo VN được kỳ vọng sẽ tạo ra thế hệ tiếp nối mang vinh quang về cho đất nước. Thế nhưng, bước vào thập niên đầu của thế kỷ 21, taekwondo VN lại bất ngờ khựng lại. Ở SEA Games, chúng ta dần mất vị trí dẫn đầu về tay Thái Lan, tại Asiad cũng không thể bảo vệ được HCV và trong các kỳ Olympic gần đây, dù có các võ sĩ đủ sức vượt qua vòng loại như Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Quốc Huân (Athens 2004) hay Văn Hùng, Hoàng Hà Giang (sau đó thay bằng Ngọc Bích) và Hoài Thu (Bắc Kinh 2008), nhưng taekwondo vẫn ra về tay trắng. Do vậy, lần này với Lê Huỳnh Châu (dưới 58 kg nam) và Chu Hoàng Diệu Linh (dưới 67 kg nữ), liệu chúng ta có tìm lại được vinh quang?

 
Lê Huỳnh Châu là một trong hai niềm hy vọng của VN - Ảnh: Huy Tường - CTV

HLV Trương Ngọc Để, người có công đào tạo nên thế hệ vàng đầu tiên cho taekwondo, lý giải:  “Trước đây, taekwondo VN có được vị trí tốt nhờ chúng ta tiếp cận môn này sớm và có sự đầu tư đúng hướng. Nhưng giờ đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển môn võ này và đầu tư dữ dội nên khoảng cách trình độ không còn nữa. Chính vì vậy, bên cạnh việc từng VĐV phải nỗ lực nhiều hơn, chúng ta còn phải có chiến thuật đúng đắn trên cơ sở đánh giá kỹ từng đối thủ và cũng phải trông chờ vào chút may mắn, đó chính là kết quả bốc thăm”. Còn HLV Hồ Anh Tuấn nhìn nhận: “Vấn đề lớn nhất của VĐV VN chính là tâm lý thi đấu, do vậy chúng tôi sẽ phải trui rèn các VĐV nhiều hơn, cho tăng cường tham gia nhiều giải quốc tế quan trọng để nâng cao bản lĩnh. Điều đáng mừng là tại Olympic lần này việc lần đầu áp dụng giáp điện tử sẽ làm cho trận đấu trở nên công bằng hơn rất nhiều. Những kỳ Olympic trước giáp điện tử chưa được sử dụng, nên trong các trường hợp nhạy cảm, đôi khi kết quả phụ thuộc vào cách chấm điểm rất cảm tính. Thế nên, lần này chỉ cần thích nghi tốt với giáp điện tử, khả năng để giành được huy chương của chúng ta cao hơn nhiều”.

 

Cả 2 võ sĩ VN sẽ sang Trung Quốc tập cùng đội tuyển taekwondo nước này từ 20.3 - 20.4; từ 10 - 20.6, sang trung tâm huấn luyện dành riêng cho VĐV dự Olympic của Pháp rồi đến Barcelona (Tây Ban Nha) từ 21 - 30.6, sau đó quay trở về Pháp từ 8 - 18.7 và ngày 20.7 sẽ được đưa thẳng sang London để làm quen với điều kiện thời tiết, địa điểm tập luyện trước khi bước vào thi đấu chính thức từ ngày 8 - 11.8. Ngoài khoản đầu tư của ngành là 90.000 USD, cả hai VĐV đều được sự hỗ trợ đắc lực của ngành TDTT Hà Nội và TP.HCM.

Có ý kiến cho rằng cơ hội gây bất ngờ của các võ sĩ VN thường là ở phía nữ, như ngoài Hiếu Ngân, trong 2 kỳ Olympic gần nhất, Thái Lan là nước Đông Nam Á duy nhất 2 lần có huy chương đều ở hạng 47 kg nữ. Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng bộ môn taekwondo - Tổng cục TDTT, cho biết: “Chu Hoàng Diệu Linh đang được chúng tôi đầu tư quyết liệt, nhưng phải nói là cô còn quá trẻ (sinh năm 1994), kinh nghiệm thi đấu quốc tế còn mỏng. Bởi thế Linh là “của để dành” cho ASIAD 17 năm 2014 và Olympic 2016. Nhưng Olympic lần này cũng có thể có  bất ngờ bởi thể hình cao ráo rất có lợi cho Linh trong những cú ra đòn nhanh, khéo bằng cả 2 chân”. Chiếc HCĐ mới đây ở giải Đức mở rộng cho thấy nếu cố gắng trau dồi thêm kỹ năng đá vòng và đá chẻ nhanh thì Diệu Linh có thể sẽ tạo nên thành tích.

Riêng với Lê Huỳnh Châu, ông Thành nhận xét: “Châu thực sự là một VĐV giỏi và được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng sẽ đoạt huy chương tại Olympic. Châu có bề dày trận mạc, kỹ thuật tấn công và phòng thủ khá ổn. Cách đánh linh hoạt, xoay trở nhanh với sở trường đòn đạp luôn được thể hiện tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của Châu là thể lực bởi phải ép cân từ 63 kg xuống còn 58 kg”. Thuận lợi duy nhất cho Châu chính là việc nhà ĐKVĐ Olympic 2008 Guillermo Perez (Mexico) đã giải nghệ, dù vậy, “núi” khó khăn vẫn ở phía trước khi anh sẽ phải đối mặt với Lee Dae-Hoon (Hàn Quốc, ĐKVĐ thế giới), Pen-Ek Karaket (Thái Lan, ĐKVĐ châu Á), Aleksey Denisenko (Nga, HCV châu Âu), Joel Gonzalez (Tây Ban Nha, cựu vô địch thế giới)... 

Lan Phương - Đăng Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.