Tản mạn về hình tượng Hổ trong quyền thuật

09/02/2010 09:28 GMT+7

Tượng hình quyền là nội dung trác tuyệt tạo nên nét đẹp văn hóa võ thuật cổ truyền. Những bậc chân sư tiền bối qua nhiều thế hệ đã dày công nghiên cứu các thế tấn công, phòng thủ, phản công, khả năng thích nghi môi trường cạnh tranh sinh tồn của nhiều loài động vật mà tạo thành những bài võ truyền thống nổi tiếng, trong đó có Hổ quyền.

Võ sư Trần Cửu (phải) diễn thế Hổ trảo

Tượng hình quyền là nội dung trác tuyệt tạo nên nét đẹp văn hóa võ thuật cổ truyền. Những bậc chân sư tiền bối qua nhiều thế hệ đã dày công nghiên cứu các thế tấn công, phòng thủ, phản công, khả năng thích nghi môi trường cạnh tranh sinh tồn của nhiều loài động vật mà tạo thành những bài võ truyền thống nổi tiếng, trong đó có Hổ quyền.

Theo nghiên cứu về động vật, hổ là loài thú quý hiếm, có tên khoa học là Panthera Tigris, thuộc họ mèo (Felidae), đầu lớn, tròn, cổ ngắn, tai nhỏ, bốn chân to khỏe, móng sắc và nhọn, nhanh nhẹn, có sức mạnh. Một con hổ trung bình nặng 150 - 200kg, đặc biệt có thể nặng đến 300kg, thân dài khoảng 1,5 - 2m, đuôi dài khoảng 1m. Đuôi hổ giữ vai trò quan trọng trong các động tác vồ, nhảy qua trái hoặc phải, xoay trở trước, sau... Da lưng hổ màu vàng, có vằn đen, phía bụng và trong chân có lông màu trắng.

Hổ thường sống một mình ở rừng già và những vùng rừng núi có nhiều cỏ tranh. Chỗ ở của hổ không cố định, ban ngày nằm phục ở một chỗ, ban đêm mới hoạt động săn mồi. Tại các miền rừng núi Việt Nam không mấy nơi không có hổ nhưng nổi tiếng có hổ Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và vùng rừng núi Trường Sơn Trung bộ. Mỗi lứa hổ sinh từ 2 - 4 con, con sống với mẹ 1 - 2 năm. Hổ còn có tên gọi khác là cọp, hùm…

Hổ quyền là tượng hình quyền và là một võ kỳ của võ thuật cổ truyền, yếu chỉ quyền pháp nhằm luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi, nhanh nhẹn, phát huy nội lực, để có sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt khi phát kình nội lực, lúc phát nổi ngoại công. Hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm bởi tính cách uy nghi, hùng dũng. Hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và khả năng chiến đấu của hổ rất cao, đặc biệt là hổ trảo.

Có nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên loài hổ để diễn tả các thế đánh trong võ thuật cổ truyền ở các bài quyền truyền thống: Hiện Long tàng hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hồi đầu hổ vĩ, Bạch hổ khởi động, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Hổ bằng báo lang, Mãnh hổ phục địa, Ngạ hổ tha dương, Sơn trung cầm hổ, Lãn hổ thân yêu, Lão hổ thượng sơn, Bạch hổ xuất động…

Theo quan niệm dân gian Á Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, hổ là một hình ảnh uy nghi, đầy ấn tượng. Hổ tượng trưng cho sức mạnh và dân gian cũng đã thần thánh hóa hổ, cho hổ một sứ mạng thiêng liêng có khả năng diệt trừ được ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở cửa thì tà ma không dám thâm nhập. Bởi vậy hình tượng hổ đã trở thành phổ biến trong đời sống văn học, nghệ thuật dân gian, đặc biệt hổ đã được vẽ thành tranh và tạc thành tượng để thờ ở các đền, đình, miếu, điện...

Hổ có vị trí chủ đạo trong võ thuật cổ truyền, có nhiều bài quyền về hổ. Trong Ngũ hình quyền thì hổ ở vị trí thứ hai: Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo. Bài Ngũ Hổ Cứ Sơn tả về 5 con hổ. Ngũ hổ là Hắc hổ, Thanh hổ, Xích hổ, Hoàng hổ, Bạch hổ. Màu sắc và phương vị trấn giữ của Ngũ hổ cũng theo ngũ hành mà sắp đặt: Hắc hổ tướng quân màu đen, trấn nhậm ở phương bắc, thuộc Thủy. Thanh hổ tướng quân màu xanh, trấn nhậm ở phương đông, thuộc Mộc. Xích hổ tướng quân màu đỏ, trấn nhậm ở phương nam, thuộc Hỏa. Hoàng hổ tướng quân màu vàng, trấn nhậm ở Trung Ương Tứ Quý, thuộc Thổ. Bạch hổ tướng quân màu trắng, trấn nhậm ở phương tây, thuộc Kim.

Hổ gần gũi với đời sống con người nên có nhiều danh từ, thành ngữ mang tên hổ: Tướng giỏi gọi là Hổ tướng; ấn tín của quan võ gọi là Hổ phù; nơi ở và làm việc của quan võ chỉ huy quân sự ngày xưa có treo bức trướng thêu hình hổ gọi là Hổ trướng; một số loài rắn độc quý hiếm có tên hổ như rắn Hổ trâu, Hổ lửa, Hổ mang… Các thành ngữ: Hổ phụ sinh hổ tử; Hổ dữ chẳng cắn con; Hổ chết để da, người ta chết để tiếng…                                                      

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Hổ quyền là tên gọi một đấu trường, trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc tại thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế, là chuồng nuôi hổ và cũng là đấu trường độc đáo mà có thể không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Dưới triều Nguyễn, chính nơi đây đã diễn ra những cuộc tử chiến vô cùng ác liệt giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí, tiêu khiển cho vua, quan và dân chúng. Trong cuộc quyết đấu đầu tiên giữa voi và hổ năm 1750 tại cồn Dã Viên trên sông Hương, 40 con voi đã giết chết 18 con hổ trước sự chứng kiến của chúa Nguyễn Phúc Khoát và triều thần ngồi xem trên 12 chiếc thuyền. Đây có lẽ là trận đấu kinh hoàng, khủng khiếp và đẫm máu nhất. Những trận tử chiến giữa voi và hổ thường mỗi năm tổ chức một lần. Trước mỗi trận đấu, hổ đều bị cắt nanh, bẻ vuốt, và buộc chặt vào cột cho nên voi luôn giết chết và chà nát hổ, tuy nhiên tai nạn đôi khi vẫn xảy ra vì hổ chiến đấu vô cùng dũng mãnh.

Sau này, để bảo đảm an toàn, năm Canh Dần 1830, vua Minh Mạng đã hạ chiếu cho xây dựng một đấu trường lớn gần đồi Long Thọ phía tây kinh thành Huế lấy tên là “Hổ quyền”.

Con người thích bày trò huyết chiến để tiêu khiển, có nhẫn tâm chăng? Voi, hổ tử chiến để làm vật tế thần và mua vui cho nhân thế; trước trận đấu hổ bị cắt nanh, bẻ vuốt, buộc vào cột; như vậy là bức tử, có bất công chăng?

Võ sư Trương Văn Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.