Thể thao Việt Nam hy vọng gì ở Olympic 2016

20/07/2016 08:29 GMT+7

Phấn đấu có huy chương ở ít nhất một môn và vào chung kết một số môn - đó là chỉ tiêu mà đoàn thể thao Việt Nam đặt ra tại Olympic Brazil 2016.

Vào cuối năm ngoái, khi Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 3 chiếc vé đến Thế vận hội, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Đức Phấn - phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao (TDTT) đã từng chia sẻ những lo lắng: “Chúng tôi không thể không bất an vì kế hoạch bẳng văn bản đã viết rõ, thể thao Việt Nam sẽ có trên 15 VĐV ở 11 đến 13 môn giành suất chính thức dự Olympic. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một số VĐV được đặt nhiều hi vọng và đã có thành tích ở đấu trường thế giới bị dính chấn thương. Nhưng chúng tôi sẽ không buông xuôi mà phấn đấu đến hết sức mình đang có”.
Đến thời điểm này, khi ngày khai mạc Olympic không còn quá xa (5-21.8.2016), trên tư cách trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic, ông Trần Đức Phấn đã có thể nhẹ nhõm phần nào bởi ngành thể thao đã vượt chỉ tiêu một cách khá ngoạn mục với con số ấn tượng : 23 VĐV thuộc 10 môn thể thao giành vé. Trong đó có những trường hợp đáng được coi như kỳ tích đặc biệt như Nguyễn Ánh Viên (giành 3 chuẩn), Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Nguyễn Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm)…
Trong lịch sử những kỳ tham dự Olympic (tính từ năm 1980 đến nay), Việt Nam đã từng giành 1 HCB môn taekwondo tại Olympic London năm 2000 do công của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân, 1 HCB môn cử tạ tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. Nhưng đến Olympic London năm 2012, Việt Nam đã không thể giành được huy chương do đối thủ quá mạnh cộng thêm những diễn biến khó lường nằm ngoài dự đoán ban đầu của những nhà hoạch định chiến lược.
Nhắc lại câu chuyện buồn kể trên, ông Trần Đức Phấn thận trọng phát biểu: “Mục tiêu phấn đấu có huy chương ở Olympic Brazil là có thật. Tuy nhiên, số lượng VĐV của Việt Nam đủ khả năng giành huy chương ở Olympic 2016 rất hạn chế, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đấu trường năm nay cực kỳ khó khăn bởi các nước đều có sự chuẩn bị rất tốt và so với thế giới, thể thao Việt Nam vẫn rất yếu thế. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị tốt nhất có thể, đầu tư tốt nhất có thể, chúng tôi vẫn tin tưởng sẽ được chứng kiến sự thăng hoa của một số VĐV được đặt trong tầm ngắm”.
Không quá dồi dào ngân sách nhưng ngành vẫn dành một quỹ tài chính nhất định để đưa các VĐV ra nước ngoài tập huấn. Ở môn bơi, Nguyễn Ánh Viên vẫn tập luyện miệt mài tại Mỹ, Hoàng Quý Phước tập huấn tại Hungaria với điều kiện cơ sở vật chất cực tốt; hai VĐV môn vật Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng tập huấn tại Trung Quốc; hai xa thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường tập tại Hàn Quốc (HLV Nguyễn Thị Nhung còn đặt ra chế độ hà khắc đến mức cấm tuyệt đối việc xem tivi hàng ngày); 2 VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng tập huấn tại Nhật Bản. Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn cùng các đồng đội Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Tấn Tài tập huấn tại Mỹ (riêng nữ đô cử Vương Thị Huyền tập huấn tại Trung Quốc)…
Trong số những môn được kể trên, theo ông Phấn, bắn súng là môn rất khó nói nhưng sẽ phấn đấu vào chung kết rồi sau đó sẽ tính đến việc có thành tích cụ thể. Ánh Viên được đặt kỳ vọng vào chung kết nội dung sở trường 400m hỗn hợp (HLV Đặng Anh Tuấn còn dự tính đưa Viên vào top 5 - PV). Được đặc biệt chú ý vẫn là Thạch Kim Tuấn - niềm hy vọng đoạt huy chương của thể thao Việt Nam.
Năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục TDTT và ban huấn luyện đội tuyển cử tạ đã một phen choáng váng khi Thạch Kim Tuấn dính chấn thương khá nặng ở đầu gối do tập luyện, thi đấu quá tải. Nhưng rất may mắn là nhờ phương pháp điều trị đúng đắn, đến thời điểm hiện tại, Tuấn đã hồi phục hoàn toàn. Anh sẽ từ Mỹ bay thẳng sang Brazil bằng vé thương gia để đảm bảo thể lực tốt nhất có thể.
Ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Chấn thương luôn là nỗi ám ảnh rất lớn cho bất kỳ VĐV nào nên tôi đã căn dặn rất cẩn thận với ban huấn luyện các đội tuyển là phải tuyệt đối giữ gìn cho các nhân tài Việt Nam. Từ nay đến ngày lên đường đã gần kề mà không may dính chấn thương là mọi công sức đổ sông đổ bể.
Về chặng di chuyển cho các VĐV cũng đã được tính toán kỹ. Tuy nhiên cũng khó tránh khỏi mất sức và sẽ buộc phải chia nhóm để hoặc quá cảnh ở Paris - Pháp, hoặc quá cảnh ở Qatar. Lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 20.7 tại Hà Nội. Cán bộ tiền trạm sẽ bắt đầu sang Brazil từ ngày 23.7. Chúng tôi sẽ sang vào ngày 28.7. Chặng bay sẽ khá vất vả chưa kể việc chênh lệch múi giờ. Nhưng đã vào cuộc đấu lớn, tất cả các thành viên phải nỗ lực 200% phong độ của mình.
Tôi xin nói thêm 50 thành viên của đoàn Việt Nam cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chung của đoàn cũng như các quy định về pháp luật của nước chủ nhà Brazil, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ, các quy định của Ban tổ chức Đại hội và phong tục tập quán của nước bạn. Tất cả các thành viên phải luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục mọi khó khăn tạo ra sức mạnh chung cho đoàn, thể hiện uy tín và trình độ của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam”.

Olympic 2016 sẽ chính thức khai mạc ngày 5.8 và bế mạc ngày 21.8. Olympic lần này quy tụ hơn 10.500 VĐV đến từ 206 quốc gia trên thế giới, tranh tài ở 306 nội dung thuộc 28 môn thể thao.

Ngày 19.7, Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã tiến hành trao thưởng cho hai VĐV đoạt chuẩn dự Olympic. Nguyễn Thành Ngưng và Nguyễn Thị Huyền được nhận 50 triệu đồng/người. Ngoài ra VĐV, HLV đạt thành tích cao tại giải điền kinh trẻ châu Á lần thứ 17 (2 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ) cũng được thưởng tổng số tiền 46 triệu đồng. Còn Liên đoàn thể dục Việt Nam đã trao tặng số tiền 40 triệu đồng cho 2 VĐV xuất sắc giành vé đi Thế vận hội gồm Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.