Truyền môn nhân bài Siêu xung thiên

04/05/2010 08:49 GMT+7

Có một con hẻm mang tên Phan Văn Vũ ở Nha Trang. Không ai đặt tên, cứ truyền miệng rồi thành thói quen. Đến đầu hẻm, gặp một người đàn ông trung niên, hỏi Phan Văn Vũ là ai?

Võ sư Phan Văn Quảng biểu diễn bài Siêu xung thiên

Có một con hẻm mang tên Phan Văn Vũ ở Nha Trang. Không ai đặt tên, cứ truyền miệng rồi thành thói quen. Đến đầu hẻm, gặp một người đàn ông trung niên, hỏi Phan Văn Vũ là ai?

Ông ngạc nhiên nhìn tôi: “Chắc chú không phải là dân Nha Trang rồi, võ sư Phan Văn Vũ nổi tiếng khắp miền Trung này, ai mà  chẳng nghe danh!”. Theo  chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà cố võ sư Phan Văn Vũ, cây đại thụ của làng võ miền Trung.

Câu chuyện về người cha lừng danh

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ của cha để lại, võ sư Phan Văn Quảng bồi hồi: “Cha tôi mất cách đây đã 1/4 thế kỷ, nhưng  nhìn vào tấm hình ông đang đi quyền, những binh khí  ông để lại… tôi như cảm thấy ông đang ở đâu đây”.

Võ sư Phan Văn Vũ quê ở Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông sinh đúng vào năm đầu tiên của thế kỷ trước, trong một gia đình có truyền thống lâu đời về võ thuật. Thuở nhỏ, Phan Văn Vũ được học hành chu đáo cả văn lẫn võ. Ông khởi nghiệp bằng nghề thầy giáo, là hiệu trưởng kiêm giáo viên môn tiếng Hoa của trường tiểu học huyện An Nhơn.

Thế nhưng, nghiệp võ nặng hơn nghiệp thầy giáo, đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, ông vào Nha Trang, mở võ đường lấy tên là Hồng Phi Phụng và chẳng bao lâu đã nổi tiếng, học trò theo học  rất đông. Suốt hơn 30 năm mở võ đường, võ sư Phan Văn Vũ  đã đào tạo hàng ngàn môn sinh, không chỉ ở Nha Trang mà còn ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… trong đó có nhiều người thành danh như các võ sư: Huỳnh Kim Hồng, Phó chủ tịch Hội VTCT tỉnh Phú Yên; Nguyễn Đức Trinh, Chủ tịch Hội VTCT tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Đức Vương, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Long Sơn (Khánh hoà)…

Đã đứng tuổi nên ông không tham gia thi đấu võ đài, nhưng nhiều học trò ông đã làm rạng danh thầy với những trận đấu để đời trước 1975 như Hồng Phi Long (tức Nguyễn Huynh), Hồng Phi Hổ (Văn Phú Moóc)... Những khán giả của võ đài  trường Khái Minh (một trong 2 điểm thi đấu võ đài ở Nha Trang trước 1975) không ai là không nhớ trận đấu “kinh thiên động địa” giữa võ sĩ Tự Do nổi tiếng từ Sài Gòn ra Nha Trang thủ đài và Hồng Phi Tiêu. Võ sĩ Tự Do thủ đài đã mấy hôm liền không có đối thủ. Được thầy cho phép, Hồng Phi Tiêu lên đài. Hai hiệp đầu thế trận khá giằng co, nhưng đến hiệp thứ 3, với thế đảo sơn cước sở trường, Hồng Phi Tiêu đá văng Tự Do ra khỏi đài trong sự hò reo  của khán giả Nha Trang.

Học trò võ sư Phan Văn Vũ kể lại: ông dáng người nho nhã, thư sinh, tính tình cương trực, tác phong cẩn trọng. Vốn võ học của ông cực kỳ uyên thâm. Ngoài rất giỏi quyền, ông đặc biệt đi sâu vào binh khí, hết sức tinh thông Thập bát ban võ nghệ, đặc biệt, với bài Siêu xung thiên thì đã thành tuyệt kỹ. Chí hướng của ông là khôi phục và phát triển mạnh mẽ môn võ cổ truyền dân tộc.

Vì thế, ông đã đứng ra vận động  thành lập Phân cuộc quyền thuật miền Nam Trung phần, do nhà doanh nghiệp Lê Duy Lộc làm chủ tịch, ông làm phó chủ tịch thứ nhất, võ sư Võ Vĩnh Minh làm phó chủ tịch thứ hai và võ sư Rémy Huỳnh làm tổng thư ký. Sau khi Phân  cuộc quyền thuật miền Nam Trung phần ra đời, phong trào võ thuật cổ truyền trên địa bàn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển rất mạnh, võ đường mở ra khắp nơi.

Siêu xung thiên danh bất hư truyền

Phan Văn Quảng học võ với cha từ khi mới 6 tuổi. Anh cho biết, khi đó cha anh đã ngoài 70, ông sợ không đủ thời gian để truyền hết vốn võ học mấy chục năm dày công nghiên cứu, tích lũy. Vì vậy, chủ yếu ông truyền dạy những gì tinh túy nhất, đặc biệt là về binh khí với bài Siêu xung thiên. Phan Văn Quảng có năng khiếu đặc biệt về võ thuật, tiếp thu rất nhanh, những gì cha truyền dạy anh đều sớm nằm lòng. Nối nghiệp võ của cha, mới 17 tuổi, anh đã đứng ra khôi phục võ đường Hồng Phi Phụng.

Thầy trẻ, nhưng rất đông học trò theo học. Vừa làm thầy dạy võ, Phan Văn Quảng vừa là trụ cột của đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Khánh Hòa, trong vai trò VĐV và HLV. Không ngoài sự kỳ vọng của ngành TDTT tỉnh Khánh Hòa, tại Giải võ cổ truyền toàn quốc lần thứ I năm 1988 do Liên đoàn VTCT Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, Phan Văn Quảng đã gây tiếng vang lớn khi một mình giành đến 4 HCV và 1 HCB với 5 bài võ khác nhau. Đặc biệt, với bài Siêu xung thiên, những người đã từng xem võ sư Phan Văn Vũ biểu diễn bài võ này cảm thấy như sống lại hình ảnh người võ sư một thời lừng danh đất miền Trung. 7 năm tham gia Giải võ cổ truyền toàn quốc, Phan Văn Quảng mang về cho tỉnh Khánh Hoà 20 HCV, 15 HCB, 8 HCĐ- một thành tích ít  ai đạt được.

Cũng từ biểu diễn thành công bài Siêu xung thiên do cố võ sư Phan Văn Vũ truyền lại mà tại  Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 2 do Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức năm 1994 đã bình chọn, thống nhất là một trong những bài binh khí tiêu biểu cho quốc võ dân tộc. Bài võ không thật dài, người có trình độ cao chỉ thực hiện trong khoảng 1 phút 30 giây, nhưng đây là bài võ khó, chỉ  truyền dạy cho những môn đồ cao cấp. Cũng vì vậy mà người thực hiện thành thục bài Siêu xung thiên không  nhiều.

Quảng bá võ cổ truyền ra quốc tế

Phan Văn Quảng hiện ngoài chức vụ  trưởng phòng tổ chức Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Long Sơn, còn làm nhiệm vụ của một ủy viên ban kỹ thuật Liên đoàn VTCT Việt Nam và trọng tài quốc gia. Anh cho biết, mỗi năm một lần, anh tham gia dạy lớp tập huấn 10 bài võ quốc gia do Liên đoàn VTCT Việt Nam tổ chức.

Một kỷ niệm không bao giờ quên của Phan Văn Quảng là năm 2000, anh cùng võ sư  Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch Liên đoàn VTCT Việt Nam tham dự Festival võ thuật quốc tế tại CHLB Đức. Lần đó, Phan Văn Quảng biểu diễn đủ 10 bài quyền và binh khí  tiêu biểu của Việt Nam, được giới võ thuật quốc tế đánh giá rất cao. Sau đó, anh cùng võ sư Lê Kim Hòa sang Pháp, biểu diễn  cho các môn sinh võ cổ truyền Việt Nam tại đây xem. Anh không ngờ, tại Pháp có nhiều người học võ cổ truyền Việt Nam đến thế. Lòng tự hào dân tộc cực độ, anh biểu diễn hào hứng, say sưa. Sau mỗi bài biểu diễn, không chỉ các môn sinh võ cổ truyền Việt Nam mà khán giả người Pháp cũng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng trong con hẻm Phan Văn Vũ, võ sư Phan Văn Quảng sống cùng  mẹ  là bà Thái Thị Đương. Bà Đương cho biết, từ một cô gái Quảng Nam chỉ biết nội trợ, về làm vợ võ sư Phan Văn Vũ, bà cũng “lây” sự đam mê võ thuật của ông và học võ. Hồi trước, bán hàng ngoài chợ Đầm, nghe tiếng bà biết võ, tụi côn đồ không bao giờ dám quấy phá. Bà cũng học luôn những bài thuốc gia truyền của ông, nhất là những bài thuốc trật đả, chữa lành bệnh cho khối người. Bà nói, võ sư Phan Văn Vũ mất đã lâu, nhưng năm nào cũng có môn sinh tận Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ghé thăm, thắp hương cho thầy nên bà cảm thấy rất ấm lòng.

Phan Xuân Luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.