Tuyển thủ bóng rổ đột tử trên sân

28/03/2012 03:23 GMT+7

Sự việc đau buồn xảy ra ngày 25.3 khi tuyển thủ bóng rổ đội chủ nhà Sóc Trăng - Diệp Phước Lộc (ảnh) (sinh năm 1984) đột quỵ ngay trên sân tranh giải bóng rổ đồng bằng sông Cửu Long và qua đời ngay sau đó.

Sự việc đau buồn xảy ra ngày 25.3 khi tuyển thủ bóng rổ đội chủ nhà Sóc Trăng - Diệp Phước Lộc (ảnh) (sinh năm 1984) đột quỵ ngay trên sân tranh giải bóng rổ đồng bằng sông Cửu Long và qua đời ngay sau đó.

Theo lời kể của HLV trưởng đội Sóc Trăng Huỳnh Long Bảo, cầu thủ Diệp Phước Lộc được ban huấn luyện đăng ký dự bị ở trận đấu này. Sở dĩ ông Bảo không đưa Lộc vào thi đấu vì giải đấu liên tục cần xoay vòng lực lượng nên muốn dưỡng anh cho các trận tiếp theo. Khi hiệp đấu thứ 3 vừa bắt đầu, từ băng ghế dự bị Lộc bất ngờ té ngang bất tỉnh. Ngay lập tức, HLV Huỳnh Long Bảo cùng đồng đội ra sức sơ cứu nhằm giúp Lộc tỉnh lại nhưng vẫn không cứu được Lộc. “11 năm luyện tập cùng đội, Lộc không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Do đó, việc Lộc đột quỵ rồi mất khiến chúng tôi hết sức bàng hoàng”, HLV Huỳnh Long Bảo cho biết.

 
Ảnh: Dương Thu

Theo các HLV, trọng tài có mặt khi xảy ra sự việc đau buồn trên, thì công tác y tế tại chỗ chưa được chú trọng khi BTC không phối hợp với các trung tâm y tế địa phương để cử lực lượng y tế đến nhà thi đấu nhằm sẵn sàng ứng phó với những chấn thương, tai nạn. Dù là giải quy mô khu vực nhưng BTC cũng không bố trí xe cứu thương túc trực ở ngoài nhà thi đấu theo đúng quy định về tổ chức giải. Do đó khi xảy ra sự việc, một thành viên ban huấn luyện đội Sóc Trăng phải gọi điện cho xe cấp cứu của bệnh viện nhưng do chờ lâu nên phải nhờ đến xe của Trung tâm TDTT Sóc Trăng đưa Lộc đến bệnh viện, nhưng đã quá muộn.

Cách đây vài ngày, người hâm mộ bóng đá thất thần khi chứng kiến hình ảnh tiền vệ của CLB Bolton Fabrice Muamba đột quỵ trên sân trong trận đấu gặp Tottenham ở tứ kết Cúp FA. Muamba đã chiến thắng được tử thần nhờ nỗ lực cứu chữa của các nhân viên y tế tại chỗ lẫn ở bệnh viện. Trong khi đó ở VN, cái chết của Phước Lộc cho thấy việc bảo vệ tính mạng và bảo đảm vấn đề y tế trong công tác tổ chức ở tất cả các giải đấu của thể thao Việt Nam vẫn còn xem nhẹ. Ngay sau sự việc, nhiều HLV, VĐV Việt Nam đã bày tỏ thái độ phản ứng trước việc BTC nhiều giải rất coi thường việc đảm bảo an toàn và công tác sơ cứu cho VĐV. Có giải đấu khi thi đấu chưa xong thì lực lượng y tế đã ra về khiến VĐV gặp chấn thương chẳng biết cầu cứu ở đâu.

Thiết nghĩ không phải bây giờ khi tai nạn đau lòng và những cái chết thương tâm xảy ra, mới thấy sự yếu kém về công tác y tế trong việc tổ chức các giải đấu của thể thao VN. Năm 2003 trước thềm SEA Games 22, VĐV xe đạp địa hình Đỗ Xuân Tâm cũng đã đột tử khi không được sơ cứu kịp thời. Bao giờ công tác này mới thật sự được ngành TDTT quan tâm?

Hoàng Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.