Văn hóa cổ động

29/01/2010 16:28 GMT+7

(TNTT&GT) Ngày 31.1.2010, mùa giải bóng đá mới sẽ diễn ra trên khắp sân cỏ cả nước. Cũng như mọi năm, vấn đề an ninh sân cỏ luôn là nỗi đau đầu của ban tổ chức lẫn LĐBĐ Việt Nam.

Cổ động viên luôn mang lại không khí sôi động trên các khán đài - Ảnh: Bạch Dương

(TNTT&GT) Ngày 31.1.2010, mùa giải bóng đá mới sẽ diễn ra trên khắp sân cỏ cả nước. Cũng như mọi năm, vấn đề an ninh sân cỏ luôn là nỗi đau đầu của ban tổ chức lẫn LĐBĐ Việt Nam.

Và một khi tính chất của V-League ngày càng gay cấn, vấn đề “văn hóa cổ động” càng phải được quan tâm hơn nữa. Nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, TNTT&GT mở diễn đàn “Văn hóa cổ động”, mời bạn đọc cùng tham gia

Cổ động là tuyên truyền, phổ biến những tư tưởng, quan điểm bằng các hình thức nói chuyện, báo cáo, phát thanh truyền hình…nhằm kêu gọi mọi người hưởng ứng, tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Đã từng có hẳn một dòng nghệ thuật tranh cổ động.

Ngày xưa chủ yếu người ta cổ động cho tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất, thi đua yêu nước. Bây giờ chủ yếu người ta cổ động cho tinh thần thể thao, cổ động trong thể thao - đặc biệt cho bóng đá. Bóng đá mà không có cổ động viên (supporter) như thể nấu cơm mà thiếu lửa, như diễn kịch mà không có người xem. Chúng ta ai cũng biết rằng để một trận đấu bóng đá thành công, ngoài sự thi đấu hết mình của các cầu thủ còn có một phần đóng góp rất quan trọng từ phía khán giả, các cổ động viên.  Đội bóng nào đá trên sân nhà được coi là có thêm một cầu thủ nữa. Cổ động viên đã dần trở thành một nhân vật chính, một phần tất yếu của các trận đấu. Các phóng viên thể thao thường tốn không ít giấy mực để diễn tả sự đắm say của các cổ động viên - khi sướng điên vì chiến thắng hay khi khóc tức tưởi vì chiến bại.

Cổ động viên cần phải được "định vị" là những người đam mê cái đẹp chứ không phải những kẻ gây rối

Cổ động viên được hiểu là người tích cực ủng hộ, động viên cho một đội bóng nhất định. Đôi khi sự cuồng nhiệt của các cổ động viên trở nên thái quá, khiến người ta phải nói đến tệ nạn cổ động viên quá khích hay báo động về văn hóa cổ động. Nhiều khi vào sân xem bóng đá, chúng ta phải chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt, khi cả đám cổ động viên cởi trần trùng trục, ăn uống nhồm nhoàm, nói tục chửi bậy văng mạng. Nhiều bà hàng tôm hàng cá ghê gớm là thế chắc gặp cổ động viên cũng “mất điện”, cũng phải đỏ mặt xấu hổ mà bỏ về sớm cho đỡ bị tra tấn.

Trên sân cỏ Việt Nam,  việc cổ động viên quá khích ném các “UFO” (vật thể bay kỳ lạ) giày dép, nón mũ, chai lọ, thậm chí là cả ghế nhựa, mắm tôm, nước tiểu và đầu chó thui…vào cầu thủ, vào trọng tài, ném xuống sân… không phải là chuyện hiếm.  Rồi bức xúc khi đội bạn liên tục phạm lỗi với các cầu thủ “của mình” hay bức xúc vì trọng tài thổi không công minh, có cổ động viên như chực nhảy vào sân đòi “đánh” đội bạn, đánh trọng tài hay chực quay sang chửi bới, đánh nhau với  cổ động viên đội bạn. Người ta đã chứng kiến nhiều vụ bạo lực khán đài và bạo loạn sân cỏ, bắt nguồn từ những khích bác, chửi bới giữa các nhóm cổ đông viên. Sau khi tàn trận đấu, cổ động viên ra về thường để lại trên sân vận động một “bãi chiến trường” đầy rác.

Rõ ràng khi cổ vũ cho những “thần tượng”, những “đứa con cưng” của mình cũng cần phải có văn hóa. Các cổ động viên bóng đá cần phải được “định vị” là những người đam mê cái đẹp trong thể thao chứ không phải là những kẻ chuyên gây rối trên sân. Cổ động viên cần phải biết giữ gìn tính văn hóa trong việc cổ động đội bóng của mình và cùng nhau lên án, loại bỏ những hành vi thiếu văn hóa núp dưới bóng việc cổ vũ các hoạt động thể thao.

Cổ động không phải là ngồi nhà xem TV mà cổ động là phải ra sân. Khi bước vào sân vận động để xem một trận bóng đá - nhất là một trận đấu giữa hai đội ngang tài ngang sức, từng có duyên nợ với nhau và hứa hẹn nhiều kịch tính, chúng ta như được đi dự một bữa tiệc và chúng ta phải là một thực khách lịch lãm.  “Mâm bát” được bày ra là khán đài đông kín người với cờ hoa phấp phới, bóng bay nhiều màu, món ăn chính là những màn trình diễn ngoạn mục của cầu thủ cả hai đội. Mỗi bàn thắng được ghi là một biển người trào dâng như sóng dậy, ầm vang tiếng hò reo, tiếng kèn tiếng trống.

Hòa mình vào trong không khí đầy khóai trá ấy, cách cổ động văn hóa trên sân là nhiệt tình (bởi cổ động viên không "có lửa" thì làm sao các cầu thủ trên sân chạy "có khói" được) nhưng không quá khích. Và dù không hài lòng hay cay cú đi chăng nữa, cổ động viên cũng nên hết sức bình tĩnh, hết sức kiềm chế, tôn trọng mình và tôn trọng người khác, tôn trọng cả cổ động viên của đội đối thủ. Văn hóa phải là mọi nơi, mọi lúc – văn hóa cả khi là cổ động viên.

Tâm lý hùa theo

 
Ông Phạm Hồng Hải (Cựu chủ tịch Hội CĐV Cảng Sài Gòn)

Cổ động viên “quậy” sự thật đang trở thành một mối lo ngại hàng đầu ở các giải bóng đá ở Việt Nam. Điều này xuất phát không phải từ số đông mà chỉ bắt nguồn từ một số thành phần cá biệt. Đây đa phần là những thanh niên không thể hiện được những văn hóa cổ động đúng mực. Nguy hiểm là ở chỗ, khán đài không phải rạp chiếu bóng, khả năng kiểm soát hành vi của số đông là rất khó khăn. Chỉ cần có một số thành phần quá khích “phát hỏa”, thì số đông còn lại vốn cổ vũ có văn hóa thì cũng có tâm lý hùa theo. Được sự đồng tình của số đông, những thành phần cá biệt sẽ còn tỏ ra hung hãn hơn, phản xạ tiêu cực từ phía khán giả vì đó sẽ tiếp tục tăng dần lên.

Một nguyên nhân khác cũng không kém quan trọng đó là thái độ cống hiến từ cầu thủ. Hiện nay, vì một số lý do khách quan mà cầu thủ cũng có những “tính toán” riêng khiến khán giả có cảm xúc không tốt, không hài lòng rồi sẽ dẫn tới sự phản ứng.

Quả bóng không còn “tròn”

 
Ông Trần Văn Hồng (Chủ tịch Hội CĐV SHB.Đà Nẵng)

Trước đây, trên khán đài không có những cảnh bạo loạn, thậm chí cũng không phải nghe những câu chửi thề từ các khán giả, mọi người đều đến sân cổ vũ một cách hồn nhiên. Đó là bởi ngày trước các cầu thủ cũng luôn thi đấu rất hồn nhiên mỗi khi ra sân khiến cho khán giả rất thích thú. Khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp thì cũng kéo theo những hệ lụy. Đồng tiền bắt đầu chi phối quá nhiều vào cầu thủ và đội bóng. Những trận đấu mà cầu thủ không chịu chơi hết sức xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí có những trận có “mùi”, dàn xếp tỉ số rành rành ra đó thì khán giả không thể nào không nhận ra.

Cộng thêm vào đó là những tranh chấp nảy sinh chính trong lòng Hội CĐV, sự nghi ngại lẫn nhau xuất hiện ngày càng nhiều, văn hóa cổ động vì thế ngày càng có dấu hiệu xuống cấp.

Cổ động cho đội bạn

 
Anh Mạnh “béo” (Đỗ Văn Mạnh, Phó chủ tịch Hội cổ động viên đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam) 

Những lần đi cổ động, nếu cổ động viên đội tuyển khác chửi bậy, tôi thường quay ra hô cổ động cho đội họ, thế là lại vui vẻ ngay! Vì thế, tôi đi đến đâu ít xảy ra đánh nhau lắm. Trong Sea Games vừa rồi, tôi cùng các cổ động viên sang tận Viêng Chăn để cổ vũ đội tuyển. Chúng tôi chuẩn bị 200 cái áo (có in hình lá cờ Việt Nam) để tặng cho các đội đá với Việt Nam, rồi chuẩn bị cả đội kèn, băng rôn, khẩu hiệu, cờ to đầy đủ, không thiếu cái gì. Trận nào Việt Nam đá, chúng tôi cũng đi diễu hành khắp đường phố Viêng Chăn. Vui lắm, người dân cũng rất thích! Từ Sea Games 24, sau khi đi Thái Lan xem thi đấu, tôi thấy có nhiều cháu nhỏ cổ động rất hay, thế là về tôi cũng bắt chước. Tôi đã huấn luyện cho 50 cháu, bây giờ các cháu đã học lớp 5. Các cháu hô và có những động tác cổ động rất đẹp mắt, khi ra sân mọi người đều bắt chước.

Bắn súng thiệt thòi

 
Anh Phạm Ngọc Thanh (VĐV bắn súng)

Nếu như các môn thể thao khác cổ động viên là người tiếp thêm sức mạnh trực tiếp khi thi đấu thì bắn súng có vẻ thiệt thòi vì hầu như không có người cổ động. Nhưng không thể trách CĐV vì đặc thù của môn này cần sự tập trung cao, khu thi đấu chuyên biệt. Khán giả có muốn vào cổ vũ cũng phải cách ly ở phía ngoài trường bắn, trong quá trình thi đấu cũng chỉ biết động viên VĐV bằng... sự im lặng.

Thi thoảng tôi cũng đi xem bóng đá, tôi thực sự bực mình khi thấy một vài CĐV quá khích nói những lời thô tục, ném chai, lọ xuống khán đài. Họ không biết rằng, làm VĐV cũng có rất nhiều áp lực, sơ sẩy là không thể tránh khỏi, không nên hở một chút là la hét, chửi mắng họ. Nói vậy, chứ tôi khá “nhát”, có thấy những CĐV như thế thì mình cũng chỉ biết tránh xa thôi, không dám nói lại vì sợ bị... đánh (cười).

Hùng Phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.