VĐV Việt thi đấu nước ngoài: Không bổ dọc cũng bổ ngang

07/07/2019 10:50 GMT+7

Trong 12 năm trở lại đây, thể thao VN cũng có một số VĐV ra nước ngoài “đánh thuê” vừa kiếm thêm thu nhập, vừa quảng bá hình ảnh thể thao VN, vừa tích lũy chuyên môn mà nói như các HLV là không bổ dọc cũng bổ ngang.

Bóng chuyền tiên phong

Bóng chuyền là môn “xuất khẩu” nhiều VĐV ra nước ngoài nhất tính đến thời điểm này. Người đi tiên phong là “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều. Sau SEA Games 24 năm 2007, CLB Sanest Khánh Hòa đã đồng ý “chuyển nhượng” anh sang CLB số 1 Indonesia Samator Group với mức lương khoảng 2.000 USD/tháng mà nói như một HLV của Sanest Khánh Hòa lúc đó: “Chúng tôi sốc khi phía đối tác chủ động đề nghị số tiền rất lớn này”. Văn Kiều trở thành nhân tố chủ lực của Samator Group hai năm liên tiếp trước khi đứt gánh giữa đường vì bị quá tải, dẫn đến chấn thương và không thể tiếp tục sự nghiệp tại nước ngoài.
Chủ công 1m92 của Việt Nam được rủ rê sang Mỹ thi đấu
Để lại dấu ấn đậm nét là phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa của VTV Bình Điền Long An, được đưa sang Thái Lan với hai lần chơi cho hai CLB khác nhau. Mùa giải năm 2013 - 2014, Hoa đầu quân cho CLB Ayuthaya A.T.C.C và giúp đội bóng này giành hạng 3 giải vô địch và Siêu cup Thái Lan. Hoa đoạt danh hiệu phụ công xuất sắc nhất giải. Năm 2015, Hoa chọn bến đỗ là đội bóng nổi tiếng Thái Lan Bangkok Glass và cùng CLB này giành ngôi vô địch CLB nữ châu Á tổ chức ở VN. Hoa lại đoạt danh hiệu phụ công xuất sắc nhất. Mùa giải 2016, Hoa lại giúp Bangkok Glass đoạt vô địch giải quốc gia Thái Lan, hạng 3 các CLB châu Á và hạng 7 giải các CLB thế giới.
Trong đội hình Bangkok Glass đoạt chức vô địch quốc gia Thái Lan năm 2016, ngoài Ngọc Hoa còn có một đồng đội khác người VN là chủ công Trần Thị Thanh Thúy. Cô gái có chiều cao 1,90 m này năm 2017 - 2018 tiếp tục thi đấu cho một đội bóng khác của châu Á là Attack Line (Đài Bắc Trung Hoa) và cũng giúp CLB giành hạng 4 giải vô địch quốc gia. Năm 2019, Thúy thử việc tại CLB Denso, Nhật Bản. Ngoài hai gương mặt nổi bật này, VĐV Trần Thị Bích Thủy cũng đi “du học” ở Thái Lan. Mùa giải 2018 - 2019, cô thi đấu cho CLB Air Force và giành danh hiệu phụ công xuất sắc nhất.

Cầu lông, cờ vua nối bước

Tay vợt cầu lông số 1 VN Nguyễn Tiến Minh được xem là “lính đánh thuê” có thu nhập khủng nhất làng thể thao VN. Năm 2011, khi xếp hạng 7 thế giới, Tiến Minh nhận lời mời sang đánh thuê ở Indonesia. Khi đó anh được đài thọ chi phí đi lại, ăn ở cùng khoản tiền lót tay nhưng không tiết lộ. Năm 2013 cũng là năm mà Tiến Minh thăng hoa với tấm HCĐ thế giới, anh được mời sang Ấn Độ đánh thuê với giá lên tới 44.000 USD (gần 1 tỉ đồng).
Tiến Minh cho biết việc đi “đánh thuê” ở nước ngoài có rất nhiều mặt lợi. Nhờ đó VĐV được cọ xát đỉnh cao thay vì phải bỏ tiền đi nước ngoài tập huấn, đỏ mắt tìm quân xanh... Chính tài năng, tên tuổi của Tiến Minh đã giúp làng cầu lông thế giới biết đến nền cầu lông VN.
Một tài năng khác của thể thao VN là Lê Quang Liêm cũng nhiều lần được mời đi “đánh thuê” ở các cường quốc cờ vua như Nga, Trung Quốc, Đức. Ở mỗi giải, trung bình Liêm được nhận khoảng 2.000 - 5.000 USD và luôn đóng vai trò chủ lực, khẳng định được tài năng số 1 của cờ vua VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.