Võ thuật làm nên đặc sắc của "Tây sơn hào kiệt"

27/04/2010 08:34 GMT+7

Có thể nói võ sư - đạo diễn Lý Huỳnh là người tiên phong trong việc đưa võ thuật lên màn hình phim ảnh sau năm 1975. Vừa là diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất, ông đi suốt con đường điện ảnh của mình với 60 bộ phim võ thuật - hành động và lịch sử hấp dẫn, lôi cuốn nhiều tầng lớp khán giả. Phim Tây sơn hào kiệt sắp công chiếu vào dịp 30.4 là bộ phim lịch sử-cổ trang, liệu có đủ sức hút người hâm mộ?

Đại cảnh xuất quân

Có thể nói võ sư - đạo diễn Lý Huỳnh là người tiên phong trong việc đưa võ thuật lên màn hình phim ảnh sau năm 1975. Vừa là diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất, ông đi suốt con đường điện ảnh của mình với 60 bộ phim võ thuật - hành động và lịch sử hấp dẫn, lôi cuốn nhiều tầng lớp khán giả. Phim Tây sơn hào kiệt sắp công chiếu vào dịp 30.4 là bộ phim lịch sử-cổ trang, liệu có đủ sức hút người hâm mộ?

Những con số ấn tượng

Có khoảng 200 võ sư cùng hơn 10.000 lượt người vào vai quần chúng là những võ sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng cùng các đơn vị bộ đội, tạo nên sự đồ sộ cho những đại cảnh hoành tráng. Võ sư Lê Kim Hòa, cố vấn võ thuật cho rằng: “Có trong tay lực lượng võ thuật đông đảo nhưng phải biết cách khai thác mới tạo nên sự sống động trong từng chi tiết. Làm sao thể hiện được cái “hồn” võ thuật giữa cảnh hàng ngàn binh sĩ ào ào xốc tới với cung tên, côn, thương, kiếm… mà không gây hỗn loạn trong trận đánh? Hay cảnh quay đặc tả hoàng đế Quang Trung (Lý Hùng thủ vai) tử chiến với các dũng tướng nhà Thanh thế nào cho ra thần thái oai nghi? Đạo diễn Lý Huỳnh có thừa kinh nghiệm, và nói thật sau khi coi phim, tôi cũng không ngờ võ thuật được diễn xuất rất thật và hay như vậy”.

Cảnh Nguyễn Lữ luyện quân với bài Hùng Kê quyền do chính ông sáng tạo ra lối đánh đặc thù chỉ có những võ sinh thứ thiệt mới lột tả được. Hơn 60 con voi buôn Đôn được huy động làm đội “tượng binh” hùng hậu và cảnh luyện voi chiến thật đặc sắc. Khoảng 100 con ngựa đua có tầm vóc cao to làm đội “kỵ binh” xung trận càng tăng phần hùng tráng. Trận đánh đồn Ngọc Hồi với hàng chục khẩu súng thần công dội bão lửa và quân Tây Sơn dũng cảm áp sát công thành dù bị quân Thanh bắn tên lửa như mưa nói lên được tinh thần quyết chiến của đội quân áo vải cờ đào. Võ sư Mai Hiệp, diễn viên trong vai tướng nhà Thanh vẫn còn hồi hộp: “Cảnh lửa cháy, voi, ngựa dày xéo lên quân Thanh đang tháo chạy như một trận chiến thật. May mà không xảy ra tai nạn nào”. Có khoảng 1.000 người diễn cảnh quân Thanh vượt cầu phao qua sông, cầu bị chặt gãy làm quân giặc chết nhuốm đỏ cả một khúc sông…

Đạo diễn Lý Huỳnh cho biết, ông cùng đoàn làm phim nhiều lần ra tận nơi khởi binh, đến địa điểm tập hợp quân tiến ra Bắc Hà, vô Bảo tàng Quang Trung nghiên cứu các kiểu trang phục cùng các loại giáp chiến để thiết kế phù hợp. Mấy ngàn bộ trang phục cổ được đặt hàng cùng với hơn 2.000 binh khí các loại. Ông nói vui: “Chỉ những “bảo kiếm” mắc tiền đoàn làm phim mới giữ lại.  Phần lớn côn, đao, thương… bị đánh gãy hết. Số còn lại các diễn viên quần chúng xin làm kỷ niệm”.

Làm phim “dựa vào lòng dân”

Hình tượng Quang Trung là hiện tượng độc đáo trong lịch sử, làm sao tái hiện lại cuộc đời và chiến công của nhân vật này luôn là niềm ấp ủ của Lý Huỳnh. Cho đến khi có trong tay kịch bản “Ngàn năm thương nhớ”  của Phạm Thùy Nhân, Cao Đức Tường và Huy Thành, hãng phim Lý Huỳnh lên kế hoạch sản xuất và liên kết với hãng phim Thanh Niên. Cuộc tiếp xúc với bí thư tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà nhận được sự ủng hộ nhiệt thành. Toàn bộ chi phí như ăn ở, phương tiện đi lại, số diễn viên quần chúng lên tới con số vạn cùng các điều kiện về an toàn, an ninh… đều được tỉnh Bình Định “cho không”. Đến giờ phim sắp ra rạp chiếu, Lý Huỳnh vẫn còn xúc động: “Con người Bình Định chất phác mà hào hiệp vô cùng. Có ở trong lòng dân mới biết vì sao đất này sản sinh một anh hùng kiệt xuất như Nguyễn Huệ- Quang Trung”.

Lạ hơn nữa, khi tìm một gò đất cao để dựng đồn Ngọc Hồi ở Củ Chi, bất ngờ ông gặp Lê Anh Kiệt, ông chủ có 100 mẫu đất, khi biết ý đồ của đoàn làm phim, ông Kiệt lấy bản vẽ và bỏ ra mấy trăm triệu xây luôn. Xong ông tuyên bố “cho không”, đoàn phim cứ quay và tha hồ mà đốt cháy luôn cả đồn. Khi quay cảnh thành Thăng Long, đoàn phim lại được ông Huỳnh Uy Dũng “cho mượn” khu du lịch Đại Nam, không thu khoản tiền nào… Lý Huỳnh làm phép tính: “Chi phí thực tế cho bộ phim khoảng 12 tỉ đồng. Nếu không được sự ủng hộ nói trên, ước tính sẽ trên 20 tỉ đồng, hãng phim Lý Huỳnh chắc cũng không gánh nổi”!

Đôi điều còn đọng lại

Tây Sơn hào kiệt tái hiện lại một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Nghệ thuật quân sự sáng tạo của nghĩa binh Tây Sơn được thể hiện qua cách hành binh thần tốc cứ hai người lính khiêng võng một người rồi đổi vai làm cho cuộc tiến quân không cần nghỉ chân, tạo ra yếu tố bất ngờ khi hội quân chớp nhoáng ở Tam Điệp. Yếu tố chiến tranh nhân dân cũng được thể hiện qua việc các bô lão và dân làng ven đồn giặc hiến kế dùng đàn trâu (ngưu binh) phá trận địa địa lôi. Cuộc gặp mặt giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp có đủ yếu tố của một mặt trận trí vận và tình báo khi Thiếp cử người mang mật thư ra thành Thăng Long vận động người coi kho đốt kho thuốc súng. Tuy vậy vẫn còn vài “hạt sạn” ở khâu kịch bản khi cho từ miệng nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh thốt lên câu: “…gặp thời thế, thế thời phải thế” vốn là câu đối của Ngô Thời Nhiệm khi bị Đặng Trần Thường hặc tội phạt đòn tại Văn Miếu. Có những sai sót không đáng có như dùng từ “Bắc Kỳ” hoàn toàn sai với ngữ cảnh lịch sử. Vài “hạt sạn” đó không hề làm lu mờ “hạt châu” Tây Sơn hào kiệt, và sự đánh giá thật sự xin nhường lại hoàn toàn cho khán giả.

Hồng Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.