World Cup 2010: Nam Phi "luận kiếm"

22/01/2010 19:59 GMT+7

(TNTT&GT) Cái tựa đề đã là như thế, ắt hẳn bạn đọc đoán ngay ra được nội dung: kẻ hậu sinh viết bài này chỉ nhại lại ý tưởng “Hoa Sơn luận kiếm” của đại tiền bối Kim Dung. Thôi thì, cũng tạm hầu chuyện trong những ngày xuân, chẳng dám khoe khoang cái quyền phân định kẻ cao người thấp giữa những anh hào chuẩn bị tranh tài ở World Cup 2010. Chỉ “bình loạn” chút đỉnh gọi là…

(TNTT&GT) Cái tựa đề đã là như thế, ắt hẳn bạn đọc đoán ngay ra được nội dung: kẻ hậu sinh viết bài này chỉ nhại lại ý tưởng “Hoa Sơn luận kiếm” của đại tiền bối Kim Dung. Thôi thì, cũng tạm hầu chuyện trong những ngày xuân, chẳng dám khoe khoang cái quyền phân định kẻ cao người thấp giữa những anh hào chuẩn bị tranh tài ở World Cup 2010. Chỉ “bình loạn” chút đỉnh gọi là…

Đương kim vô địch coi như “chết” rồi

Ai đọc Anh hùng xạ điêu cũng biết: danh hiệu vô địch võ lâm được Kim Dung trao cho một nhân vật không còn tồn tại. Đó là Vương Trùng Dương trong nhóm võ lâm ngũ bá. Nhóm này gồm 4 cao thủ “ngang cơ” là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công, và một nhân vật võ công cái thế, áp đảo quần hùng: Trung Thần Thông Vương Trùng Dương. Các nhân vật ấy hẹn gặp ở Hoa Sơn để phân cao thấp, xem ai có võ công trùm trời thì được sở hữu bộ Cửu Âm Chân Kinh, vốn là bí kíp võ công tuyệt đỉnh, cho đến kỳ luận kiếm tiếp theo. Kết quả, Vương Trùng Dương đoạt chức vô địch.

Nhưng bản thân nhân vật Vương Trùng Dương ấy cũng chỉ là… chuyện kể. Theo mạch truyện của Kim Dung thì họ Vương đã quá cố từ khi truyện Anh hùng xạ điêu bắt đầu. Từ đó, chẳng ai nói được là trong số những cao thủ còn lại, ai nhỉnh hơn ai. Mỗi người có sở trường riêng, tuyệt học riêng, đủ sức khắc chế lẫn nhau, ngăn cản nhau đoạt chức vô địch dù bản thân mình không thể lên ngôi vô địch như Vương Trùng Dương. Cũng vì lẽ ấy, Anh hùng xạ điêu hấp dẫn. Người ta hào hứng chờ xem kết quả, khi kỳ Hoa Sơn luận kiếm tiếp theo diễn ra trong hoàn cảnh “đương kim vô địch” Vương Trùng Dương không còn tồn tại.

Tại World Cup 2010, danh hiệu ĐKVĐ thuộc về đội tuyển Ý, trên thực tế cũng gần như là nhà vô địch… không còn tồn tại. Khi tuần báo France Football công bố danh sách đề cử gồm 30 cầu thủ cho giải thưởng danh giá “Quả bóng vàng 2009”, đội tuyển Ý không có lấy một đại diện. Mà quả vậy. Những người hùng giúp Calcio sở hữu Cửu Âm Chân Kinh (xin lỗi, sở hữu cúp vàng FIFA 2006) như Materazzi, Cannavaro, Gattuso, Totti, bây giờ chẳng còn chút trọng lượng nào. Squadra Azzurri chẳng còn “số má” gì nữa, cho dù tên tuổi của đội bóng này chẳng bao giờ mất đi. Coi như Nam Phi luận kiếm 2010 diễn ra trong bối cảnh cái danh đương kim vô địch của thầy trò Marcello Lippi có cũng như không. Chỉ khác với truyện của Kim Dung ở chỗ: đội tuyển Ý dù sao cũng sẽ góp mặt chứ không đến nỗi bị loại như Vương Trùng Dương.

 

Cân tài cân sức

Hệ quả tiếp theo: khó mà nói được, ai nhỉnh hơn ai trong số những cao thủ đang lăm le giật cúp tại World Cup 2010. Mỗi ứng cử viên vô địch đều có sở trường đủ để khắc chế ứng cử viên khác, nhưng cũng đều có sở đoản đủ để chính họ không dám đảm bảo rằng cúp sẽ về tay mình. Đội Anh của Capello lui tới cũng chỉ tấn công ào ào, thừa cương mãnh nhưng thiếu cả đòn độc lẫn tính bất ngờ, dễ đoán chẳng khác gì Giáng long thập bát chưởng của Hồng Thất Công. Cao thủ thật sự chẳng ai ngán Bắc Cái, cũng như Đức, Brazil, Argentina, Tây Ban Nha, Pháp đều chẳng ngán Anh.

Thường thì người ta luôn xem đội đang giữ ngôi vô địch châu Âu là ứng cử viên vô địch sáng giá ở kỳ World Cup tiếp theo. Nhưng một đội phải chờ đến 44 năm mới trở lại ngôi vô địch châu Âu (ngoài ra, không có danh hiệu quan trọng nào khác), thì chắc là không đủ sức đăng quang ở đấu trường World Cup khi đang giữ ngôi vô địch Euro. Xưa nay, chỉ có đội Đức làm được chuyện ấy. Mà Tây Ban Nha thì không bao giờ sánh được với Đức về mặt truyền thống. Có thể xem Tây Ban Nha như Nam Đế Đoàn Trí Hưng, không chỉ vì đội này đứng ở phía nam so với phương vị Bắc Cái của đội tuyển Anh. Tây Ban Nha gồm cả kỹ thuật điêu luyện trong lối chơi đẹp mắt thiên về tấn công, lẫn uy danh của các ngôi sao Barcelona đang thống trị thế giới ở tầm câu lạc bộ, cũng giống như Đoàn Nam Đế đã có tuyệt nghệ Nhất Dương Chỉ lại được chính Vương Trùng Dương truyền thụ Tiên Thiên Công trước khi qua đời. Nhưng ở đấu trường World Cup, người ta còn phải chiến đấu bằng ý chí, bằng khát vọng, bằng mưu mô, bằng cả một quá trình chuẩn bị công phu trong rất nhiều khía cạnh ngoài chuyên môn. Tây Ban Nha lại chưa bao giờ nổi tiếng về những thứ ấy. Đội tuyển này xưa này chỉ nổi tiếng ở thói quen chia tay World Cup trong sự luyến tiếc. Giống như độc giả của Kim Dung đã phải luyến tiếc khi Đoàn Nam Đế bất ngờ… đi tu, trở thành Nhất Đăng đại sư, không thích tranh giành với ai nữa!

Hoa Sơn luận kiếm trong Anh hùng xạ điêu kết thúc bằng một kết quả bất ngờ và đầy kịch tính: không có nhà vô địch. Nam Phi "luận kiếm" 2010 biết đâu cũng sẽ kết thúc với một kết quả nằm ngoài dự đoán, kết thúc vì một chi tiết hoàn toàn không thể lường trước được!
Nếu phải tìm một nhân vật văn võ song toàn – nhạc lý, hội họa, toán học đều giỏi y như giỏi võ – thì đấy ắt hẳn là Đông Tà Hoàng Dược Sư, nhân vật luôn có máu tà, cách hành xử quái dị, xem thường mọi khuôn phép. Hoàng đảo chủ là hình mẫu của Argentina – đội bóng giỏi cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật? Hay đấy chính là Brazil của Dunga, nhân vật đã bất ngờ sổ toẹt giá trị nghệ thuật vốn được bóng đá Brazil tôn thờ? Đấy cũng có thể là hình mẫu của đội tuyển Đức.

Bởi đội này thường thắng bằng những phương pháp khoa học trong tập luyện, thắng bằng lối chơi máy móc, công thức hóa mọi pha bóng. Khi đội Đức chiến thắng, người xem nghĩ mãi vẫn chẳng thấy họ hay ho chỗ nào, cũng như độc giả Kim Dung say mê võ công của Hoàng Dược Sư, chứ chẳng thấy võ công của ông ta đạt đến tuyệt đỉnh ở chiêu gì, ở điểm nào. Có khi, Hoàng đảo chủ chẳng cần ra tay. Chỉ cần lọt vào cạm bẫy bát quái của Đông Tà là đối phương, như Chu Bá Thông võ nghệ cao cường, coi như trở thành tù binh. Nhưng Hoàng Dược Sư chẳng bao giờ là nhà vô địch.

Cuối cùng là Tây Độc Âu Dương Phong. Nghe đến biệt danh là đủ biết “lão độc vật” đáng ghét thế nào. Không có trò gian lận nào mà Tây Độc không dám làm. Ai cũng ghét hắn, nhưng chẳng ai hạ được hắn, bởi cứ xét về chuyên môn thuần túy thì đấy vẫn là cao thủ hạng nhất, với tuyệt chiêu Hàm Mô Công chẳng ai phá nổi. Đúng lúc vòng loại World Cup 2010 khép lại, đội Pháp với cú ăn gian nhục nhã của Thierry Henry đã kịp thời hóa thân thành Âu Dương Phong. Ghét Henry và đồng đội lắm. Nhưng vấn đề ở đây: không ai dám quả quyết là sẽ thắng Pháp.

Giống như võ lâm “tứ bá”, World Cup 2010 như thế thì mới hấp dẫn.

Tài năng mới phải chịu gian truân

Sở dĩ Kim Dung nghĩ ra “điều lệ” 25 năm mới có một kỳ luận kiếm Hoa Sơn vì đấy là khoảng thời gian vừa đủ để xuất hiện một thế hệ tài năng mới, gồm đủ kinh nghiệm lẫn công lực để thách thức thế hệ đi trước. Đấy là chuyện của kiếm hiệp. Bóng đá dĩ nhiên phải khác. Trong bóng đá hiện đại, chu kỳ vừa đẹp phải là 4 năm chứ không thể là 25 năm. Chút trùng hợp thú vị: các anh hào trong truyện Kim Dung có thể giữ vững phong độ đỉnh cao ở 3 kỳ luận kiếm Hoa Sơn thì đa số ngôi sao bóng đá bây giờ cũng có bình quân 3 dịp chinh phục World Cup trong đời cầu thủ. Cuộc luận kiếm mới bao giờ cũng có một gương mặt mới đáng chú ý hơn là các ngôi sao cũ. Xét ở phương diện cá nhân, ngôi sao nổi bật trước kỳ Nam Phi luận kiếm 2010 đương nhiên là Lionel Messi của đội Argentina – danh thủ đã gom thâu mọi giải thưởng danh giá trong năm 2009.

Cuộc chinh phục World Cup 2010 của ngôi sao trẻ Messi liệu có trắc trở như hầu hết các “ngôi sao trẻ” trong các tác phẩm hấp dẫn của Kim Dung?

Chắc phải nói ngay là “có”. Cuộc đời và sự nghiệp của Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu cũng như Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp, Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ, Trương Vô Kỵ trong Cô gái đồ long… đều không bằng phẳng chút nào. Nếu Messi không thành công như mong đợi tại World Cup 2010, bạn đừng lấy đó làm lạ. Anh ta phải… luyện tiếp vậy. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy ngay: chưa bao giờ có một “Quả bóng vàng” vô địch World Cup trong năm tiếp theo. Và trong khoảng chục năm nay, chưa có “Quả bóng vàng” nào lọt được vào 3 vị trí cao nhất trong cuộc bình chọn tiếp theo.

Sở dĩ Messi tỏa sáng trong đội hình Barcelona nhưng chưa bao giờ thành công (một cách vang dội) trong đội tuyển Argentina, là bởi lối chơi của 2 đội bóng ấy khác nhau một trời một vực. Messi là “sản phẩm” của Barcelona chứ không phải của bóng đá Argentina. Đội tuyển Argentina xưa nay chưa bao giờ chơi 4-3-3 như kiểu chơi Barcelona, có từ thời Johan Cruyff.

Nói cách khác, đội tuyển quốc gia không có chỗ để Messi tỏa sáng trong vai tiền đạo cánh sở trường. Chỉ nêu một ví dụ ấy đã thấy Messi không dễ thành công tại Nam Phi, chưa kể nhiều rắc rối khác. Chẳng hạn, Messi thành công thế nào được, khi dẫn dắt anh là một Diego Maradona chưa bao giờ đủ tư cách trở thành một người đứng đắn? Messi tại World Cup 2010 sẽ giống như Lệnh Hồ Xung, chẳng bao giờ ngóc đầu lên trong phe khí tông của phái Hoa Sơn, do gã ngụy quân tử Nhạc Bất Quần dẫn dắt vậy.

Hoa Sơn luận kiếm trong Anh hùng xạ điêu kết thúc bằng một kết quả bất ngờ và đầy kịch tính: không có nhà vô địch. Nói đúng hơn: người ta hiểu ngầm với nhau rằng nhà vô địch chính là Âu Dương Phong, khi đã hóa điên đến mức không còn biết mình là ai, vì luyện nhầm Cửu Âm Chân Kinh “dỏm” và tẩu hỏa nhập ma! Đấy là kết cục nằm ngoài dự đoán. Nam Phi luận kiếm 2010 biết đâu cũng sẽ kết thúc với một kết quả nằm ngoài dự đoán, kết thúc vì một chi tiết hoàn toàn không thể lường trước như chuyện Âu Dương Phong vô địch vì kinh mạch chạy ngược? Vậy nên, đành trở lại phần đầu bài: “bình loạn” thế thôi, chứ chắc gì…

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.