Thẻ tín dụng quốc tế cũng bị thu phí "lậu"

23/11/2008 21:40 GMT+7

Không chỉ các loại thẻ ghi nợ quốc tế phải chịu mức phí “lậu” tại các máy ATM, mà các thẻ tín dụng quốc tế cũng phải chịu loại phí tương tự.

Sau khi nhận được thông tin từ bạn đọc về vấn đề này, PV Thanh Niên đã có một khảo sát nhỏ trên những máy ATM tại Tràng Tiền Plaza, trước cửa Bưu điện quốc tế bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Khi dùng thẻ ACB Visa credit rút tiền tại ATM của Techcombank, máy ATM hiện lên thông báo về mức phí 20.000 đồng mà ngân hàng này sẽ tính cho khách hàng (ngoài mức phí mà ACB đã thu). Tại máy ATM của Ngân hàng Á Châu, trước khi thực hiện giao dịch rút tiền bằng thẻ tín dụng quốc tế của ngân hàng khác, máy hiện lên dòng chữ: “Phí giao dịch là 20.000 đồng, bạn có muốn thực hiện không?” để cho khách hàng lựa chọn (chưa kể mức phí mà ngân hàng phát hành thu).

Khi khảo sát tại máy ATM của Ngân hàng ANZ thì người sử dụng thẻ tín dụng quốc tế thậm chí còn không nhận được thông báo gì cho đến khi thực hiện thành công giao dịch (vẫn bị thu thêm 20.000 đồng ngoài phí quy định của ngân hàng phát hành). Tình hình cũng xảy ra tương tự tại máy ATM của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Tại máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ngoài việc không hiện các thông tin cần thiết để thông báo khách hàng như ANZ và BIDV, Agribank thu thêm 22.000 đồng (Agribank không tính VAT gộp vào mức 20.000 đồng mà tính riêng nên phí là 22.000 đồng).

 
Rất nhiều điểm rút tiền tự động không ghi số điện thoại nóng hỗ trợ khách hàng khi có sự cố
Tại máy ATM của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), trước khi lựa chọn mức tiền rút, máy hiện lên dòng ghi chú: “Khách hàng nên tham khảo biểu phí dịch vụ thẻ của Ngân hàng Công thương Việt Nam trước khi giao dịch”. Tuy nhiên, tại 2 điểm ATM ở trước cửa Bưu điện quốc tế và bên cạnh cây xăng Nam Đồng (Q.Đống Đa, Hà Nội) đều không thấy VietinBank có dán biểu phí khi sử dụng thẻ visa credit hay debit của ngân hàng khác để rút tiền tại đây. Trên website của ngân hàng này, mức phí rút tiền tại ATM của VietinBank chỉ có đối với các thẻ tín dụng quốc tế do VietinBank phát hành chứ không có mức phí đối với thẻ tín dụng quốc tế do ngân hàng khác phát hành.

Bạn P.N.T - cựu du học sinh tại Singapore cho biết, khi dùng thẻ tín dụng quốc tế rút tiền tại máy ATM ở Singapore, mức phí chỉ do ngân hàng phát hành thu và được thông báo rõ trên hóa đơn chứ không có chuyện ngân hàng có máy ATM thu thêm một khoản như tại Việt Nam. Hóa đơn được in ra cũng ghi rõ số tiền cộng với số phí rút tiền.

Tại máy ATM của Vietcombank trước cửa Bưu điện quốc tế lúc 11 giờ ngày 23.11.2008, khi chúng tôi đến giao dịch tại đây, máy đã bị lỗi phải khởi động lại. Chờ hơn 10 phút, máy hiện lên thông báo: “Xin lỗi, hệ thống gặp sự cố, không thể thực hiện giao dịch”. Chiếc thẻ của chúng tôi cũng bị máy “nuốt” luôn. Quan sát chiếc ATM của Vietcombank, không thấy bất cứ địa chỉ liên hệ nào tới bộ phận quản lý thẻ của ngân hàng này để phản ánh. Khoảng 2 phút sau khi máy báo lỗi, thì máy lại in ra một hóa đơn trống, ở trên có 4 số điện thoại (2 ở Hà Nội, 2 ở TP.HCM). Chúng tôi đã gọi liên tục trong 5 phút tới 4 số điện thoại này nhưng tất cả các số máy đều bận.

Hồng Minh

Trong khi đó, tại Việt Nam, hóa đơn in ra sau khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế (Visa, Master Credit) hoặc ghi nợ quốc tế (Visa, Master Debit) để rút tiền tại máy ATM của một ngân hàng khác lại không hề ghi mức phí thực tế mà khách hàng phải chịu. Hóa đơn in ra chỉ ghi số tiền rút kèm với số phí mà ngân hàng có máy ATM tính cho khách hàng, còn mức phí mà ngân hàng phát hành thẻ tính thì không được ghi trên hóa đơn. Chính vì thế, rất nhiều khách hàng cứ tưởng là mình chỉ bị tính 20.000 đồng hoặc 22.000 đồng mà thôi. Họ chỉ "té ngửa" khi nhận được bản sao kê hoặc kiểm tra tài khoản tại máy ATM của ngân hàng phát hành.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khi ngân hàng phát hành thu mức phí rút tiền mặt tại ATM của chủ thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế, thì mức phí mà ngân hàng phát hành thu đã bao gồm mức phí trả cho tổ chức thẻ quốc tế cũng như ngân hàng thanh toán. Chính vì thế, việc ngân hàng thanh toán (ngân hàng sở hữu máy ATM) còn thu thêm 20.000 đồng hoặc 22.000 đồng là việc thu phí 2 lần đối với một giao dịch.

Một chuyên gia có kinh nghiệm về thẻ quốc tế nhận xét, đây chính là biến tướng của các khoản phụ phí gây cản trở cho sự phát triển của thị trường thẻ (thường gọi là surcharge) mà các tổ chức thẻ quốc tế muốn cấm tuyệt đối. Tại Việt Nam, do các ngân hàng (cả trong nước và nước ngoài) cùng thống nhất việc thu phụ phí đối với khách hàng nên mức phụ thu này đã trở thành một thông lệ xấu. Tuy nhiên, gần như toàn bộ khách hàng tại Việt Nam vẫn chưa biết gì về việc mình bị thu phí tới 2 lần cho một giao dịch.

Hồng Minh - Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.