Thủ tướng Slovenia Janez Jansa lần đầu tiên công khai cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ. Đây là nguy cơ rất thực tế khi chính phủ Slovenia không thể vay thêm nợ từ thị trường tài chính tiền tệ. Trái phiếu chính phủ Slovenia thì không ai mua vì triển vọng kinh tế và tài chính của nước này bị đánh giá là rất tồi tệ. Hồi đầu tháng 8 vừa qua, các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đều hạ bậc đối với Slovenia.
Phe đối lập không chấp nhận đưa quy định hạn chế cụ thể mức nợ công cho phép vào hiến pháp, hệ thống ngân hàng bị đánh giá là không lành mạnh. Chính phủ còn bị chê là thiếu quyết tâm, thiếu kiên định trong việc cải cách kinh tế và tài chính cũng như dành ưu tiên cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách.
Tất cả những biểu hiện trên đều cho thấy Slovenia đang đi theo vết mòn của những thành viên khác thuộc EU như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. EU không thể không cứu Slovenia vì việc nước này, giống như Hy Lạp hay mọi thành viên của Eurozone, sụp đổ sẽ tác động rất xấu đến EU và đồng euro.
Tuy nhiên, những điều kiện mà EU áp đặt cho Slovenia để đổi lấy viện trợ tài chính sẽ kéo theo khủng hoảng chính trị nội bộ ở nước này. Cả bệnh nhân lẫn bệnh viện đều đang đối mặt với tình trạng chữa được bệnh này thì gây ra bệnh khác.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)