Shoppertainment là hình thức mua sắm kết hợp giải trí, cho phép người mua tương tác với người bán trên nền tảng trực tuyến. Bên cạnh một số trang mạng xã hội, TikTok hiện là nền tảng được đông đảo giới trẻ sử dụng như một hình thức khởi nghiệp kiểu "cây nhà lá vườn".
Bắt đầu ứng dụng Shoppertainment vào thương hiệu thời trang từ tháng 10.2022, anh Bùi Mạnh Quân bất ngờ khi doanh số bán hàng tăng trưởng gấp 5 lần so với một tháng trước khi triển khai. Trước đó, CEO The Bad God từng thử nghiệm nhiều hình thức tiếp cận khách hàng nhưng không khả quan.
Chị Phan Thị Như Ngọc, đại diện thương hiệu Rechic cũng tiết lộ doanh thu cửa hàng tăng đến 30% khi thử nghiệm hình thức mới lạ này trên TikTok. Kết quả này đến từ sự đa dạng các kênh bán hàng, chứ không riêng gì nhà bán hàng.
"Có 3 hình thức bán hàng chính trên TikTok: bán từ các nhà sáng tạo nội dung, chủ shop livestream và trên mục TikTok Shop. Mỗi hình thức đều hướng đến việc tiếp cận nhiều khách hàng mục tiêu. Người bán cũng chủ động bán mặt hàng họ muốn dựa trên các xu hướng, nhu cầu của người dùng được tổng hợp trên nền tảng này", chị Ngọc nói thêm.
Ngoài ra, anh Bùi Mạnh Quân cho biết ưu điểm nổi bật của xu hướng thương mại điện tử này là chi phí marketing thấp. "Nếu bỏ tiền quảng cáo trên mạng, hoặc trên TV thì một doanh nghiệp có khi phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng đăng tải clip quảng bá trên một số kênh dành cho Shoppertainment hiện nay gần như tốn 0 đồng, tất cả phụ thuộc vào chất xám của người bán. Ngoài ra, các kênh này cũng mang đến sự đa chiều giúp cho người mua dễ dàng chọn lọc. Không chỉ có người bán nói về sản phẩm của họ, các KOL, người có sức ảnh hưởng cũng có thể chia sẻ về sản phẩm của họ. Thậm chí, những người dùng cũng có quyền bình luận đánh giá, báo cáo về chất lượng sản phẩm", nam doanh nhân chia sẻ.
Lương Toàn Thắng, nhà sáng tạo nội dung với hơn 4,4 triệu lượt thích cho biết đa số các cửa hàng, doanh nghiệp mới đều tìm đến những người nổi tiếng, các kênh review có lượng theo dõi nhất định để quảng bá sản phẩm. "Bởi lẽ, các nhà sáng tạo muốn tồn tại, họ phải luôn duy trì sức hút bằng cách liên tục cập nhật xu hướng, cách thể hiện thông điệp phù hợp với số đông. Vì vậy, nhóm đối tượng này hiểu rõ nhất về hành vi người dùng, khách hàng tiềm năng của từng phân khúc", anh chia sẻ.
Bên cạnh những thử thách về xây dựng kênh sáng tạo, các nhà bán hàng cũng phụ thuộc vào chính sách bán hàng của nền tảng họ sử dụng. Do thuật toán liên tục thay đổi để bảo vệ người dùng nên một số mặt hàng có thể bị giới hạn trên sàn. Cộng thêm thời gian thông báo gấp rút của những đơn vị này có thể ảnh hưởng đến quy trình sản xuất của các doanh nghiệp.
Anh Quân cũng nói thêm dù được hỗ trợ về mặt công nghệ và mạng lưới KOL nhưng điều tiên quyết giúp các nhà bán hàng tồn tại chính là chất lượng sản phẩm. Đây là điều quan trọng nhất đối với các bạn trẻ khi khởi nghiệp. Anh nói: "Chỉ cần một video quảng cáo sản phẩm trở nên viral thì cả nước sẽ biết đến thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, điều cốt lõi để một thương hiệu tồn tại chính là chất lượng sản phẩm tốt và một câu chuyện hay về sản phẩm đó. Đây là chất liệu quan trọng để các doanh nghiệp nhờ đến các nhà sáng tạo nội dung truyền tải theo hình thức đang thịnh hành nhất".
Theo báo cáo Shoppertainment: APAC's Trillion-Dollar Opportunity của Boston Consulting Group - BCG (tập đoàn tư vấn quản trị của Mỹ), xu hướng Shoppertainment hiện đang bùng nổ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là các thị trường phát triển ấn tượng nhất khu vực. Báo cáo này cũng đưa ra dự đoán 3 thị trường trên cùng với Úc sẽ đạt tốc độ 63% tăng trưởng kép hằng năm trong vòng 3 năm tới, đồng thời tăng gấp 4 lần giá trị thị trường từ 24 tỉ USD lên 100 tỉ USD.
Tại Việt Nam, một trong những nền tảng ứng dụng mô hình Shoppertainment hiện nay là TikTok Shop trên TikTok. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam chia sẻ về định hướng của mô hình này trong thời gian tới: "Chúng tôi mong muốn hỗ trợ và phát triển nền kinh tế nội địa. Chúng tôi vừa ký kết hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ chương trình "Mỗi sáng một sản phẩm". Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ chuyển đổi số cho các tỉnh thành, hỗ trợ quảng bá du lịch, văn hóa cũng như nâng cao kỹ năng số cho doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, các địa phương cũng có thể đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử. Đây cũng là cơ hội cho các bạn thanh niên ở vùng Tây Bắc, vùng cao… giới thiệu về văn hóa, du lịch, đặc sản đến người dùng. Vì vậy, họ không nhất thiết phải di chuyển đến các thành phố lớn để tìm việc làm, có thu nhập ổn định. Ngay tại quê nhà, họ có thể buôn bán, tự làm giàu cho bản thân và vùng quê của họ".
Bình luận (0)