Không quản bia, rượu lậu...
|
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN (VBA), cho rằng đề xuất lập quỹ nâng cao sức khỏe mà chỉ nhắm vào DN sản xuất, kinh doanh nhập khẩu rượu - bia là điều không hợp lý. Bởi các DN bia - rượu hiện đóng góp thuế TTĐB đến 65%, thuế nhập khẩu 45%, tức là DN đã đóng khoản thuế phí khá cao liên quan sản xuất kinh doanh rượu - bia. Trong bối cảnh Chính phủ đã có nghị quyết cắt giảm các loại thuế, phí cho DN, việc lập quỹ này là hình thức tăng thu phí, tăng gánh nặng cho DN. “Có điều bất hợp lý là quỹ để phòng chống tác hại sản phẩm đồ uống có cồn lại được gộp với quỹ phòng chống thuốc lá, trong khi tác hại của 2 loại sản phẩm này hoàn toàn khác nhau. Thứ hai, thuốc lá là sản phẩm được khuyến cáo giảm tiêu thụ, trong khi rượu - bia là một ngành công nghiệp có chiến lược, chủ trương phát triển và đóng góp to lớn vào nền kinh tế. Lấy đóng góp của ngành này để “nuôi” vấn đề sức khỏe của cả những vấn đề không liên quan đến ngành là vô lý”, ông Vỵ chia sẻ.
Ông Vỵ phân tích, theo dự thảo, các DN sản xuất rượu - bia đóng quỹ từ 0,5 - 2% trên giá tính thuế TTĐB, tức dựa vào doanh số bán ra. Vậy đây là thuế chứ sao gọi phần đóng góp cho quỹ? Nếu thực hiện, giá bia có thể đội lên gấp rưỡi giá hiện tại.
Một con số đáng lưu ý là tỷ lệ đồ uống có cồn được sản xuất trái phép tại VN đang rất cao, trên 25%. Số liệu từ Bộ Y tế cũng thừa nhận, các vụ ngộ độc rượu tăng do uống phải rượu tự nấu, tự ngâm cây lá rừng, pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao quá giới hạn cho phép… là chủ yếu. "Rõ ràng một trong những nguyên nhân gây hại cho sức khỏe xã hội xuất phát từ quản lý chất lượng sản phẩm đồ uống có cồn trên thị trường, ý thức người dân, các đối tượng làm giả… chứ đâu thể đánh đồng sản phẩm bia - rượu nói chung được", chuyên gia Nguyễn Văn Hiện chuyên nghiên cứu các vấn đề xã hội, lập luận.
Chỉ lo "đẻ" quỹ
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, nói ngay việc buộc đóng góp quỹ lúc này là dồn thêm gánh nặng cho DN lẫn người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, DN vẫn đối diện nhiều khó khăn thách thức, nhất là cạnh tranh giành thị phần với các tập đoàn lớn. "Quy mô nền kinh tế của ta còn nhỏ, tỷ lệ DN nhỏ đến nhỏ li ti còn quá cao. Xây dựng một quỹ mà buộc thu từ DN là điều không nên. Đừng để nguồn lực của nền kinh tế vốn nhỏ bé bị phân tán bởi các loại quỹ. Và việc lập nhiều quỹ ngoài nguồn thu ngân sách thiếu kiểm soát khó có tác dụng như kỳ vọng", ông Lộc nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, sức khỏe con người gắn với nhiều yếu tố như môi trường, thực phẩm, các hoạt động công nghiệp khác. Thế nên, nếu lập quỹ vì sức khỏe cộng đồng, cần thiết kêu gọi đóng góp của nhiều ngành liên quan như đã kể trên chứ không chỉ là câu chuyện của rượu - bia. Với các quốc gia phát triển, đa số để tăng nguồn thu hỗ trợ y tế cho người nghèo, các nước tăng thuế TTĐB lên các sản phẩm hạn chế tiêu dùng như thuốc lá và rượu - bia.
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, dẫn chứng một số quỹ nâng cao sức khỏe thu từ DN ở Úc, Bỉ bị xóa bỏ do không hiệu quả. Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là khi có một luật mới, ngay lập tức “đẻ” ra thêm quỹ mới kiểu “bia kèm mồi”. Luật phòng chống tác hại bia - rượu chưa thành lập, đã có 3 trang đề cập đến lập quỹ nâng cao sức khỏe; luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ kèm sau đó là quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ; luật Du lịch có quỹ hỗ trợ du lịch… “Cứ có một luật lại thêm một quỹ là điều không hợp lý. Xu hướng không được đề xuất thêm bộ máy trong một luật bởi chuyên ngành đó đã có tổ chức rồi. Việc này chỉ tạo tiền lệ không hay”, luật sư Toản nêu vấn đề và đề nghị việc công khai minh bạch, đánh giá hiệu quả Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá là cần thiết trước khi đề xuất thêm quỹ mới gộp từ quỹ cũ.
Bình luận (0)