Cùng với cây đại thụ của nhã nhạc truyền thống - cố Nghệ sĩ ưu tú Trần Kích (đã qua đời năm 2010), nghệ nhân Lữ Hữu Thi (trú ở số nhà 200 đường Đặng Tất, thuộc làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được nhiều người biết đến là một trong những “truyền nhân” hiếm hoi của nền nhã nhạc cung đình triều Nguyễn.
Cụ Lữ Hữu Thi bắt đầu học nhạc công tại nhà do bố đẻ dạy khi lên 8 tuổi. Năm 1940 - 1945 (triều vua Bảo Đại), ông từng tham gia vào đội nhạc lễ cung đình của triều Nguyễn. Sau đó trải qua nhiều thăng trầm cụ Thi sống bình lặng và vẫn chơi nhạc phục vụ ở lễ hội, lễ nhạc trong dân gian.
Cùng với việc Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (tháng 12.2003) cụ Thi được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế hợp đồng trả lương như một cán bộ để tham gia giảng dạy thực hành nhạc cụ cho các nhạc công tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.
|
Thạc sĩ Trương Trọng Bình (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) cho biết cụ Thi sử dụng được nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn nhị, kèn, trống, tam âm, phách tiền, mõ, bạt. Đặc biệt, ông nắm giữ bí quyết ca Thài trong lễ tế Nam Giao mà hiếm còn người nào thực hiện được. Cụ Thi có 9 người con. Hiện trong gia đình cụ có con trai là Lữ Viên Minh và hai cháu nội là Lữ Hữu Ngọc, Lữ Hữu Quang đều đang làm nhạc công Nhã nhạc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.
Bình luận (0)