Phân luồng ra sao để học sinh không đổ xô vào học THPT ?
Lâu nay vấn đề phân luồng sau THCS đã được đặt ra, 2 lần phân ban ở THPT được xem là đã thất bại, không đạt được mục tiêu định hướng nghề nghiệp, nguyên nhân chính theo tôi không nằm ở chỗ THCS và THPT học bao nhiêu năm. Tất nhiên 10 năm có cái lợi hơn là học sinh đã vững vàng hơn để lao động phổ thông hoặc học nghề.
Đưa ra một đề xuất như vậy và nghiêng về phương án đó thì ban soạn thảo phải trình bày được kế hoạch cụ thể sẽ tổ chức phân luồng ra sao để học sinh không đổ xô vào học THPT như hiện nay nữa. Bên cạnh đó, việc bố trí đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất như thế nào cũng phải bàn rất cụ thể. Hiện giáo viên THPT dạy cả 3 khối lớp, việc tách giáo viên như thế nào để xuống dạy ở trường THCS cũng là cả vấn đề. Dù quyết định như thế nào thì hệ thống, cơ cấu giáo dục phổ thông ra sao phải được công bố trước rồi sau đó mới đến chương trình, chuẩn kiến thức và biên soạn sách giáo khoa.
Ông PHẠM TRUNG DŨNG (Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội)
Công nhận tốt nghiệp vào lúc nào ?
Nghị quyết 29 của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư có xác định kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng là 9 năm, nhưng đề xuất mới nhất thì cơ bản lại nghiêng về hướng 10 năm. Vậy thì tốt nghiệp phổ thông sẽ nằm ở chỗ nào? Câu hỏi này là hết sức lớn vì đã xác định học hết kiến thức cơ bản thì chúng ta phải xét công nhận tốt nghiệp cho người học ở đó.
GS TRẦN QUỐC TOẢN (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng T.Ư Đảng)
Quan trọng là xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với thực tiễn
Số năm học như hiện nay chưa cần thiết phải thay đổi vì nếu thay đổi phải có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đầu tư về cơ sở vật chất, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên. Cái quan trọng bây giờ là phải xem lại cấu trúc, nội dung chương trình không còn hàn lâm, có bước đi căn cơ để xây dựng cho được những nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu của xã hội, thực tiễn cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Phải có phân loại đầu vào của THPT
Tôi cho rằng cần phải phân tích kỹ và có cơ sở lý luận khoa học. Trên thế giới rất nhiều mô hình khác nhau, có thể thích hợp với các nước khác nhưng chưa chắc đã phù hợp với VN. Khi xem xét thực hiện phương án nào cần phân tích kỹ về tính khả thi và mức độ phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng, nếu định hướng nghề nghiệp (THPT) chỉ cần 2 năm là đủ với điều kiện học sinh chỉ học đúng những môn theo định hướng và đầu vào cần có kiểm tra, phân loại.
Nhà giáo ĐẶNG ĐÌNH ĐẠI (Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring)
Không hợp lý
Khái niệm mà Bộ dùng để chỉ cho cấp học 9 năm (nếu thay đổi là 10 năm) là giáo dục cơ bản là chưa thật thuyết phục. Vì trong khái niệm cơ bản đã gồm cả kiến thức THCS và THPT. Như thế nếu việc kéo dài thêm thời gian từ 9 năm lên 10 năm học để dồn kiến thức từ THPT xuống THCS và đạt được mục tiêu giáo dục cơ bản là không hợp lý. Việc phân ra thành 2 giai đoạn gọi là giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp chỉ làm phức tạp thêm vấn đề. Học sinh THPT học những kiến thức cũng rất cơ bản nhưng học sinh THCS không đủ trình độ tiếp thu. Trong bối cảnh phải nâng cao mặt bằng dân trí thì trình độ 10, 11, 12 nhiều khi phải coi là cơ bản. Cho nên ở THPT phải học 3 năm là hợp lý vì nó đảm đương một lúc 2 nhiệm vụ giáo dục kiến thức cơ bản, định hướng nghề nghiệp.
TRẦN NGỌC TUẤN (giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)
>> Thêm một năm THCS? - Kỳ 1: Chưa thấy lợi ích, chỉ thấy xáo trộn
Bình luận (0)