Ông Hồ Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp thông tin rằng vì là xã khó khăn (tỉ lệ hộ nghèo 32,36%) của một huyện thuộc 62 huyện nghèo nhất nước nên năm nào người dân của xã cũng được hưởng lợi từ chương trình xây nhà 167 (Chương trình làm nhà cho hộ nghèo).
Theo ông Sáu, 3 năm (2009 - 2011), toàn xã có 140 ngôi nhà 167 với mức đầu tư 24,4 triệu đồng/căn (trong đó có cả ngân sách trung ương, địa phương, các đoàn thể xã hội và 8 triệu đồng do người dân vay của Ngân hàng chính sách với lãi suất 0% trong 3 năm đầu). “Tiền làm nhà 167 thường được giải ngân rất muộn, thường là vào những tháng cuối năm nên rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2012, chúng tôi đã linh động triển khai việc rà soát, bình chọn, rồi xây nhà 167 sớm cho dân. Đến khi UBND huyện có thông báo dừng thì không kịp nữa...”, ông Sáu ngán ngẩm nói. Đáng nói, có nhà đã xong phần khung, có nhà chỉ mới đổ vài cái trụ. Lý do cho sự ngang trái này là vì... không có tiền để làm tiếp.
“Nhà mình cũng nghèo, xã đã xác nhận rồi nên tháng 6.2012 mình gọi người đến xây. Nhà mình làm hết 25 triệu rồi mới nghe người ta nói chương trình đó bị cắt, nên giờ mình để vậy chứ biết sao, tiền để trả cho mấy anh thợ cũng không có luôn.”, chị Hồ Thị Sinh (thôn Tà Rúc) nói. Anh Hồ Văn Thủy (thôn Phú An) mếu máo: “Vợ chồng đã bán một con trâu được 15 triệu đồng, nhà cũ cũng đã phá đi, giờ không được hỗ trợ tiền. Vợ chồng tôi, 2 đứa con và 1 mẹ già phải dựng trại để ở qua ngày”.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông cho biết, tại địa phương có 1.141 hộ nghèo đã được xây nhà 167, tất cả đều không có vấn đề gì. Thậm chí, đầu năm 2012 đã có khoảng 350 hộ nghèo khác đã được đưa vào danh sách sẽ xây nhà 167. “Sự cố” ở Hướng Hiệp theo bà Cúc là cũng vì anh em cơ sở quá năng nổ, nhiệt tình, muốn lo sớm cho dân. “Lúc nhận được thông báo tạm dừng xây nhà chúng tôi đã phát công văn xuống các xã, duy chỉ có Hướng Hiệp là can không kịp”.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)