Thêm nhiều bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, TP.HCM lập tổ chuyên gia điều trị

Duy Tính
Duy Tính
21/10/2022 11:10 GMT+7

Từ đầu năm đến hết ngày 16.10, TP.HCM có 66.699 ca mắc sốt xuất huyết, 29 ca tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến ngày 16.10, TP.HCM có 66.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 1.477 ca nặng, chiếm tỷ lệ 2,2%, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thêm nhiều ca sốt xuất huyết tử vong, TP.HCM lập tổ chuyên gia điều trị

Từ ngày 10 - 16.10, TP ghi nhận 1.999 ca sốt xuất huyết, 113 ổ dịch phát sinh, tăng 5 ổ dịch mới so với tuần kế trước. Cũng trong khoảng thời gian này, TP ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, TP có 29 ca sốt xuất huyết tử vong, tăng cao so với các năm trước.

Bệnh nhân sốt xuất huyết

NHẬT THỊNH

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tử vong gia tăng, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập tổ chuyên gia về điều trị sốt xuất huyết với 15 chuyên gia về nhi; 13 chuyên gia về người lớn; 4 chuyên gia về tiêu hóa và 1 chuyên gia về huyết học.

Tổ này có nhiệm vụ tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị về sốt xuất huyết; xây dựng các đồng thuận về điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị. Tham gia hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các ca sốt xuất huyết nặng, tử vong. Tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Tham gia các quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Sở Y tế cũng triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết nặng: ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả 2 nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân. Khi người bệnh sốt xuất huyết có đủ tiêu chuẩn báo động đỏ, bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ theo 1 trong 3 tình huống.

Tình huống 1: Bệnh viện có đủ khả năng xử trí theo quy trình báo động nội viện, không cần sự hỗ trợ từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.

Tình huống 2: Bệnh viện có khả năng xử trí tại chỗ nhưng cần sự hỗ trợ khẩn cấp tiếp theo từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.

Tình huống 3: Bệnh viện không đủ khả năng xử trí tại chỗ và cần sự hỗ trợ khẩn cấp hoàn toàn từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.

Khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết

Theo HCDC, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Ngành y tế khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc, bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện. Đối với bệnh sốt xuất huyết khi hạ sốt, càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.