Lý Thị Cẩm Nhung, SV năm 4, khoa nông - lâm, cho biết bà con ở đây thường bón phân sai kỹ thuật, họ đổ thẳng vào gốc cây khiến cây không hấp thụ hết và còn bị “cháy” lá. Do đó, nhóm phải hướng dẫn kỹ thuật bón phân theo tán cây, nghĩa là cào nhẹ lớp đất trên bề mặt hai bên gốc cây, nơi có những bộ rễ thở để cây dễ hấp thụ dinh dưỡng, sau đó lấp đất lại cho phân đỡ bị trôi hoặc bốc hơi. Sau khi được hướng dẫn, chị K’Réo (thôn 5, xã Phi Tô) nói: “Nhiều năm nay bà con mình toàn bón phân sai cách, nay được các sinh viên hướng dẫn, mình đã biết cách và sẽ áp dụng theo kỹ thuật bón phân này”.
Còn Trịnh Trương Kim Trọn, trưởng nhóm SV tình nguyện ở xã Phi Tô, cho biết nhóm có 20 thành viên chia nhau thực hiện các công việc tại địa bàn 6/7 thôn của xã Phi Tô. Ngoài chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cà phê, nhóm còn thực hiện những nhiệm vụ khác như tạo sân chơi cho thiếu nhi, làm sân bóng chuyền cho thanh niên địa phương, cải tạo đường sá, giúp đỡ một số gia đình hộ nghèo sửa chữa nhà cửa…
tin liên quan
Theo bước chân tình nguyện: Chia nửa chặng đường khám bệnh cho dânTại thôn Preteng 2, xã Phú Sơn, nhóm 20 SV hằng ngày phải vượt qua những đoạn đường bùn lầy, trơn trượt để chuyển giao kỹ thuật ủ phân vi sinh cho bà con dân tộc. Mặc dù trời mưa lất phất, nhưng Huỳnh Hữu Duy (SV năm 3, khoa sinh học), vẫn cùng chị Ka Dung đi kiểm tra khu vực ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê phía sau nhà. Sau gần 20 ngày, vỏ cà phê bắt đầu phân hủy. Theo đúng quy trình, hơn 1 tháng nữa, số phân ủ này có thể bón trực tiếp cho vườn cà phê.
“Những năm trước, mình toàn bán rẻ vỏ cà phê cho thương lái trong khi phải mua phân hóa học về bón cây tốn cả mấy chục triệu một mùa. Sau khi được sinh viên hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, mình thấy rất đơn giản và dễ thực hiện”, chị Ka Dung chia sẻ.
Vừa làm thử nghiệm, nhóm SV còn tận tình chuyển giao kỹ thuật ủ phân cho bà con trong vùng. Duy cho biết: “Hiện nhóm mới thực hiện chuyển giao cho 3 hộ với tổng số 12 khối vỏ cà phê. Ở đây bà con chưa hề biết đến công nghệ này. Nghe có vẻ khó nhưng thực tế rất dễ thực hiện, bà con chỉ cần giữ lại vỏ cà phê và dùng chế phẩm sinh học mua trên thị trường về trộn lẫn và ủ trong khoảng 2 - 3 tháng. Sau đó có thể đem bón cho vườn cà phê như một dạng phân hữu cơ, vừa tốt cho cây vừa thân thiện với môi trường, lại tiết kiệm được tiền mua phân bón”.
Bình luận (0)