Hơn 200 năm đã qua với bao biến thiên dâu bể, nhưng người dân làng La Chữ (P.Hương Chữ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) vẫn còn truyền tụng câu ca dao về mối tình giữa vị võ tướng Tây Sơn và người con gái nết na của làng:
“Gió đưa mười tám lá xoài
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn
Son sắt một mối tình
Câu ca dao nhắc đến mối lương duyên giữa người con gái mười tám trăng tròn Lê Thị Vi, người làng La Chữ, và quan tư đồ triều Tây Sơn Võ Văn Dũng.
Theo tài liệu khảo cứu của Hà Xuân Liêm, làng La Chữ xưa kia nằm trên con đường “thiên lý thượng đạo” bắc - nam, từ Thuận Hóa ra đến Thăng Long, là con đường chiến lược rất quan trọng. Dưới triều Tây Sơn (1788 - 1801), vua Quang Trung đã phái Điện tiền tướng quân, Thái bảo Giá ngự Quận công Võ Văn Dũng làm chỉ huy sứ đem quân về đóng tổng hành dinh ở làng La Chữ, án ngữ con đường này. Khi trận tử chiến trên đoạn sông Phú Xuân trước mặt đô thành của Tây Sơn tan vỡ, vua Cảnh Thịnh (1792-1801) đã thúc chiến tượng chạy lui, lội qua sông Kim Long hiện nay, lên vùng chùa Thiên Mụ, theo đường thiên lý thượng đạo chạy qua làng La Chữ để ra bắc vào trưa mùng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801). Quân Nguyễn Ánh đuổi theo truy kích, chiếm hạ tổng hành dinh của tư đồ Võ Văn Dũng, lùng bắt tư đồ phu nhân Lê Thị Vi đem về giam trong ngục thành Phú Xuân.
|
Trong bức thư của ông Chaigneau (người Pháp, phục vụ dưới trướng Nguyễn Ánh, được Nguyễn Ánh cho đi thăm số người bị bắt của nhà Tây Sơn vào năm 1801) gửi cho ông Barisy, đã nói ông gặp được bà tư đồ trong ngục. Theo đó, ông Chaigneau đã tả bà như sau: “người còn trẻ, chưa đến ba mươi tuổi. Bà tư đồ... có nét mặt xinh đẹp, vẻ người dịu dàng, và nói năng lễ độ” (B.A.V.H. 1926; N0 4. Thư của ông Chaigneau gửi cho ông Barisy, viết tại Huế sau ngày hạ thành Phú Xuân vào năm 1801, ở trang 404).
Theo Hà Xuân Liêm, quan tư đồ Võ Văn Dũng làm rể làng La Chữ nên ông cũng có nhiều công lao giúp cho dân làng. Chính vì vậy, dân làng bao đời nay vẫn son sắt thủy chung với tình cảm đặc biệt này.
Những dấu tích còn lại
Do dinh quan tư đồ Võ Văn Dũng đặt tại làng La Chữ nên người dân đến nay vẫn còn nói đến hai địa danh đất Công dinh và Xóm dinh. Theo đó, đất Công dinh xưa được giới hạn từ Cống Chợ vào đến Xóm dinh. Hiện nay, trên vùng đất này có trụ sở UBND xã Hương Chữ (nay là UBND P.Hương Chữ); Hội trường xã; Trường tiểu học số 1; Văn phòng HTX La Chữ và Trường mầm non bán trú La Chữ. Theo địa bạ của làng, vùng này rộng khoảng 10 mẫu.
Cùng với dấu tích trên còn có nền Võ hội, nằm trên cánh đồng phía dưới tuyến QL1A, giáp với P.Hương Cần hiện nay. Người dân vẫn thường gọi là ruộng xứ Võ hội, hiện chỉ còn lại một cái nền cao, gọi là nền Võ hội, làm nơi cho nông dân đặt hương hoa cúng. Theo Hà Xuân Liêm, vùng ấy, tướng Võ Văn Dũng đã làm thao trường luyện quân.
Bên cạnh các dấu tích của đất Công dinh, nền Võ hội, hiện nay ở làng An Đô (nguyên trước đây thuộc làng La Chữ) vẫn còn dấu tích của Tập tượng trường và những hói nước mà người dân vẫn quen gọi với từ địa phương là Rôột Bùi. Theo tư liệu khảo cứu của ông Hà Xuân Liên và Lê Công Mầu (trong tập Dư địa chí làng La Chữ), đây là nơi nữ tướng Bùi Thị Xuân luyện voi chiến. Hiện nay, vùng đất đã được người dân canh tác, nhưng vẫn còn một vài hói nước sâu là dấu tích.
Ở xứ cồn lăng Thầy Tu (vì có một ngôi tháp cổ của một vị sư), thuộc địa phận làng Phụ Ổ, người làng La Chữ hiện vẫn chăm sóc lăng mộ quan tư đồ Võ Văn Dũng và phu nhân. Theo lịch sử, vào năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh dẫn các tướng Tây Sơn đến Thái Miếu làm lễ hiến phù. Sau đó, tư đồ Võ Văn Dũng và các tướng tá khác bị dẫn ra Cống Chém, ở An Hòa để xử trảm.
Tương truyền, sau khi xử trảm các quan binh Tây Sơn, có ông Hà Thúc Dư - người làng La Chữ trước đã làm quan Tây Sơn (có tư liệu cho là với triều Nguyễn Phúc Thuần), sau được Nguyễn Ánh thu dùng trở lại, bí mật sai dân làng La Chữ đánh cắp thi thể quan tư đồ Võ Văn Dũng về chôn cất tử tế tại xứ cồn lăng Thầy Tu, chỉ làm dấu mà không đắp mộ. Hôm đó là mùng 7.11 năm Nhâm Tuất (1.12.1802). Về sau khi chính sách trừng phạt Tây Sơn có phần giảm, dân làng La Chữ đã xây lăng mộ cho ông bà tư đồ. Tháng 7.1963, làng đã tu tạo lại lăng mộ này. Làng cho khắc hai cái bia viết bằng chữ nho. Bia bên trái ghi: Hiển Điện tiền Thái bảo Giá ngự Quận công Võ Văn chi mộ. Còn bia bên phải ghi: Hiển Điện tiền Thái bảo Giá ngự Quận công chính thất Lê Thị chi mộ.
Tại làng La Chữ, ngoài những dấu tích nêu trên vẫn còn hai hiện vật liên quan đến vương triều Tây Sơn mà người dân làng đã kỳ công bảo quản. Đó là quả chuông đồng do ông Lê Công Học và vợ chồng quan tư đồ Võ Văn Dũng - Lê Thị Vi hiến cúng (Thanh Niên trong chuyên đề Ly kỳ bảo vật VN đã từng có bài Chuông đồng bị khoan đỉnh, giới thiệu về quả chuông này).
Tuy nhiên, ngay trong ngôi chùa làng xưa cũ này, chúng tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy dãy bài vị thờ ngoài vợ chồng quan tư đồ Võ Văn Dũng - Lê Thị Vi, còn có thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Theo ông Hà Xuân Liêm, dưới thời triều Nguyễn, cứ mỗi lần thấy bóng dáng của quan binh là dân làng lại bỏ bài vị, gánh chuông đem thu xuống giếng. Đến khi hết bóng quan quân, người dân lại vớt lên để phụng thờ. Không chỉ có thế, dân làng vẫn tổ chức lễ kỵ cho hai bà là bà tư đồ (tức bà Lê Thị Vi) vào ngày 29.10 âm lịch hằng năm và bà tư đồ Thái phó (Bùi Thị Xuân - vợ quan tư đồ Thái phó Trần Quang Diệu) vào ngày 7.11 âm lịch (ngày bà bị triều Nguyễn xử voi giày ở Cống Chém).
Năm 2007, UBND tỉnh đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho đình làng và chùa La Chữ.
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)