Theo dấu xưa, chuyện cũ: Đi tìm Kẻ Diên, ngôi chợ của hi vọng

25/07/2016 07:00 GMT+7

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của VN, bài ca dao chục trứng (hay bài ca dao về con gà Kẻ Diên) được xem là một trong những bài ca dao hay nhất nói về niềm lạc quan và hi vọng. Nhưng không phải ai cũng biết địa danh 'Kẻ Diên' trong bài ca dao này ở chỗ nào.

“Tháng giêng tháng hai/Tháng ba, tháng bốn/Tháng khốn tháng nạn/Đi vay đi tạm được một quan tiền/Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái/Về nuôi, hắn đẻ ra chục trứng/Một trứng: ung/Hai trứng: ung/Ba trứng: ung/Bốn trứng: ung/Năm trứng: ung/Sáu trứng: ung/Còn ba trứng nở ra ba con/Con diều tha/Con quạ bắt/Con mặt cắt xơi/Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Dù bài ca nói về mùa xuân nhưng hầu hết các câu đầu đều diễn tả sự u uất, đói nghèo, thiếu may mắn đến cùng cực của một người nông dân ngày trước. Nhưng khi đọc 2 câu cuối thì niềm hi vọng lại bừng lên. Chính thế mà nhà thơ Chế Lan Viên từng ví con gà Kẻ Diên như con phượng hoàng lửa trong truyền thuyết Tây phương, dù bị thiêu rụi vẫn tái sinh.
Hẳn không ít người đã thắc mắc: “Kẻ Diên nhu cái xứ nào mà người dân trông bần hàn vẫn lạc quan đến thế?”.
Theo nhà báo Phạm Xuân Dũng (Ban Văn nghệ chuyên đề, Đài PT-TH Quảng Trị) thì từ “kẻ” là một từ cổ, giờ không còn dùng nữa nhưng có nghĩa nôm na là một vùng đất, một làng quê. “Ví như Thăng Long có lúc được gọi là Kẻ Chợ. Ở Hưng Yên có Kẻ Sặt. Ở Quảng Trị có Kẻ Lạng thuộc xã Hải Sơn, Kẻ Văn thuộc xã Hải Tân, Kẻ Vịnh thuộc xã Hải Hòa (cùng thuộc H.Hải Lăng). Còn Kẻ Diên được nhắc tới trong bài ca chính là Diên Sanh ngày nay”, ông Dũng nói.
Địa danh Diên Sanh mà ông Dũng nhắc đến nay thuộc xã Hải Thọ (H.Hải Lăng, Quảng Trị). Đất Diên Sanh kéo dài từ xã Hải Thọ lên TT.Hải Lăng bây giờ có vai trò hạt nhân quan trọng trong việc tạo dựng nên gương mặt Hải Lăng. Đã có một thời nơi đây trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của H.Hải Lăng. Trong các cuốn Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đều ít nhiều nói đến điều này.
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Đi tìm Kẻ Diên, ngôi chợ của hy vọng 2
Một góc chợ Diên Sanh (xã Hải Thọ, H.Hải Lăng, Quảng Trị) ngày nay, trên nền đất chợ Kẻ Diên xưa
Theo nghiên cứu Về tên gọi làng Diên Sanh của tác giả Thành Nhân đăng trên tạp chí Cửa Việt, trong hai cái tên “Kẻ Diên” và “Diên Sanh” thì ắt Kẻ Diên phải là cái tên có trước. Theo tác giả, người khai khẩn làng này đều từ Bắc bộ và bắc Trung bộ vào, họ dùng từ “Kẻ” để chỉ đơn vị hành chính, nơi ở mới của mình. Còn tên Diên Sanh nếu hiểu một cách đơn giản nhất là kéo dài sự sinh sôi, nảy nở. Sau khi đã có điền dã, tham khảo tư liệu từ các họ tộc lớn ở khu vực, tác giả cho rằng cái tên Diên Sanh đã được dùng để thay thế Kẻ Diên từ khoảng thế kỷ 15. Nhưng vì nhiều lý do, tên gọi “Kẻ Diên” vẫn in sâu trong lòng người Diên Sanh đến tận giờ.
Chợ kẻ diên xưa và nay
Về Kẻ Diên bây giờ, ngoài ngôi đình Diên Sanh rêu phong, đã được trùng tu, xây lại nhiều lần thì ngôi chợ Kẻ Diên xưa không còn nữa.
Những người cao tuổi ở Diên Sanh cho biết, ngôi chợ Kẻ Diên không biết có tự bao giờ, chỉ biết xưa kia Kẻ Diên có vị trí thuận lợi về đường giao thông, mùa nước nổi lại thuận tiện cho việc đi lại bằng thuyền bè, nên một ngôi chợ sầm uất mọc lên ở đây là điều dễ hiểu. Chợ Kẻ Diên xưa là nơi các loại sản vật khắp H.Hải Lăng quần tụ về: nào bánh ướt Phương Lang (nay thuộc xã Hải Ba), nào rượu Kim Long (nay thuộc xã Hải Quế), nào mứt gừng Mỹ Chánh (nay thuộc xã Hải Chánh)... Thậm chí đến ngày nay, chợ Kẻ Diên đã thành chợ Diên Sanh thì điều đó vẫn không thay đổi. Người ta vẫn bảo nhau đến chợ Diên Sanh để ăn cháo bột (cháo vạc giường) cá lóc, lòng sả...
Diên Sanh nay là một ngôi chợ đồ sộ, tấp nập người mua kẻ bán. Ông Phan Minh, Chủ tịch UBND xã Hải Thọ, cho hay chợ Diên Sanh được đầu tư gần 16 tỉ đồng, trên diện tích gần 5 ha đất và đưa vào sử dụng từ tháng 7.2008. Chợ có phần đình, khu bách hóa, khu bán hàng tươi sống, khu ăn uống... với hàng trăm lô quầy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.