Thép cán nguội nhập từ Philippines: Có khả năng thất thu thuế hàng chục tỉ đồng

13/01/2007 00:36 GMT+7

8 tháng đầu năm 2006, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nhập khẩu thép lá cuộn cán nguội từ Philippines với số lượng 41.733 tấn. Đúng nguyên tắc, các lô hàng này được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% từ chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEFT) của các nước ASEAN thay vì phải nộp mức thuế suất 7% theo thuế ưu đãi bình quân hiện hành (thuế suất MFN). Nhưng nhiều điểm bất hợp lý phát sinh từ vụ nhập khẩu thép này.

Theo Công ty thép tấm lá Phú Mỹ, tại thời điểm mà các DN VN nhập khẩu thép cán nguội (TCN) từ Philippines, giá giao dịch TCN tại thị trường Philippines ở mức 680 USD/tấn. Nhưng những lô thép được Công ty S. có văn phòng đại diện tại TP.HCM nhập từ Philippines, sau khi cộng thêm các chi phí vận tải, thuế... lại được chào bán chỉ có 610 USD/tấn. Còn Hiệp hội thép VN ngày 15.9.2006 có công văn số 43/2006 gửi Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban 127) phân tích: Philippines chưa sản xuất được nguyên liệu thép cán nóng để làm TCN mà phải nhập khẩu từ Ấn Độ. Xét theo 2 tiêu chí: quy tắc chuyển đổi 2 bước, hoặc hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm (phải trên 40%), thì sản phẩm TCN được sản xuất tại Philippines không đủ điều kiện chứng nhận Form D (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D - PV) để được hưởng thuế suất nhập khẩu vào VN ở mức 0%.

Trong khuôn khổ ASEAN - AFTA, thuế suất hàng nhập khẩu được áp theo Biểu thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT), hiện nay duy trì ở mức 0-5%. Để được hưởng CEPT, hàng hóa phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O Form D) chứng nhận:

1.Hàng hóa có xuất xứ từ một nước thành viên ASEAN.

2.Hàm lượng giá trị sản phẩm ASEAN trong hàng hóa phải đạt ít nhất là 40%.

Nếu không có C/O Form D, hàng hóa sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi của AFTA để thâm nhập vào thị trường của những nước thành viên ASEAN.

Bốc dỡ thép nhập khẩu ở Cảng Sài Gòn

Khi Cục Hải quan TP.HCM mời 16 DN đã nhập các lô thép trên lên xác minh thì phát hiện: Trên tất cả các Form D, tại ô số 8 đều ghi hàm lượng ASEAN bằng 46,9% trong khi các lô hàng này sản xuất tại nhiều thời điểm khác nhau, chịu nhiều biến động của giá cả đầu vào, nên không thể có cùng trị số 46,9%. Mặt sau Form D của Philippines là mẫu cũ trước năm 1995, chỉ thể hiện 6 nước ASEAN (Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines), không có VN (!). Một số chữ ký trên C/O Form D không giống với chữ ký mẫu...

Sáng 11.1.2007, ông Uông Sỹ Hồng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, qua kiểm tra sau thông quan 43 tờ khai lô TCN nhập từ Philippines của 16 DN, với những cơ sở phân tích trên, cơ quan hải quan đã ra quyết định tạm truy thu thuế nhập khẩu và VAT đối với các lô hàng trên là 15,1 tỉ đồng. Sau đó, đã có 7 DN nộp 2,4 tỉ đồng, còn một số DN khác tiếp tục kiến nghị. Theo các DN, quyết định tạm truy thu là vội vàng; giá bán sản phẩm trong nước của họ (đã bán hết) là tính theo mức thuế nhập khẩu 0%, nếu truy thu theo mức thuế 7% thì DN sẽ thua lỗ... Ông Uông Sỹ Hồng cho biết, hiện nay chưa có kết luận DN gian lận thương mại, và DN có thời gian 3 tháng (đến tháng 3.2007) để chứng minh quá trình, thủ tục nhập khẩu của mình là đúng đắn. Còn nếu DN không chứng minh được, thì buộc phải nộp thuế theo quy định. Con số 15,1 tỉ đồng phải truy thu chỉ mới là đợt 1 ở hải quan TP.HCM (còn tiếp đợt 2, 3...).

T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.