Theo ông Trần Văn Tuấn, sau 1 năm thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành trong cả nước, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều cấp đại diện; những phản ánh trực tiếp của người dân được Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ VN các cấp… gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết kịp thời. “Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không những không ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhân dân khi trực tiếp tham gia quản lý hành chính nhà nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Báo cáo của Chính phủ còn dẫn ra các số liệu chứng minh việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường đem lại nhiều lợi ích khác: từ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân gửi đến UBND huyện, quận, phường giảm từ 3,5% - 34,6%, đến việc tinh gọn bộ máy, giảm bớt được các quy trình, thủ tục hành chính và đặc biệt là giảm nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt động của HĐND huyện, quận, phường nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn... Ông Tuấn dẫn chứng: “Ước tiết kiệm chi ngân sách do không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm là 85 tỉ đồng/năm”.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, qua kết quả điều tra xã hội học ở một số tỉnh, thành phố cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Căn cứ của đánh giá này dựa trên kết quả điều tra tại TP.HCM: 70,37% ý kiến đồng ý không nên tổ chức HĐND cấp này; còn tại Nam Định, kết quả điều tra cho thấy 51,6% ý kiến đánh giá tốt hơn, 37,9% đánh giá vẫn giữ nguyên như cũ, chỉ có 1,9% ý kiến đánh giá kém hơn khi thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường.
Từ báo cáo này, Chính phủ đề xuất 3 phương án: Thứ nhất là xem xét sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 liên quan đến HĐND tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5.2011; Thứ hai là xem xét ban hành Nghị quyết của Quốc hội mở rộng phạm vi thí điểm trong cả nước trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 cho đến khi sửa đổi tổng thể Hiến pháp và các luật liên quan; Thứ ba là tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành vừa thí điểm.
Chính phủ nghiêng về phương án “bỏ” HĐND huyện, quận, phường
Trao đổi với PV Thanh Niên bên lề Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND chiều 11.9, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết Chính phủ nghiêng về phương án đề nghị QH xem xét sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp tới để “bỏ” HĐND cấp huyện, quận, phường, không phải bầu cử ĐB HĐND cấp này vào tháng 5.2011. Nếu chưa bỏ được, sẽ nhân rộng thí điểm toàn quốc * Trong báo cáo tổng kết bước 1 về thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường, Chính phủ đề xuất 3 phương án liên quan đến “hậu” một năm thí điểm, đó là sửa Hiến pháp tại kỳ họp thứ 8 để bỏ HĐND cấp này; nhân rộng mô hình thí điểm trong cả nước ở nhiệm kỳ tới hoặc tiếp tục thí điểm ở 10 tỉnh, thành cũ. Chính phủ nghiêng về phương án nào, thưa ông? - Chính phủ thấy phương án 1 là tốt nhất vì trên cơ sở sửa Hiến pháp, thực hiện nó thuận lợi hơn. Thế nhưng thực tế thấy phương án đó rất gấp, dù đây cũng là phương án một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm trong các ủy ban của TVQH đề xuất. Nếu trong trường hợp vì quá gấp gây khó thì Chính phủ chọn phương án 2, tức là nhân rộng mô hình thí điểm trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở tổng kết thấy tốt thì nhiệm kỳ tới, khi sửa Hiến pháp một cách tổng thể sẽ kết hợp sửa nội dung này. Như thế vừa đáp ứng được về thời gian, cũng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng văn bản cũng như trình tự sửa Hiến pháp. Trưng cầu dân ý cũng phải có nguyên tắc * Vậy ông nghĩ thế nào trước lo ngại nếu bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường và giao nhiệm vụ giám sát cho HĐND cấp tỉnh, ĐBQH sẽ khó có thể đảm đương, tương tự việc bỏ vai trò giám sát thi hành pháp luật của Viện Kiểm sát trước đây để giao cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của TVQH…, và từ đó đến nay rất hiếm văn bản bị “tuýt còi”, như nhận xét của một vị ủy viên Ủy ban TVQH? - Trong thực tế thì khi đi tiếp xúc ở các địa phương, các cấp, chúng tôi cũng thấy đề cập đến vấn đề này. Bây giờ mình không tổ chức HĐND ở một số cấp nhưng mình tăng cường hoạt động giám sát, lắng nghe và tiếp xúc cử tri một cách đầy đủ và giám sát việc thực hiện thì ý kiến của dân giải quyết tốt vẫn đáp ứng được. * Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường là một vấn đề lớn, liên quan đến quyền dân chủ của người dân nên cần phải trưng cầu dân ý. Quan điểm của ông thế nào? - Hiện nay chúng ta chưa có Luật Trưng cầu dân ý, nên muốn lấy ý kiến cũng không biết như thế nào là lấy ý kiến đủ, mà tôi nghĩ hình thức lấy phiếu khảo sát các đối tượng cũng là một hình thức dân chủ, cũng rộng rồi. Các hình thức khác thì nếu lấy rộng được ra càng tốt nhưng cũng phải có nguyên tắc về việc lấy ý kiến để nếu tổng hợp lại, báo cáo mới có sức thuyết phục. Nguyệt Minh |
Khó xác định trách nhiệm lãnh đạo UBND khi xảy ra sự vụ Đây là một trong những tồn tại trong hoạt động của UBND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011 mà Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND. Theo Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, trong quá trình chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội ở địa phương, UBND các cấp đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở những điều kiện, đặc điểm và tiềm năng, lợi thế của địa phương để đề ra chủ trương, chính sách, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện phù hợp trên từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính những năm qua và so với đầu nhiệm kỳ có bước chuyển biến cơ bản theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận một số tồn tại của hoạt động UBND các cấp thời gian qua, cụ thể là trách nhiệm của tập thể và cá nhân; của người đứng đầu UBND với cấp phó và các thành viên UBND chưa thật sự rõ ràng; năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý nhà nước của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, một số cán bộ sa sút phẩm chất, cửa quyền, gây phiền hà đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp… Trong khi đó, theo ông Tuấn: “Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật còn chưa cương quyết, thiếu nghiêm khắc; vẫn còn xảy ra tình trạng nể nang, bao che đối với các sai phạm”. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND trong thời gian tới là công việc rất quan trọng và cấp bách. Cần tiếp tục tập trung cao độ xây dựng bộ máy nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về cải thiện, nâng cao đời sống và phát huy dân chủ của nhân dân. N.M |
Nguyệt Minh
Bình luận (0)