Thị Hến - Thanh Kim Huệ

16/06/2007 13:27 GMT+7

Khoảng năm 1983-1984, trên các đài truyền hình có một vở cải lương được phát sóng liên tục, đến mấy năm sau vẫn còn phát dài dài mà bà con xem không chán. Lúc đó nhà tôi ở một làng quê miền Tây Nam Bộ, tôi còn nhớ như in những buổi tối cả xóm rồng rắn nhau đi coi cải lương vì trong xóm chỉ có một cái ti vi duy nhất. Mà hễ đêm nào nghe nói có Ngao Sò Ốc Hến thì ôi thôi... đừng mong tìm được chỗ ngồi, cứ là đứng tràn cả ra ngoài sân thò đầu nhìn vô...

Những tràng cười tưng bừng thôn ấp, khác hẳn những giọt nước mắt sụt sùi của cải lương bi thương truyền thống. Tự nhiên ở đâu ra một vở cải lương hài kỳ lạ! Hình như Ngao Sò Ốc Hến là tiên phong của thể loại này nên vừa lạ, vừa hấp dẫn. Đâu biết nó đã được diễn “nhừ tử” khắp từ thành phố tới miền Tây, miền Đông suốt mấy năm trời rồi mới được thu hình.

Thật ra, trước đó đã có một ê-kíp diễn Ngao Sò Ốc Hến là NSND Út Trà Ôn, Phượng Liên, Thành Được, nhưng diễn theo kiểu chính kịch, phê phán một cách rất nghiêm túc. Được vài suất thì bị "ngưng" (tất nhiên là bằng lệnh miệng), vì người ta cho rằng "chính quyền sao xấu vậy"! Nhưng may sao, ông Võ Văn Kiệt lại bênh vực, nói "phê phán chế độ phong kiến thôi mà", thế là vở được dựng tiếp. Bây giờ hồi ức của nghệ sĩ vẫn còn cảm thương ông Kiệt nhiều lắm, không phải vì ông bênh tuồng này tuồng kia, mà vì ông có cái nhìn rất thoáng, nhẹ nhàng, hiện đại. Lần này, NSND Ba Vân làm đạo diễn cho vở, lại thêm một người rất thoáng nữa. Ông bảo nghệ sĩ: "Tụi con cứ làm thoải mái cho hợp với tụi con. Miễn đừng lố lăng thì thôi". Ông thử để nghệ sĩ sáng tạo hết khả năng rồi mới bắt tay chỉnh sửa. Và ông vốn là một cây hài tầm cỡ của cải lương, nên mới dám cho Ngao Sò Ốc Hến "chuyển tông" sang hài như thế. Mà thành công đến bất ngờ. Những Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Thanh Điền, Kiều Trúc Phượng, Nam Hùng, Tô Kim Hồng... tự nhiên nổi đình nổi đám lên rồi "chết danh" nghiệp hài luôn. Một tiềm năng không ai ngờ tới. Nhưng khó ở chỗ, hài mà vẫn giữ được chất cải lương, chứ không biến nó thành "kịch chen lời ca", và dù ngẫu hứng lời thoại thế nào thì đường dây kịch bản vẫn xuyên suốt, chặt chẽ. Có thể nói, Ngao Sò Ốc Hến là vở hài kinh điển nhất trong nghệ thuật cải lương.

Riêng Thanh Kim Huệ từ 15 tuổi đã nổi tiếng với Lan và Điệp, Đường gươm Nguyên Bá, toàn những vai lấy nước mắt khán giả, giờ trở thành nàng Hến thông minh, quá quắt, lẳng lơ, một lần "thoát khỏi chính mình". Chị đã vắt óc nghĩ ra những chi tiết cho nàng Hến "để đời". Đầu tiên là thể hình, tạo ra một kiểu đi với cái mông quăng qua quăng lại hấp dẫn hết biết! Rồi tới giọng nói, một giọng thì thào mơn trớn quyến rũ. "Quan ơi! Chào quan Hến...n... về... ề...". Rồi tới bàn tay vảnh vảnh khiến thầy đề muốn nắm lại mà... hun! Thế là từ đó hình tượng nhân vật trở thành "của chung" trong dân gian. Hễ ai ẹo ẹo, mắt đưa mày liếc là bị người ta kêu "Thị Hến". Thanh Kim Huệ kể chuyện vui: "Hồi đó Báo Công An có đưa một tin, ở miền Tây có ông chồng nhậu xỉn xỉn, nhìn vô ti vi nói: "Trời ơi, coi Thị Hến kìa! Có ở đây tao hun một cái!". Hổng ngờ bà vợ nổi ghen, chọi bể luôn cái ti vi". Đủ biết sức hấp dẫn của nàng Hến! 

Còn kiểu ca của Thanh Kim Huệ cũng thiên biến vạn hóa khi vào vai này. Chị ngắt nhịp, kéo giãn, dồn dập, mùi mẫn, than thở, chua ngoa, khôn khéo, nanh nọc... nói chung là đủ kiểu. Chất giọng trong vắt của cô Lan bây giờ thuần thục qua nhiều cung bậc tâm lý, thật đáng nể. 

Bây giờ nàng Thị Hến - Thanh Kim Huệ vẫn còn trêu ghẹo ông quan huyện Thanh Điền trong rất nhiều buổi diễn, vẫn còn ăn khách cực kỳ. Riết rồi Thanh Kim Huệ "mắc cỡ" quá, muốn đổi tiết mục mới, nhưng bà con cứ yêu cầu hoài, thôi thì... diễn nữa!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.