Thí sinh 'bế tắc' khi đề thi lớp 10 hỏi 'nghĩ bằng tim' thay vì lý trí

06/06/2024 15:40 GMT+7

Theo nhiều thí sinh, đề nghị luận xã hội trong bài thi lớp 10 môn ngữ văn tại TP.HCM có nhiều cách diễn giải khác nhau, và đây cũng là lý do khiến yêu cầu này trở thành một câu hỏi 'khó nhằn'.

Thí sinh 'bế tắc' khi đề thi lớp 10 hỏi 'nghĩ bằng tim' thay vì lý trí- Ảnh 1.

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi ngữ văn tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10)

NHẬT THỊNH

Theo Phan Nguyên Khang, học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3), đề thi lớp 10 môn văn "đặc biệt khó" ở phần nghị luận xã hội, khi yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm trước lời khuyên của tác giả Nguyễn Duy Cần trong quyển sách Một nghệ thuật sống, "Biết nghĩ bằng con tim" thay vì nghĩ bằng khối óc như thông thường. "Em phải dành gần 50 phút để phân tích và làm bài vì không thể liên tưởng đến điều gì", nam sinh giãi bày.

Khang nhận xét thêm, đề nghị luận văn học có nhiều mặt tích cực về tình cảm gia đình. Đây cũng là một chủ đề mà giới trẻ cảm thấy gần gũi và luôn tràn đầy cảm xúc khi nhắc đến. "Em chọn làm câu hỏi về Chiếc lược ngà, sau đó liên hệ đến bài thơ Bếp lửa nhằm khắc họa rõ nét nhiều loại tình cảm như cha - con, bà - cháu. Nhìn chung, em dự đoán sẽ đạt trên 6 điểm", Khang cho hay.

Thí sinh 'bế tắc' khi đề thi lớp 10 hỏi 'nghĩ bằng tim' thay vì lý trí- Ảnh 2.

Một thí sinh tự tin sau khi hoàn thành bài thi

NGỌC LONG

Đỗ Ngọc Ánh Minh, học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3), nói đề nghị luận xã hội "khiến em cảm thấy khá bế tắc". Sau một hồi suy nghĩ, nữ sinh cho rằng đây thực chất là lời nhắc nhở đến thói quen sống của giới trẻ.

"Ở thời đại công nghệ phát triển, nhiều bạn dần quên đi tầm quan trọng của những tương tác giữa người với người. Đáng buồn hơn là quên đi cả sự cần thiết của việc nuôi dưỡng tình cảm gia đình, thấu hiểu bố mẹ và những người xung quanh. Vì thế, 'biết nghĩ bằng con tim' có thể nói là hãy thấu hiểu cảm xúc của nhau nhiều hơn, nhìn nhận sự việc một cách đa chiều hơn, cả với gia đình hay bè bạn thay vì chỉ biết đối đầu", Minh nhận định.

Các thí sinh cũng có những lý giải khác nhau về đề nghị luận xã hội. Như Bùi Gia Anh, học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3), cho rằng câu hỏi muốn khuyến khích học sinh sống đúng với cảm xúc, không bị lôi cuốn bởi "những điều phù phiếm". Mặt khác, Bùi Châu Phương Anh, học cùng trường, lại cho rằng đề này ủng hộ người trẻ theo đuổi đam mê của mình thay vì chỉ làm theo người khác.

Thí sinh 'bế tắc' khi đề thi lớp 10 hỏi 'nghĩ bằng tim' thay vì lý trí- Ảnh 3.

Phụ huynh hỏi han về tình hình thi cử của con

NGỌC LONG

Trần Hoàng An Dy, học sinh Trường THCS Lê Lợi (Q.3), nói em đồng tình với lời khuyên "Biết nghĩ bằng con tim". Theo Dy, câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của tình cảm giữa người với người. "Càng biết suy nghĩ bằng con tim, chúng ta càng nhận được nhiều yêu quý. Để nêu lên mặt đối lập, em cũng sử dụng dẫn chứng về những cá nhân tham nhũng trong đợt dịch", nam sinh nói.

Năm 2024, chủ đề của đề thi ngữ văn tại TP.HCM là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình". Đáng chú ý, ngữ liệu trong đề được lấy từ các bài viết đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 4.5.2024 đến 13.5.2024.

Chiều nay, 6.6, thí sinh dự thi lớp 10 môn ngoại ngữ trong vòng 90 phút. Sáng mai, 7.6, thí sinh dự thi môn cuối là toán học trong 120 phút.

Thí sinh 'bế tắc' khi đề thi lớp 10 hỏi 'nghĩ bằng tim' thay vì lý trí- Ảnh 4.

Phụ huynh và thí sinh trao đổi về đề thi văn năm nay tại TP.HCM

NGỌC LONG

Năm 2024, TP.HCM tuyển hơn 77.300 trong tổng số khoảng 98.600 thí sinh vào lớp 10 công lập đợt này, với tỷ lệ trúng tuyển khoảng 80%. Dẫn đầu về tỷ lệ chọi là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - 1/3,22. Điểm xét tuyển hệ đại trà là tổng điểm 3 môn ngữ văn, toán học, ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có).

Giáo viên nhận xét đề ngữ văn thi lớp 10 điểm 8 sẽ tăng hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.