Thi THPT lúng túng với '2 trong 1' gây khó cho tổ chức kỳ thi

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/10/2018 19:01 GMT+7

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc không rõ ràng trong mục tiêu của thi THPT quốc gia gây nhiều khó khăn cho chính việc tổ chức kỳ thi này.

Không rõ mục tiêu, gây khó cho việc tổ chức thi
Một trong những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia mà báo cáo chỉ ra đó là tính mục tiêu của kỳ thi này. Kỳ thi THPT quốc gia bị chi phối bởi mục tiêu "2 trong 1". Do vậy, một số khâu trong quy trình thi được thực hiện chưa phù hợp (giao việc tổ chức coi thi, chấm thi cho địa phương chỉ phù hợp với thi tốt nghiệp THPT); việc dư luận xã hội băn khoăn nên hay không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để công nhận tốt nghiệp xuất phát từ nguyên nhân do mục tiêu không rõ ràng này...
Cơ quan giám sát cũng cho rằng, yêu cầu sử dụng đồng thời kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và để xét tuyển sinh vào CĐ, ĐH gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng đề thi. Hai mục tiêu này đặt chung trong một đề thi tạo ra những bất cập rất khó khắc phục: phù hợp mục tiêu này thì quá khó hoặc quá dễ với mục tiêu kia. Kết quả đã thể hiện trong 2 kỳ thi năm 2017 và 2018, đề thi năm quá dễ, năm quá khó, không thể hiện tính “chuẩn hóa” trong đánh giá chất lượng giáo dục THPT mà mục tiêu kỳ thi đặt ra.
Mặt khác, để có thể đánh giá đề thi các môn đảm bảo “tính phân hóa rõ rệt...”, đòi hỏi Bộ GD - ĐT phải công bố phổ điểm theo từng mã đề. Trên cơ sở đó mới có thể phân tích được sự hợp lý của kết quả kỳ thi và có căn cứ để khẳng định kỳ thi là chính xác, đảm bảo công bằng giữa các mã đề. Hiện nay, Bộ chỉ công bố phổ điểm chung của từng môn, kết quả này có rất ít giá trị thông tin vì không phát hiện được các bất thường giữa các mã đề bảo mật cùng chất lượng đề thi.
Từ thực tế đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị việc gộp 2 kỳ thi (thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) thành kỳ thi THPT quốc gia là một chủ trương lớn, cần tổng kết, luật hoá để có căn cứ pháp lý rõ ràng vì luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định về kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp THPT.
Giao các sở GD - ĐT chấm thi phát sinh kẽ hở tiêu cực
Từ phân tích thực tiễn 3 năm triển khai kỳ thi THPT với những thành công và hạn chế,  báo cáo nêu trên cho rằng, kỳ thi đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, cần được tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa và hoàn thiện. Ví dụ, chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan khó bảo đảm, khi ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm chủ yếu dựa trên nguồn cung cấp là hệ thống đề mẫu từ các địa phương, chưa bảo đảm về cả chất lượng và số lượng.
Việc giao cho các sở GD - ĐT tự tổ chức chấm thi chỉ phù hợp với yêu cầu công nhận kết quả tốt nghiệp THPT, không phù hợp với việc tuyển sinh CĐ, ĐH. Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường CĐ, ĐH.
Đáng chú ý, báo cáo cũng nêu rõ, theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp gồm cộng điểm trung bình thi THPT và điểm trung bình cả năm lớp 12, chia 2; cách tính tạo ra nghịch lý: điểm thi THPT quốc gia thấp, nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao. Điều này đang được dư luận xã hội đặt câu hỏi: điểm học bạ hay điểm thi THPT sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông? Nếu điểm học bạ đóng vai trò quyết định kết quả xét tốt nghiệp thì có cần tổ chức kỳ thi THPT? Nếu bỏ kỳ thi THPT sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào tới hoạt động dạy và học?
Cơ quan giám sát nhấn mạnh, điểm thi THPT quốc gia được đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh, nên khó đáp ứng mục tiêu sử dụng xét tuyển CĐ, ĐH. Các trường CĐ, ĐH đa số hiện đang xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, có thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ chưa được cải thiện, phần nào ảnh hưởng tới sự công bằng trong tuyển sinh và chất lượng đào tạo.
Cần công bố lộ trình về đổi mới phương thức thi THPT
Báo cáo giám sát của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhấn mạnh, dù kỳ thi nằm trong lộ trình đổi mới kiểm tra, kiểm định, đánh giá giáo dục nhưng việc thay đổi, điều chỉnh qua từng năm của kỳ thi đã đặt vấn đề thi cử luôn luôn trong tình trạng không ổn định, dẫn tới tâm lý bất an cho người học, người dạy và xã hội.
Do vậy, ủy ban này đề nghị Bộ GD - ĐT cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ; công bố lộ trình về đổi mới phương thức thi THPT để xã hội được biết, song song với việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện dần quy chế thi với quy trình chặt chẽ; rõ trách nhiệm của các cá nhân trong tham gia tổ chức kỳ thi bảo đảm để các khâu đều rõ ràng, minh bạch...
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá trình độ, năng lực của học sinh phổ thông, Bộ cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, bảo đảm chất lượng đề thi. Ban hành Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá, đủ lớn, đạt chất lượng.
Nghiên cứu, xây dựng các bài thi tổ hợp, đảm bảo kiến thức tổng hợp và khoa học;... tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm, bảo đảm chính xác, tin cậy, minh bạch. Tăng cường nhiệm vụ phối hợp, nhất là vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ, trong tổ chức thi và nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, chuyên nghiệp trong tương lai.
Đối với các trường ĐH, CĐ, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị các trường ĐH, CĐ cần chủ động xây dựng phương án tuyển sinh của trường để bảo đảm chất lượng tuyển sinh và chất lượng giáo dục của đơn vị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.