Thi THPT quốc gia: Sẽ điều chỉnh độ khó trong đề thi chính thức

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/04/2018 08:27 GMT+7

Ngày 27.4, đại diện Bộ GD-ĐT đã gặp gỡ các phóng viên để thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo thông tin từ bộ này, đề thi chính thức sẽ điều chỉnh độ khó so với đề tham khảo.

Tại cuộc gặp, phóng viên Thanh Niên đã nêu những băn khoăn, lo lắng của học sinh, giáo viên và các nhà trường về đề thi năm nay sau khi tiến hành ôn tập và thi thử theo đề thi tham khảo của Bộ.
Câu hỏi thi sát với năng lực của thí sinh
Ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia khi xây dựng phương án để công bố cho xã hội thì Bộ GD-ĐT đã nói rõ đây là kỳ thi với 2 mục đích, để xét tốt nghiệp và để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Vì thế, đề thi phải bám vào hai mục đích đó. Riêng cấu trúc đề thi không có gì thay đổi so với các năm trước, nghĩa là tỷ lệ kiến thức cơ bản vẫn chiếm khoảng 60% và 40% còn lại là phần kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh (TS).
Đề thi năm 2018 có thêm phần nội dung chương trình của lớp 11. Căn cứ đề thi tham khảo thì có thể thấy, phần nội dung chương trình của lớp 11 chiếm khoảng 20%, còn lại là nội dung lớp 12. “Phần nội dung chương trình lớp 11 trong đề thi sẽ không có giới hạn ở phần nào”, ông Hồng cho hay.

Theo ông Hồng, đề thi có 4 nhóm cấp độ, dễ - trung bình - tương đối khó - khó. Các nhóm câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp lần lượt theo 4 cấp độ đó. TS nên làm tuần tự từ đầu đến cuối đề thi để tận dụng tối đa thời gian và hiệu quả làm bài.
Ông Hồng cũng nhấn mạnh mục đích của việc công bố đề thi tham khảo là để các trường hình dung việc ôn tập sát với yêu cầu của đề thi và để tiếp nhận ý kiến phản hồi của giáo viên, học sinh các nhà trường để đến khi xây dựng đề thi chính thức sao cho phù hợp nhất.
Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng đang thử nghiệm định hướng cho câu hỏi thi, chọn mẫu, định cỡ cho các câu hỏi thi để làm nguồn cho hội đồng ra đề sử dụng. “Chúng tôi đang tiến hành chọn mẫu giữa các trường THPT trên cả nước để làm sao câu hỏi thi sát thực với năng lực của các em về độ khó, dễ”, ông Hồng nói.
Bài thi khoa học tự nhiên sẽ có định hướng thực hành, thí nghiệm
Ông Sái Công Hồng cho biết một điểm đặc biệt nữa trong kỳ thi năm nay là đề thi các môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), những câu hỏi khó sẽ yêu cầu đánh giá độ khó về bản chất, hiện tượng chứ không phải khó về tính toán. Các câu hỏi trong đề thi ở các môn lý, hóa, sinh năm nay bắt đầu xuất hiện những câu hỏi về thí nghiệm. Định hướng của cách ra đề như vậy là nhằm tác động trở lại quá trình dạy học. Nếu các nhà trường bỏ qua hoặc không coi trọng khâu thực hành, thí nghiệm cho học sinh thì đi thi sẽ khó khăn hơn. Tất nhiên, năm nay chỉ bắt đầu xuất hiện những câu hỏi mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành để dần “bám” vào mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng đánh giá năng lực người học. Lộ trình dần dần để làm sao đánh giá năng lực toán học của các TS.
Tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi khoa học xã hội tăng khoảng 5%
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến ngày 25.4, tổng số TS đăng ký dự thi năm nay là 925.964, tăng so với năm trước (năm 2017 là 866.006). Trong đó, có 868.980 đang học lớp 12 và 56.984 tự do. Số đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp là 237.354; số đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh là 642.587; số đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh là 46.023. Như vậy, năm nay có 879.941 TS dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp, tăng hơn 70.000 so với năm trước (năm 2017 là 809.369) và số TS sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 688.610 (năm 2017 có 640.471).
Có 341.576 TS đăng ký bài thi khoa học tự nhiên, chiếm 37% (năm 2017 là 38%); 444.538 đăng ký bài thi khoa học xã hội, chiếm 48%; 36.016 đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%; còn lại 11% trên tổng số đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ đăng ký chọn bài thi khoa học xã hội tăng khoảng 5%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.