Làm thế nào để phát triển ổn định thị trường bất động sản

25/01/2005 10:14 GMT+7

Những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) của Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng đã hình thành và phát triển phong phú, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khu vực đô thị thông qua các nguồn vốn đóng góp từ việc bán, cho thuê, liên doanh...

Việc Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ có hiệu lực đã tạo ra khung pháp lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển tích cực hơn trong thời gian tới. Việc thu hẹp diện tích đất Nhà nước trực tiếp thu hồi giao cho nhà đầu tư đã tạo cơ hội cho người nhận đất và người giao đất trực tiếp thỏa thuận giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê đất, trên cơ sở khung giá đất vừa được ban hành đã tạo ra một kênh mạnh của thị trường BĐS. Quy định mới cũng cho phép đa dạng hoá hình thức đầu tư của doanh nghiệp bằng cách để người dân có thể liên doanh bằng chính mảnh đất của mình. Hiện quận 5 đang xây dựng kế hoạch thí điểm hình thức này cho việc thực hiện dự án chung cư Trần Tuấn khải tại phường 7. Các nhà chuyên môn đánh giá rằng, hình thức này không những giải quyết được những vấn đề liên quan đến mặt bằng sản xuất, mà còn giải quyết được tình trạng trì trệ trong việc thu hồi đất như lâu nay.

Tuy nhiên, để thị trường BĐS thật sự đi đúng hướng, thật sự thành kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, theo các nhà quản lý, phải tăng cường phát triển thị trường BĐS chính thức dựa trên cơ sở hàng hoá bất động sản đủ điều kiện pháp lý ngày càng tăng. Muốn làm được điều này thì cần thiết phải thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là cơ sở quan trọng để quản lý đất đai và cũng được xem là biện pháp lâu dài để có thể làm lành mạnh hoá thị trường BĐS. Có đến 70% giao dịch BĐS hiện nay là giao dịch ngầm, nói cách khác là người dân tự giao dịch với nhau mà không thông qua nhà nước cho dù người dân vẫn biết việc giao dịch ngầm là bất hợp pháp, vì pháp luật chỉ cho phép cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được nhà nước giao đất mới có quyền chuyển nhượng. Chính vì điều này, hàng loạt các dự án khu dân cư ra đời, trong đó ngoài một số ít khu vực đáp ứng yêu cầu cho người chưa có nhà ở, nhiều khu khác chỉ lập quy hoạch rồi phân lô bán đất, dẫn đến tình trạng mua bán đầu cơ đất và xây dựng trái phép tràn lan, hình thành các khu dân cư không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận là điều kiện quan trọng trong việc bình ổn thị trường BĐS, song do thủ tục xin cấp sổ đỏ, sổ hồng rườm rà, mất nhiều thời gian, và phần nào là sự chậm chạp trong công tác cấp giấy của nhà nước khiến người dân cảm thấy ngán ngại khi muốn đăng ký quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Mà nếu nhà đất không có giấy tờ hợp lệ thì làm sao người dân dám giao dịch thông qua nhà nước được. Do vậy, cần phải có hệ thống pháp lý và hình thành hệ thống các cơ quan chuyên trách quản lý thị trường BĐS để quản lý thị trường BĐS ở Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các yếu tố nêu trên thì cần phải phát triển hệ thống doanh nghiệp kinh doanh bao gồm: môi giới, tư vấn, dịch vụ BĐS và cả hệ thống thông tin nhằm công khai các thông tin về quy hoạch, cơ chế chính sách pháp luật. Theo ghi nhận từ thực tế, mặc dù trong thời gian gần đây, có rất nhiều văn bản luật và dưới luật được ban hành, nhưng phần đông những người dân chỉ nắm được thông tin đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều lần.

Nói tóm lại, thị trường BĐS là thị trường dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài và vì vậy nhận định chung của của các nhà quản lý và các chuyên gia trọng lĩnh vực địa ốc thì việc ra đời của các văn bản pháp luật, văn bản pháp quy trong thời gian tới thì thị trường BĐS sẽ đi vào ổn định. Nhưng về lâu dài thì chúng ta còn nhiều vấn đề khác cần phải tiếp tục làm.

Đình Sang
(ashui.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.