Thị trường FMCG tăng trưởng chật vật

24/12/2013 03:00 GMT+7

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở thành thị lẫn nông thôn đều chật vật để trụ vững tăng trưởng trong tháng 11.

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở thành thị lẫn nông thôn đều chật vật để trụ vững tăng trưởng trong tháng 11.

 Thị trường FMCG tăng trưởng chật vật
Kênh phân phối hiện đại chưa đạt ưu thế tuyệt đối trên thị trường FMCG - Ảnh: Diệp Đức Minh

Ngày 20.12, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố kết quả khảo sát thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được thực hiện trong 12 tuần kết thúc vào ngày 3.11.

Thực phẩm đóng gói tăng chậm

Theo Kantar Worldpanel, kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực trong tháng 11 khi lạm phát được kiểm soát tốt, qua 3 tháng liên tiếp được giữ ở mức thấp nhất trong năm. Nhờ đó, thị trường FMCG có tăng nhẹ vào những tháng gần đây. Thế nhưng, thị trường này ở cả thành thị lẫn nông thôn đều chật vật để trụ vững tăng trưởng trong tháng 11.

 

4/5 đàn ông Việt quan tâm diện mạo bản thân

Cũng trong dịp này, Kantar Worldpanel còn công bố kết quả nghiên cứu hành vi tiêu dùng của đàn ông châu Á. Cuộc khảo sát được thực hiện với 5.300 người đàn ông ở 8 nước. Theo kết quả công bố, nhóm 5 sản phẩm phổ biến nhất đối với nam giới châu Á là: dụng cụ cạo râu (92% chọn lựa), dầu gội đầu (91%), xà phòng (72%), sữa rửa mặt (56%), sữa tắm (55%).

Đặc biệt, 4/5 đàn ông Việt tham gia khảo sát cho biết có quan tâm tới diện mạo bản thân.

Ở thành thị, FMCG tiếp tục tăng trưởng ở gần mức 11%. Tuy nhiên, mức tăng vẫn thấp hơn đáng kể so với hồi quý 3 năm nay, thậm chí thấp hơn cả lần khảo sát 12 tuần kết thúc hồi tháng 10.2013. Xét về giá trị, nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân có mức độ tăng trưởng cao nhất với 17%, tiếp theo là đồ uống với 14%, sản phẩm sữa thì tăng 13%, còn thực phẩm đóng gói lại tăng trưởng rất khiêm tốn khi chỉ đạt 2%. Tuy nhiên, xét về số lượng, sản phẩm đồ uống và chăm sóc gia đình tăng cao nhất với 8%, sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng trưởng khiêm tốn hơn với 7%.

Trong khi đó, thị trường FMCG ở nông thôn lại suy giảm tăng trưởng từ mức 14% hồi tháng 10 xuống 12% vào tháng 11. Mức độ tăng trưởng của FMCG ở nông thôn trong đợt khảo sát lần này còn thấp hơn cả hồi quý 3 năm nay. Tại thị trường nông thôn, trong cuộc khảo sát lần này, các sản phẩm chăm sóc cá nhân có mức tăng trưởng mạnh nhất với 32% xét về giá trị và 19% xét về số lượng. Xếp kế sau là sản phẩm sữa, tăng 15% xét theo giá trị và 11% tính theo số lượng. Ngành hàng thực phẩm đóng gói ở nông thôn tăng trưởng mạnh hơn tại thành thị khi đạt mức 4% xét theo giá trị và 5% xét theo số lượng.

Ưu thế tiệm tạp hóa

Xét về kênh phân phối, trong cuộc khảo sát lần này, tiệm tạp hóa vẫn chiếm tỷ lệ tiêu thụ 61% thị trường FMCG ở khu vực thành thị. Con số này giảm không đáng kể so với mức 62% trong các cuộc khảo sát cùng thời điểm năm 2011 và 2012. Như vậy, dù các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị phát triển rầm rộ trong thời gian qua nhưng vẫn chưa thực sự lấn át ưu thế của tiệm tạp hóa.

Vị thế của tiệm tạp hóa còn mạnh mẽ hơn nữa đối với thị trường FMCG ở khu vực nông thôn khi chiếm đến 74% lượng hàng hóa tiêu thụ. Con số này cao hơn cả mức 71% trong 2 cuộc khảo sát cùng thời điểm vào năm 2011 và 2012. Trong khi đó, ở nông thôn, sản phẩm tiêu dùng nhanh ngày càng ít được mua ở chợ hơn. Bằng chứng là thị phần của chợ đã giảm từ mức 23% của đợt khảo sát cùng thời điểm năm ngoái xuống còn 20% ở lần này.

Ngô Minh Trí

>> Thị trường hàng tiêu dùng nhanh dần ổn định
>> Phát hiện 2 cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng giả
>> Buôn lậu hàng tiêu dùng đã qua sử dụng
>> Số lượng hàng tiêu dùng bị làm giả tăng mạnh
>> Hàng tiêu dùng đua nhau tăng giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.