Tăng trưởng cao
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, mức tăng trưởng toàn thị trường các sản phẩm công nghệ của Việt Nam năm 2008 sẽ tăng khoảng 27% so với năm 2007, đạt tổng giá trị khoảng 4,07 tỉ USD. Trong đó, sản phẩm IT sẽ tăng khoảng 41%, điện gia dụng tăng 34% và sản phẩm viễn thông tăng 18%. Dự báo này được đưa ra dựa trên số liệu cập nhật đến tháng 4.2008. Mặc dù con số này có thấp hơn so với mức tăng trưởng 33% của năm 2007 (so với năm 2006) nhưng đó vẫn là một con số không nhỏ. Đặc biệt nếu so với bối cảnh kinh tế chung không nhiều thuận lợi trong năm nay.
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số (nhà phân phối nhiều sản phẩm IT) cho biết 4 tháng đầu năm nay, công ty đã tăng 82% về doanh số so với cùng kỳ năm 2007. Đây là chu kỳ bán hàng tốt nhất trong năm của các doanh nghiệp ngành IT vì có mùa Tết âm lịch. “Các đối tác nước ngoài của chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng về thị trường Việt Nam. Độ lớn của thị trường IT Việt Nam hiện chỉ đứng ngang với thị trường Philippines và còn thua xa nhiều nước khác trong khu vực nhưng tốc độ tăng trưởng lại cao nhất trong khu vực ASEAN”, ông Việt nói. Chính với lý do đó mà nhiều hãng máy tính, nhiều tập đoàn công nghệ thông tin nước ngoài đã đẩy mạnh hoạt động của mình tại Việt Nam trong những tháng đầu năm vừa qua như Fujitsu, Dell, Toshiba...
Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định tăng thuế nhập khẩu điện thoại di động từ 5% lên 8% nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu. Mức thuế này bắt đầu áp dụng cho tờ khai hải quan từ ngày 20.6. Tuy nhiên, điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện chỉ áp dụng thuế nhập khẩu 0% và từ Hàn Quốc là 5% do Việt Nam đã có những cam kết thỏa thuận song phương với các nước này. Số lượng điện thoại di động nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm gần 70% tổng số điện thoại di động nhập vào Việt Nam mỗi năm. |
Điều chỉnh kế hoạch
Mặc dù những con số dự báo của GfK Việt Nam sau 4 tháng đầu năm 2008 khá lạc quan nhưng hiện nhiều doanh nghiệp ngành IT, điện tử gia dụng... vẫn đang lo lắng cho thời gian sắp tới. Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina - sức mua của người tiêu dùng từ tháng 5 đã bắt đầu yếu đi. “Những lo lắng hay việc thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu của người dân đã bắt đầu tác động đến sức tiêu thụ của nhóm hàng IT, điện tử gia dụng. Đặc biệt tác động nhiều đến nhóm sản phẩm cao cấp như tivi LCD kích thước lớn, các loại tủ lạnh Side-by-side...”, ông Đạo nói. Hơn nữa, giá các mặt hàng này đã được điều chỉnh tăng lên trong thời gian vừa qua do biến động của tỷ giá USD/VND khiến người tiêu dùng đã bắt đầu cân nhắc việc mua sắm kỹ hơn.
Ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới di động - cho biết mỗi tháng công ty chỉ còn mở thêm 1 siêu thị mới thay vì mở 2-3 cái như kế hoạch đưa ra trước đó. “Theo khảo sát riêng của chúng tôi, trước đây trung bình khối nhân viên văn phòng có thời gian đổi điện thoại mới bình quân là 18 tháng thì hiện nay thời gian này đã tăng trên 20 tháng. Chúng tôi đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm xuống”, ông Tài cho biết. Sản phẩm điện thoại di động cũng đang được người tiêu dùng chọn lọc khá kỹ, nhất là về giá bán. Điều này khiến cho tỷ trọng về doanh số của nhóm hàng điện thoại di động có giá trên 3 triệu đồng từ khoảng 40% năm 2007 tại Thế giới di động đã giảm còn hơn 20%. Vì vậy theo ông Tài, công ty sẽ tập trung chọn lọc các sản phẩm để có chất lượng với giá hợp lý chứ không phân tán theo nhiều phân khúc như trước.
Tương tự, công ty Thế giới số cũng giảm kế hoạch doanh số năm 2008 khoảng 25-30%. Hồi cuối năm 2007, công ty này dự kiến doanh số tăng 80% nhưng nay thì theo ông Đoàn Hồng Việt, “chỉ mong tăng được 30-40% là tốt rồi!”. Công ty điện tử Samsung Vina cũng đang xem xét lại tất cả các bộ phận, nhóm ngành sản phẩm của mình để điều chỉnh kế hoạch phù hợp hơn với thực tế. Nhiều công ty cũng bắt đầu đưa ra nhiều chính sách để kích cầu như tăng cường khuyến mãi, giảm giá bán để thu hút người tiêu dùng.
Mai Phương
Bình luận (0)