Hầu hết nguyên phụ liệu cho thức ăn nhanh tại VN hiện đang được nhập khẩu - Ảnh: D.Đ.M |
Nhập từ thịt, khoai cho đến ly giấy
Đại diện của McDonald’s VN cho biết chỉ trong 2 ngày đầu tiên mở cửa, đã có 20.000 khách đến ăn uống. Nếu một khách hàng sử dụng bình quân 75.000 đồng (tương đương giá một phần bugger kèm nước uống) thì doanh thu trung bình 750 triệu đồng/ngày. Con số này quá hấp dẫn nên tập đoàn này đã lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở thêm những cửa hàng khác trong năm nay.
Trong khi đó, sau 15 năm có mặt tại thị trường VN, theo đại diện Lotteria tại VN, 80% nguyên liệu của Lotteria VN được mua từ trong nước, nhưng đa phần là từ các DN liên doanh tại VN, còn DN nội địa 100% thì rất hiếm. KFC cũng cho biết kế hoạch 2014 sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Từ số liệu của ngành thức ăn nhanh được Bộ Công thương công bố năm 2013, theo đại diện Lotteria VN, doanh số của công ty chiếm 40% trên tổng doanh số của toàn thị trường thức ăn nhanh tại VN.
Ngoài KFC và Lotteria, hàng loạt hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh của những thương hiệu ngoại như Jollibee, Buger King... cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong năm nay. Như vậy, dự kiến, các thương hiệu thức ăn nhanh sẽ thu về doanh thu khổng lồ hằng năm. Đây chính là cơ hội cho những nhà sản xuất trong nước có thể tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho mình.
Tuy nhiên, theo McDonald’s VN, hiện mới chỉ có hai nguyên liệu cà chua và xà lách là được mua từ Đà Lạt, còn 100% thịt bò được nhập khẩu từ Úc trong khi thịt heo và khoai tây đều được nhập khẩu từ Mỹ... Thậm chí những đồ dùng cơ bản như hộp giấy đựng thức ăn, ly giấy đựng nước uống cũng đang được nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia.
DN nội vẫn đứng ngoài
|
Tất nhiên để trở thành nhà cung cấp của bất kỳ thương hiệu nào thì các nhà sản xuất buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Á Châu (ABC) - đơn vị “bao thầu” toàn bộ bánh mì tròn cho các thương hiệu thức ăn nhanh tại VN như KFC, Lotteria, Buger King… cho biết các tập đoàn thức ăn nhanh ngoại này đều có quy trình kiểm tra chất lượng, các quy định hết sức khắt khe nghiêm ngặt trước khi ký hợp đồng chọn công ty làm nhà cung cấp. ABC cũng là đơn vị dự kiến sẽ cung cấp bánh mì cho McDonald’s bắt đầu vào cuối tháng 3.2014, sau khi máy làm bánh được McDonald’s chỉ định nhập khẩu từ Mỹ về tới VN.
Theo ông Lực, với mỗi một đối tác, ABC đều phải đầu tư dây chuyền sản xuất riêng theo đúng tiêu chuẩn, quy định của từng thương hiệu và cứ thế, sản lượng sẽ được tăng lên theo số cửa hàng của các thương hiệu được đầu tư mở rộng tại VN. Vissan cũng từng là nhà cung cấp thịt bò xay dùng cho sản phẩm bánh hambuger cho một số thương hiệu thức ăn nhanh ngoại tại VN. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, chỉ có Jollibee là đối tác của Vissan, còn những thương hiệu khác đã ngưng mua hàng, tìm nhà cung cấp nội địa khác có giá tốt hơn hoặc đầu tư nhà máy chế biến riêng phục vụ cho chuỗi cửa hàng ngày càng mở rộng. Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết để trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho các chuỗi thức ăn nhanh này phải cạnh tranh quyết liệt về giá, chất lượng, dịch vụ, số lượng… Nếu sơ sẩy để “hổng” chỗ nào là khó “lọt” vào tầm ngắm của họ.
Lotteria với hệ thống 185 cửa hàng trên toàn quốc, hiện đã có nhà máy chế biến riêng đặt tại Bình Dương nhằm bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu ổn định cho toàn bộ hệ thống. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm - đại diện Lotteria VN, sở dĩ các nhà kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh vẫn khó chọn nhà cung cấp nguyên liệu nội địa 100% do mô hình của các DN nội còn manh mún, nhỏ lẻ và không ổn định về chất lượng lẫn số lượng. “Điểm mạnh của các công ty liên doanh lớn hiện đang cung cấp nguồn thịt, rau… cho hệ thống Lotteria là họ có hệ thống phân phối chuyên nghiệp, ổn định về số lượng lẫn chất lượng. Điều này rất quan trọng bởi nếu chúng tôi chọn nguồn nguyên liệu không ổn định, khi gặp sự cố thiếu hàng chẳng hạn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu”, ông Tâm nói.
Ông Văn Đức Mười cũng thừa nhận, để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, bảo đảm đúng chất lượng thì giá thành bắt buộc phải cao hơn khiến DN nội khó cạnh tranh lại với các DN ngoại ngay tại thị trường trong nước. Có thương hiệu thức ăn nhanh từ chối Vissan cũng từng cho rằng, giá cả họ được mời chào tại các nhà cung ứng ngoại khác “mềm” hơn”.
Rõ ràng để trở thành các nhà cung cấp cho những thương hiệu quốc tế ngay tại VN không phải là quá khó. Ngay chính các tập đoàn này cũng mong muốn sẽ có được các nhà cung ứng tại chỗ để giảm chi phí vận hành. “Nguyên liệu nhập tuy có giá thấp hơn nhưng các chi phí vận hành, lưu kho bãi lại đội lên khiến nhiều nhà kinh doanh chọn giải pháp tìm nguồn cung ứng từ trong nước càng nhiều càng tốt. Điều này có lợi cho đôi bên, phía nhà kinh doanh có nguồn nguyên liệu tươi, ổn định và giá thành tốt, phía cung ứng được xuất khẩu sản phẩm tại chỗ”, ông Nguyễn Thanh Tâm nói.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Good Day Hospitality (đơn vị được phép phát triển thương hiệu McDonald’s tại VN) - cho biết, công ty sẽ phối hợp với các đối tác nội địa và toàn cầu để phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ, cung cấp cho không chỉ các nhà hàng McDonald’s trong nước mà khi đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì sản phẩm cũng được cung cấp cho các nhà hàng thuộc hệ thống trên thế giới.
Có tham gia được vào thị trường thức ăn nhanh với doanh thu khổng lồ này hay không, vấn đề còn lại phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp trong nước.
Mai Phương - Nguyên Nga
>> McDonald’s chọn Jobstreet.com là đối tác tuyển dụng tại Việt Nam
>> McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên tại VN ở quận 1, TP.HCM
>> Khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam
>> McDonald’s vào Việt Nam: Ai mừng, ai đắn đo?
Bình luận (0)