Thị trường tiền số rung chuyển sau tin Mỹ điều tra USDT

28/10/2024 07:06 GMT+7

Tin đồn Mỹ điều tra USDT - stabalecoin lớn nhất thế giới - đã khiến Bitcoin và cả thị trường tiền số lao dốc.

Ngày 25.10, WSJ đưa tin chính phủ liên bang đang điều tra công ty tiền điện tử Tether (USDT) vì có khả năng vi phạm lệnh trừng phạt và các quy định chống rửa tiền. USDT là stablecoin (tiền số được neo giá theo USD với tỷ lệ 1: 1) lớn nhất thế giới. Mỗi ngày có khoảng 190 tỉ USD Tether được giao dịch. Đây cũng là công cụ tài chính quan trọng của các thực thể nằm trong danh sách cấm của Mỹ.

Đáp lại thông tin này, CEO Tether Paolo Ardoino khẳng định đây là những "tin đồn cũ". Nhưng thị trường vẫn trải qua một cú sốc lớn.

Thị trường tiền số rung chuyển

Theo CoinDesk, giá Bitcoin dường như đã sẵn sàng tăng lên mốc 70.000 USD nhưng bài viết của WSJ đã khiến giá tiền số lớn nhất thế giới lao dốc. Trước đó, trong sáng 25.10, giá Bitcoin tiến sát mức 69.000 USD, chuẩn bị cho thử thách cuối ngày để vượt mức kháng cự, sau gần ba tháng giao dịch dưới mốc 70.000 USD. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi bài viết của WJS được xuất bản, giá Bitcoin đã giảm xuống còn 66.500 USD.

Trong vòng 24 giờ, BTC đã giảm gần 2% giá trị. Không những thế, danh sách tiền số trong Top 20 của CoinDesk cũng giảm 2,3%.

Thị trường tiền số rung chuyển sau tin Mỹ điều tra USDT- Ảnh 1.

Logo USDT - stablecoin giá trị lớn nhất thế giới

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH COINTELEGRAPH

Ethereum (ETH), tiền điện tử có vốn hóa lớn thứ hai thế giới cũng giảm từ 2.505 USD xuống còn 2.461 USD. Token BNB của Binance, Solana (SOL), XRP... đồng loạt quay đầu giảm giá trước khi phục hồi nhẹ.

CEO Tether Paolo Ardoino viết trên X: "Như chúng tôi đã nói với WSJ, không có dấu hiệu nào cho thấy Tether đang bị điều tra. Bài báo chỉ đang nhắc lại những thông tin cũ. Chấm hết".

Trên blog, Tether nói WSJ đã bỏ qua những lần công ty làm việc với cơ quan thực thi pháp luật để tránh kẻ xấu lợi dụng USDT và các tiền số khác cho mục đích phi pháp. "WSJ thực sự vô trách nhiệm khi viết những bài báo với các cáo buộc liều lĩnh. Họ dám khẳng định chắc chắn rằng Tether bị điều tra trong khi không cơ quan chức năng nào lên tiếng xác nhận những tin đồn này và không có nguồn tin nào được nêu rõ tên", Tether nói.

Những rủi ro Tether phải đối mặt

Đây không phải lần đầu tiên tin tức stablecoin lớn nhất thế giới bị Mỹ điều tra. Trước đó vào tháng 10.2021, Tether và sàn giao dịch tiền điện tử liên kết Bitfinex đã bị Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) phạt 42,5 triệu USD vì phạm luật.

Trước đó, Tether đã phải nộp phạt 61 triệu USD sau cuộc điều tra của tiểu bang New York và CFTC vì khai báo sai lệch tài sản bảo đảm cho đồng USDT.

Brad Garlinghouse, CEO của Ripple, từng nói trong một podcast vào tháng 5 rằng Chính phủ Mỹ đang nhắm đến Tether nhưng không cung cấp thêm bằng chứng nào.

Trong khi đó, hồ sơ ghi chép về sự hợp tác của Tether với cơ quan chức năng hồi tháng 8 cho thấy, kể từ khi thành lập năm 2014, công ty đã giúp hơn 145 cơ quan thực thi pháp luật thu hồi hơn 108,0 triệu USD tiền số USDT liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.

Các lãnh đạo của Tether cho rằng bản chất công khai của sổ cái trên blockchain được dùng để theo dõi nhiều giao dịch chuyển USDT khiến nó không phù hợp với tội phạm. Việc này cũng giúp chính quyền tăng cường khả năng giám sát và tịch thu tiền từ những kẻ xấu.

Cáo buộc liên quan đến Tether tác động lớn đến thị trường vì thời gian gần đây Mỹ đã tiếp cận một số công ty lớn nhất trong ngành tiền điện tử. Nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao đã bị kết án bốn tháng tù và phải nộp phạt 4,3 tỉ USD. Khi đó thị trường đã chứng kiến một cuộc biến động lớn. Các chuyên gia lo ngại bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến những công ty tiền số hàng đầu như Tether cũng đều có thể chặn đứng đà tăng giá của Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung sau thời gian dài "ngủ đông".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.