Giá tăng trong 'vùng' kiểm soát

27/08/2013 03:05 GMT+7

Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại lạm phát quay trở lại ngay khi chỉ số CPI vẫn đang 'đẹp'. Đáng buồn hơn là đằng sau con số 'đẹp' này, áp lực giá cả lên cuộc sống của người dân, áp lực chi phí lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng nặng nề hơn.

Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại lạm phát quay trở lại ngay khi chỉ số CPI vẫn đang 'đẹp'. Đáng buồn hơn là đằng sau con số 'đẹp' này, áp lực giá cả lên cuộc sống của người dân, áp lực chi phí lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng nặng nề hơn.

Nếu như những năm trước, nỗi lo giá tăng nằm ở ngoài chợ - nơi chúng ta không kiểm soát được việc "tát giá..." của tiểu thương, của các tầng nấc phân phối trung gian, của đầu nậu găm hàng - tạo khan hiếm giả, thì lần này, nguyên nhân khiến CPI tăng vọt là do giá hầu hết các mặt hàng được nhà nước quản lý như điện, xăng, sữa, giá dịch vụ y tế... tăng mạnh. Đây đều là các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nên dù giá tăng người dẫn vẫn cứ phải dùng điện, đổ xăng, khám bệnh khi đau ốm. Vì vậy, cuộc sống của nhiều gia đình càng chật vật hơn trong nỗi toan tính cơm áo hằng ngày.

Mỗi lần tăng giá, cơ quan quản lý đều lấy lý do "trả giá về với thị trường" nhưng điều quan trọng nhất của cơ chế thị trường là sự minh bạch lại không được đảm bảo. Xăng vẫn mập mờ lãi - lỗ; sữa tăng vô tội vạ; tiền khám chữa bệnh tăng cao nhưng chất lượng y tế và y đức xuống cấp trầm trọng. Lo ngại hơn, việc tăng giá dồn dập của hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ đầu vào đã khiến cho hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm sau nhiều tháng ổn định đã chính thức tăng trở lại. Sức mua đã yếu, lại càng yếu thêm.

Việc tăng giá các sản phẩm - dịch vụ thiết yếu một lần nữa cho thấy, sự thiếu nhất quán và đồng bộ trong điều hành chính sách kinh tế của các cơ quan có thẩm quyền. Để gỡ nút thắt tồn kho, từ đầu năm tới nay, chúng ta đã triển khai hàng loạt các giải pháp để kích thích sức mua. Nhưng ngưỡng thuế thu nhập cá nhân chỉ mới vừa có hiệu lực, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng còn đang ì ạch, doanh nghiệp chưa hấp thụ được vốn rẻ... Nói chung, thị trường còn chưa kịp nhận tín hiệu hỗ trợ thì ở đầu này, giá một loạt các mặt hàng thiết yếu lại được điều chỉnh tăng. Vậy là hàng loạt công ty, sau một thời gian dài nỗ lực giữ giá, níu sức mua đã phải điều chỉnh giá tăng thêm dù biết rằng, tăng giá lúc này chẳng khác nào tự giết mình.

Không chỉ thế, trong khi chúng ta vẫn còn loay hoay và bế tắc với tháo tồn kho, tăng tiêu dùng thì việc xăng tăng giá liên tục trong mấy tháng qua; rồi cùng một lúc, tăng giá điện, xăng, dịch vụ y tế và chuẩn bị là giá dịch vụ giáo dục... cho thấy sự thiếu tính toán, thiếu thận trọng, thiếu khoa học của cơ quan quản lý về mức tăng và thời điểm tăng.

CPI năm 2013 nếu không đạt chỉ tiêu cũng sẽ không vượt quá 2 con số, đó là dự báo chung của hầu hết mọi người và về cơ bản, đó cũng là một chỉ số “đẹp”. Áp lực với người dân và doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều vậy chỉ số “đẹp” liệu có ý nghĩa gì?

Nguyên Khanh

>> Tăng giá, sữa ngoại đang bắt nạt người tiêu dùng
>> CPI cả nước tháng 8 tăng 0,83%
>> Không dễ kiềm chế lạm phát dưới 6%

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.