Ép học sinh nông thôn may đồng phục giá cả tạ thóc là không thể chấp nhận

21/08/2013 19:00 GMT+7

(TNO) Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định việc ép học sinh nông thôn mua đồng phục đáng giá cả tạ thóc là không thể chấp nhận.

>> Trường làng may đồng phục veston kiểu Hàn Quốc
>> Sở GD-ĐT yêu cầu các trường kiểm tra nội quy mặc đồng phục


Bộ đồng phục vest cho học sinh tiểu học với ý tưởng đột phá - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Thống nói: Việc ép học sinh mua đồng phục ở Trường tiểu học Văn Bình (H.Thường Tín, Hà Nội) vừa qua chúng tôi thấy rất là bức xúc. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã trao đổi với trưởng phòng đào tạo và yêu cầu hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Bình phải dừng ngay việc này. Sau đó ngày hôm qua (20.8), Phòng GD-ĐT huyện đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT báo cáo đã chỉ đạo dừng việc may đồng phục ở trường.

Tôi chưa bàn đến những việc khác mà chỉ bàn đến việc hoàn cảnh hầu hết gia đình ở đó thuần nông, khó khăn như thế (mà có người ví von một bộ đồng phục bằng 1 tạ thóc) là đã không thể chấp nhận được trong chuyện này. Khi mà từ T.Ư tới các địa phương đều đang yêu cầu thực hành tiết kiệm. Bên ngoài người ta còn thấy mà tại sao nhà giáo lại không nhìn thấy chuyện như vậy.

Sai thì phải nói là sai, tôi còn đọc ở báo nào đó nhà trường giải thích quanh co là mua được cả bộ thì mua, chứ không thì mua cái quần, cái áo, cái nơ cũng được... Thế thì còn gọi gì là giá trị của đồng phục nữa.

Ở đây có một vấn đề nữa là vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường đó chưa làm hết trách nhiệm, làm cho phụ huynh người ta bức xúc.

* Câu chuyện đồng phục cũng là bức xúc khá phổ biến của nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố chứ không phải riêng một trường. Ngay cả những nơi có điều kiện sống tốt như các quận nội thành. Sở có chấn chỉnh chung gì không?

- Trước hết, phải khẳng định việc học sinh mặc đồng phục rất đáng hoan nghênh. Đồng phục góp phần nâng cao trách nhiệm, niềm tự hào, tự trọng… của học sinh. Học sinh ra khỏi trường, khoác trên người bộ đồng phục thì mỗi khi vi phạm luật lệ giao thông, nói tục, chửi bậy… cũng phải dừng lại vì nghĩ đến truyền thống của trường….

Mặt khác, đồng phục cũng là bình đẳng giữa các học sinh trong cùng một môi trường giáo dục.

Sau khi Bộ GD-ĐT có quy định về đồng phục học sinh sinh viên từ năm 2009, chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn, trong đó nhấn mạnh tới việc đồng phục vừa phải đảm bảo tính thẩm mỹ, tính phù hợp với thời tiết, điều kiện kinh tế của từng địa phương và đặc biệt là có sự đồng thuận thực sự của tất cả phụ huynh. Bộ đồng phục mà xa xỉ quá với điều kiện kinh tế xã hội ở đó thì không phù hợp.

* Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ các trường có vẻ “thích” yêu cầu học sinh mặc đồng phục như vậy là vì có “hoa hồng”?

- Tôi xin không bàn tới chuyện đó vì tôi không có đầy đủ thông tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, đầu năm học phụ huynh phải lo rất nhiều khoản cho con, sách vở, bút giấy, các loại học phẩm… nếu cứ mỗi thứ thêm một chút thì sẽ là một gánh nặng và phụ huynh bức xúc là đúng.

* Tại sao Sở GD-ĐT không lập một đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin từ phụ huynh?

- Chúng tôi có công khai tất cả các số điện thoại, địa chỉ email và vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn phản ảnh chuyện nọ chuyện kia.

Chúng tôi rất mong nếu có những sự việc cụ thể, xảy ra ở một địa chỉ cụ thể mà các phụ huynh thấy bức xúc thì hãy phản ánh với chúng tôi, không cần phải nói tôi là mẹ của cháu nào, bố của cháu nào.

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.