Trung Quốc sẽ “trị” ông Chu Vĩnh Khang ?

12/08/2013 10:40 GMT+7

(TNO) Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang sẽ sớm trở thành cái tên lớn nhất bị sờ đến trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc.

(TNO) Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang sẽ sớm trở thành cái tên lớn nhất bị sờ đến trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc kể từ khi người đồng minh là cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai ngã ngựa, theo tờ Nhật báo Đông Phương hôm 11.8.

Tờ báo ở Hồng Kông cho hay sự chú ý hiện dồn vào ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp đầy quyền lực trước đây, giữa lúc các lãnh đạo cao cấp ở Trung Quốc nhóm họp tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà.

Tin tức liên quan đến số phận của ông Chu vốn lan truyền trên internet từ khi người đồng minh Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư Trùng Khánh vào tháng 3 năm ngoái. Từng là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Bạc đã bị giam giữ hơn một năm và sắp sửa được đưa ra xét xử ở thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, về tội nhận hối lộ, biển thủ và lạm quyền.

Vợ của ông Bạc là bà Cốc Khai Lai bị tuyên án tử hình “treo” vào năm ngoái vì tội giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Mặc dù ông Chu Vĩnh Khang đã xoay xở để hạ cánh an toàn tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11 năm ngoái, các cáo buộc tham nhũng chống lại ông vẫn tồn tại dai dẳng. Một số nhà quan sát chính trị gợi ý hồi kết sắp sửa xảy đến với người từng là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc, theo tờ Nhật báo Đông Phương.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, cơ quan chống tham nhũng ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi ông Chu là bí thư tỉnh ủy từ năm 1999 đến 2002, đã bắt giữ ít nhất 10 chủ doanh nghiệp cộm cán. Cùng khoảng thời gian đó, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Thành Đô cũng cách chức một nhóm cán bộ vì vi phạm kỷ luật.

Nhóm cán bộ bị cách chức ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, hiện bị điều tra vì dính líu đến ông Lý Xuân Thành, cựu Phó bí thư Tứ Xuyên, người bị cách chức vào cuối năm ngoái vì cáo buộc tham nhũng.

Kể từ khi ông Chu về hưu, có nhiều cuộc điều tra nhắm đến những quan chức có liên hệ với ông được mở ra, gồm cả ông Lý Xuân Thành, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh Hồ Bắc Ngô Vĩnh Văn và Chủ tịch Hội nhà văn Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, thư ký của ông Chu trong 18 năm.

Vào đêm 2.8, doanh nhân ở Tứ Xuyên Ngô Binh đã bị bắt khi đang ẩn náu ở Bắc Kinh. Ông Ngô được tường thuật là người tin cẩn của ông Chu Bân, con trai ông Chu Vĩnh Khang, và được đồn đại là người phụ trách gia sản của ông Chu.

Các nguồn tin cho hay ông Chu Bân đã rời Trung Quốc đến Hồng Kông, Singapore và Malaysia trong thời gian diễn ra đại hội đảng vào tháng 11 năm ngoái và hai kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp vào tháng 3 năm nay. Đây được xem là những thời điểm nhạy cảm nhất về chính trị tại Trung Quốc. Người ta hiện không rõ ông Chu Bân đang ở đâu.

Theo tờ Nhật báo Đông Phương, các nhà quan sát chính trị tin rằng nếu ông Chu bị điều tra, nhà chức trách Trung Quốc sẽ soi vào các hoạt động của ông trong ngành xăng dầu, nơi ông trải qua phần lớn sự nghiệp, cũng như các thời kỳ làm Bí thư Tứ Xuyên và Bí thư Ủy ban Chính pháp từ năm 2007 đến 2012.

Theo tờ Kwong Wah Daily ở Malaysia, ông Chu Bân sử dụng tầm ảnh hưởng của cha mình để gầy dựng tài sản thông qua các hợp đồng kinh doanh với những công ty và cơ quan nơi cha ông từng làm việc.

Một tội danh tiềm tàng khác chống lại ông Chu Vĩnh Khang là lạm quyền. Theo các tường thuật, trong thời kỳ làm Bí thư Ủy ban Chính pháp, ông Chu liên tục tìm cách bành trướng quyền lực bằng cách thống nhất công tác quản lý công an trong nước và sử dụng các biện pháp bất hợp lý để kiểm soát quần chúng.

Sơn Duân

>> Chu Vĩnh Khang “nối gót” Bạc Hy Lai
>> Ông Bạc Hy Lai bị truy tố tội nhận hối lộ
>> Bạc Hy Lai sắp ra tòa vì nhận hối lộ
>> Bạc Hy Lai ra tòa vào tuần tới?
>> Trung Quốc chính thức khai trừ Bạc Hy Lai khỏi đảng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.