Đi dọc Hà Nội: Những con ma đất Hà thành

03/09/2013 11:00 GMT+7

Ma quỷ ở Hà Nội có từ bao giờ, có gắn với sự tích nào không? Chuyện về những con ma đất Hà thành trích trong quyển Đi dọc Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến sẽ giúp gạt bỏ những sợ hãi không đáng có.

Cuối thế kỷ 19, khu vực bờ sông hoang vắng và nhà cửa còn thưa thớt nhưng bến tàu sông thì lúc nào cũng nhộn nhịp khách lên xuống vì lúc này chưa có xe lửa. Ba hãng tàu thủy cạnh tranh nhau khốc liệt gồm Sauvage của chủ Pháp, vì ông này bị điếc nên dân gọi là hãng tàu Tây điếc, hãng Bạch Thái Bưởi và một hãng Tàu Hiệu của tư sản người Hoa. Đường Bờ Sông có tên Pháp là Quai Guillemoto (nay là Trần Quang Khải). Hãng Sauvage xây trụ sở ở đây (nay là Trường phổ thông Nguyễn Huệ). Ở góc nhà Sauvage có một cây si già um tùm lá và rễ. Đây là đất của thôn Trừng Thanh Thượng (từ Cột đồng hồ đến phố Hàng Muối), sau đó tách làm hai thôn Thanh Yên và Thanh Lân. Buổi tối dân không dám đi qua vì gốc cây si có ma.

Những con ma đất Hà thành
Các thợ thêu ở phố Hàng Trống xưa - Ảnh: Tư liệu

Chuyện là có cô gái trong thôn ra sông giặt giũ lúc xâm xẩm, khi lên thì bị ma ra trêu chọc, sợ quá cô bỏ chạy, quần áo rơi xuống đất không dám quay lại nhặt. Sáng hôm sau quay lại tìm thì thấy quần áo được treo lên cây si đàng hoàng và không lấm tí đất nào. Thấy vậy một người trong thôn mới lấy một chiếc bình vôi cũ mang ra treo lên gốc cây. Từ đó cứ ngày rằm, mồng một ra thắp hương. Thấy vậy nên một người đàn ông làm loong toong cho nhà Sauvage tên là Sáu đã bỏ tiền xây cái miếu con để chỗ thờ đàng hoàng. Từ đó dân Trừng Thanh Thượng không ai bị ma ghẹo nữa nhưng vợ của chủ hãng Sauvage là một cô đầm lai, cô này chẳng tin vào chuyện ma quỷ nên không bao giờ ra miếu thắp hương, thế nên cô ốm. Cứ đêm xuống cô đầm lai thấy lởn vởn bóng người, dậy châm đèn thì cái bóng biến mất. Đi khám, bác sĩ không biết bệnh gì. Một hôm cô kể lại chuyện đó cho ông Sáu nghe thì ông khuyên cô nên thắp hương cầu xin ma đừng hành  nữa. Cô này làm theo và bỗng nhiên khỏi bệnh, thế là cô bỏ tiền ra xây thành miếu to hơn và dân làng gọi là miếu Hiển ứng. Dân chúng quanh vùng và nhiều nơi đến thắp hương cúng bái nên từ đó ma không ghẹo ai nữa.

 

Cách đây chục năm, ai đi qua phố Hàng Trống đều thấy ngôi nhà hai tầng số 138 rêu phong, cửa đóng then cài. Người ta đồn đại ai mua nhà đó đều thắt cổ tự tử nên nhà phải để hoang. Nhưng chuyện không phải như vậy, căn nhà đó được ông cụ từng là lái xe ở một sứ quán chia cho các con. Vì chật chội nên anh em trong nhà thống nhất bán lấy tiền mua chỗ khác. Mọi người đã bán phần của mình cho người mua giàu có nhưng còn một người dứt khoát không bán nên người mua không thể sửa chữa. Cuối cùng thì anh này cũng bán phần của mình tất nhiên là với cái giá anh đưa ra. Rốt cuộc thì chẳng có ma Hàng Trống nào cả. 

Từ đầu thế kỷ 20, đến những năm 1940, hầu như năm nào cũng có người tự vẫn ở hồ Gươm mà phần lớn là con gái tự vẫn vì tình. Nhiều tờ báo nhân cơ hội đã mô tả mùi mẫn để bán báo và có nhà văn nhanh nhạy viết thành tiểu thuyết tung ra hiệu sách. Năm 1936, nhân cô Phượng tự vẫn, có người đã viết thành kịch Mồ cô Phượng, bà con hàng phố đi xem ai cũng sụt sùi thương tiếc. Số người chết nhiều đến mức có sinh viên trường thuốc Hà Nội là Vũ Công Hòe đã lấy làm đề tài luận văn tốt nghiệp năm 1938.

Chuyện kể rằng có một anh chàng ở quê ra Hà Nội làm thuê nhưng phải lòng cô gái con chủ thầu xây dựng, đi làm về kiểu gì cũng tìm cách nhìn thấy cô mới yên tâm. Khi cô gái lấy chồng thì anh này nghĩ thế thì sống làm gì nữa nên chờ đêm ra hồ Gươm tự vẫn. Vì chết trẻ nên hồn ma cứ loanh quanh khu vực hồ, tối tối lại hóa thành một cô gái xinh đẹp rủ rê các cô gái buồn rầu ra hồ rồi dụ rằng, đến nhà em chơi sau đó dẫn thẳng xuống hồ. Thấy chuyện chẳng lành, các bà ở phố xung quanh hồ kéo nhau lên gặp đốc lý Virgitti xin xây miếu cho ma trú ngụ để nó không hại ai nữa nhưng viên đốc lý từ chối. Biết không thể được nên các bà bàn nhau, bí mật đặt một hòn đá ở gốc cây đa trong đền Ngọc Sơn và ngày rằm mùng một vào thắp hương, từ đó không còn ai tự vẫn ở hồ Gươm nữa.

Cũng đầu thế kỷ 20, khu vực phố Trương Hán Siêu, Ngô Văn Sở ra đến phố Bà Triệu nhà còn lưa thưa, vẫn còn ao rau muống, ao bèo và bãi cỏ. Hằng ngày có một người Ấn Độ mang bò sữa ra đây chăn thả. Ban ngày mọi chuyện yên ả nhưng cứ tối đến không ai dám đi qua vì nhiều lần đi qua bị ma trêu. Một đêm nghe tiếng kêu thất thanh, mấy nhà gần đấy cầm đuốc ra soi thì thấy một người đàn ông cứ đứng dưới ao hét, đưa cây sào cho ông ta nắm để đi vào bờ nhưng tay run run. Một người nhanh trí vào nhà đốt một nén hương mang ra khấn, quả nhiên ông ta trở lại bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Để đêm không phải đi cứu người bị ma trêu nên mấy nhà quanh vùng đã góp tiền xây miếu dưới gốc cây thị (nay là Nhà xuất bản Kim Đồng), ngày rằm mùng một ra thắp hương, thế là từ đó không thấy ma trêu ai nữa. Vì cái miếu làm ngay gốc cây thị nên dân gọi là miếu Cây thị.

Những cây bàng có yêu trú ngụ trên phố Hàng Cân nay không còn nhưng chuyện về con yêu ở đây vẫn còn dai dẳng trong dân gian, qua ghi chép: “Con yêu cây bàng giữa phố Hàng Cân là yêu lành nhất. Nó làm ơn nhiều hơn gây vạ, ai mất mát vật gì đến khấn thì hôm sau đồ vật treo ở gốc cây bàng. Người có của cứ việc đến lấy mang về. Có khi đồ vật treo lủng lẳng ở thân cây đợi chủ nhân mất của đến lấy. Kẻ nào đem lòng tham lấy về thì hoặc ốm nhẹ hoặc ốm nặng, có khi chết. Sự trừng phạt sẽ đo theo giá vật ăn cắp và công con yêu đã khuân nó về. Thế rồi vào giữa đời Gia Long thì nó mất thiêng dần dần cho đến khi mất hẳn”.

Nguyễn Ngọc Tiến

>> Bốn con yêu Long Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.