Tại Thụy Sĩ, vòng đàm phán mới nhằm tái thống nhất đảo Cyprus được tiến hành dưới sự bảo trợ của LHQ. Cho dù đại diện hai miền biểu lộ thiện chí hòa đàm ở mức độ rõ nét và chân thành chưa từng thấy, triển vọng thành công của vòng đàm phán này lại còn mờ mịt hơn cả những lần trước.
Nguyên do của nghịch lý này là có hai tác nhân với vai trò quyết định không kém hai miền và còn hơn cả LHQ là EU và Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn rất khúc mắc nhau trong quan hệ song phương.
Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974. Vùng miền nam là CH Cyprus đứng trong hàng ngũ EU và gắn bó với Hy Lạp. Vùng miền bắc thành lập nhà nước riêng nhưng chỉ được mỗi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận và trên đó hiện có quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ xin mãi vẫn chưa được EU thu nạp vào hàng ngũ như Hy Lạp. Vì vấn đề Cyprus mà quan hệ giữa Athens và Ankara trắc trở. Hy Lạp lại có quyền phủ quyết việc EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.
Giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hiện vừa không bằng mặt vừa không bằng lòng cho dù đã có được thỏa thuận giúp nhau giải quyết vấn đề người tị nạn. Không có sự nhượng bộ của Ankara thì chắc chắn không thể có được thỏa thuận giúp khắc phục sự chia cắt đảo Cyprus và nếu có đạt được thỏa thuận nào bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ thì việc thực hiện cũng không thể khả thi.
Cách đây không lâu, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã có những cải thiện quan hệ rõ rệt và giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ cũng còn khá suôn sẻ. Nhưng thời điểm thuận lợi ấy đã không được nắm bắt và tận dụng. Bây giờ thời điểm không còn thích hợp và bối cảnh tình hình không được thuận lợi thì thừa thiện chí hòa đàm hỏi phỏng có ích gì?
Bình luận (0)