Về ẩm thực Hà Nội, The Telegraph giới thiệu rằng mọi người có thể thưởng ngoạn rất nhiều món ăn độc đáo dọc theo các tuyến phố, như bánh mì căng đầy pa tê, dưa leo, rau mùi, hành, ớt...; cơm tấm với thịt heo, bì, trứng và nước mắm; cà phê trứng... Tất cả đều đem đến trải nghiệm tuyệt vời.
Thực sự, các món ăn trên đường phố Hà Nội nói riêng, và VN nói chung, từ lâu đã gây không ít chú ý. Như ông Jack Lee, đầu bếp chuyên nấu cho các ngôi sao Hollywood - từng làm giám khảo của nhiều cuộc thi nấu ăn tại VN (như Master Chef nhí, hay Food Fest 2017), chia sẻ: “Tôi ngỡ ngàng vì thầy dạy của tôi, một siêu đầu bếp Mỹ, nhờ tôi dạy cách làm bánh mì VN. Ẩm thực Việt là thiên đường, món đường phố cũng là thiên đường”.
Sức hút cho du lịch
|
Không chỉ đơn thuần chuyện ăn uống, các tour ẩm thực còn là câu chuyện về tri thức dân gian. Vì thế, ông Vũ Thế Long, một người vẫn được mời dẫn tour ẩm thực cao cấp nói: “Họ thích nếm, học cách phân loại món ăn và những câu chuyện văn hóa xung quanh các dụng cụ nấu nướng. Mà đấy thực sự là một kho tàng hiểu biết dân gian, những câu chuyện văn hóa. Chẳng hạn, cách người ta làm thế nào để có thể nướng thịt bằng kẹp tre, vì sao thịt nướng tre lại thơm hơn nướng vỉ sắt. Hay họ cũng thấy thích việc cắt sứa đỏ bằng cật tre mà không dùng dao thông thường. Những dụng cụ để nhể ốc, muôi múc dấm bỗng của món bún ốc nguội cũng là những đồ dùng thú vị, dù bây giờ ít người biết đến”, ông Long nói.
“Chúng ta không được coi thường ẩm thực. Cùng với nơi lưu trú, ẩm thực chính là sức hút cho du lịch. Tại sao có nước có khu ẩm thực dài cả cây số mà ta thì không”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, nhận xét.
Chính vì thế, trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, hiệp hội đã ra mắt Trung tâm nghiên cứu và phát triển ẩm thực. Tất nhiên, theo ông Thọ, hình thành một nền ẩm thực phục vụ du lịch là một trong các đích đến mà trung tâm hướng tới. Trong đó, ẩm thực đường phố cũng là đối tượng mà trung tâm và hiệp hội chú ý nghiên cứu để thúc đẩy phát triển.
Thiết lập hàng rào chất lượng
Theo chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển ẩm thực, Hiệp hội Du lịch VN: “Chúng ta cần chú ý từ chi tiết rất nhỏ. Chẳng hạn, có nên dùng đũa ăn liền như bây giờ không. Loại đũa này hiện đang bị kêu ca nhiều về ngâm tẩm hóa chất. Hay bát đĩa khi đổ canh nóng vào thì lại gây độc hại. Thế thì, cần phải có cơ sở sản xuất bát, đĩa ăn liền bảo đảm chất lượng. Bát đĩa đã vào khu ẩm thực là phải bảo đảm chất lượng”.
Ông Jack Lee cũng cho rằng cần khuyến khích ẩm thực đường phố bằng cách lập các khu riêng. “Có thể có các khu riêng cho nó. Ở TP.HCM, tôi thấy ở đường Nguyễn Huệ cũng có khu ẩm thực. Nó sạch và cũng có các món đường phố. Tôi rất tự hào về việc đó. Đây là một mô hình giống Singapore và Hồng Kông, mà cả Mỹ cũng vậy”, ông đề xuất.
Ông Đoàn Kỳ Thanh, một người có ảnh hưởng với công nghiệp sáng tạo ở VN, lại lưu ý đến việc tạo dựng không gian của khu ẩm thực. Chẳng hạn, ở khu Tạ Hiện, Hà Nội bây giờ, ngoài món ngon, khách cũng bị thu hút vì không gian kiến trúc Pháp tại đây. “Ngoài vị ngon, không khí ăn uống rất hồ hởi, khách cũng bị hút về đây để ngắm những mặt tiền cửa hàng đã được người Pháp hỗ trợ phục dựng theo bản gốc”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét muốn phát triển ẩm thực đường phố cần phải đào tạo nhân viên cho khác đi. Điều đó sẽ tránh thái độ phục vụ không tốt như các quán bún mắng, cháo chửi. “Ví dụ các khách sạn 5 sao, các nhà hàng luôn tổ chức đào tạo nhân viên, thái độ của nhân viên. Tất nhiên đấy là họ làm cho họ. Nhưng thành phố hoàn toàn có thể yêu cầu nhân viên của các hàng ăn đường phố cũng phải lịch sự, tươi cười. Chứ không thể để họ cứ phục vụ với thái độ ăn thì ăn không ăn thì thôi, tôi cũng chẳng cần được. Muốn khách du lịch quay lại với mình thì thái độ phục vụ phải tốt hơn nữa”, ông Hùng nói.
18 thành phố lọt vào danh sách của The Telegraph gồm: Tokyo (Nhật), Hà Nội (VN), London (Anh), Jaipur (Ấn Độ), New York (Mỹ), Mendoza (Argentina), Bologna (Ý), Lyon (Pháp), New Orleans (Mỹ), Bangkok (Thái Lan), Barcelona (Tây Ban Nha), Singapore, Copenhagen (Đan Mạch), Lima (Peru), Fez (Morocco), Thành Đô (Trung Quốc), San Sebastian (Tây Ban Nha), Paris (Pháp).
|
Món ngon 1 đô
Ở Hà Nội, phố Đinh Liệt là nơi bạn có thể thử đủ các loại bánh ngọt truyền thống như bánh rán vừng, bánh rán mật, bánh dày đỗ (đậu), bánh bao chỉ, bánh cốm... Nếu bánh ở Hà Nội thường thơm mùi đậu là chủ đạo thì TP.HCM lại có những loại bánh thơm ngậy vị cốt dừa. Đừng ăn bánh da lợn ở Hà Nội, hãy nếm thứ bánh đó và bánh bò ở miền Nam, nơi dừa mọc san sát và nước cốt dừa ngọt béo.
Cũng đừng quên bò bía, bột chiên, bắp nướng mỡ hành, bánh căn trứng cút - quà vặt của nhiều thế hệ học sinh. Mấy món quà vặt này người bán vừa cuốn, vừa chiên, vừa đổ bánh nên ngoài vị ngon còn có thú ngắm bếp mở. Trái cây trộn, nước trái cây ép cũng là món “thần sầu” của miền Nam với đủ loại trái tươi và rẻ. Chỉ ở đây mới có chai nước cóc hay bưởi ép cả nửa lít mà giá chỉ 10.000 đồng.
Vua đầu bếp Pháp người Việt, cô Huỳnh Khánh Ly, chia sẻ luôn có ước mơ làm cho món tráng miệng Việt như chè được vinh danh trên các bàn ăn Pháp. Vì thế, sau bánh, khách nên nếm thử các loại chè. Thạch và đậu đen là món chè truyền thống rất mát và dễ chịu. Chè bưởi, sương sa hạt lựu, chè chuối, chè thưng cũng là những món chè ngậy nên thử nếu đến miền Nam. Nếu nếm thử tàu hũ từ bắc vào nam còn thú hơn vì vị nước đường thay đổi: ở Hà Nội là nước đường ướp hoa nhài, miền Trung trở vào đã là đường mật loãng và gừng, hoặc có thêm cốt dừa. Đương nhiên, mỗi ly chè đó chẳng bao giờ tiêu tốn của bạn đến 1 đô la cả.
Nếu muốn ăn cho chắc dạ, một ổ bánh mì pa tê là lựa chọn số 1. Bánh mì có thể mua khá dễ dàng và rất dễ ăn với rau thơm, pa tê cân đối với thịt xá xíu và giò chả. Theo đầu bếp Jack Lee, bánh mì là “đại sứ ẩm thực Việt” ở nhiều nước trên thế giới.
|
Bình luận (0)