img

Gương mặt trẻ thơ, tiếng cười và giọng nói cũng trẻ thơ, cô con gái "rượu" của Thanh Lam và Quốc Trung có vẻ như… không liên quan gì đến tuổi 27 và cuộc hôn nhân đã hơn 2 năm của mình. Mà nói như Thanh Lam là: "Dù là con của hai nghệ sỹ nổi tiếng nhưng Xiu (tên thân mật của Thiện Thanh – PV) chưa bao giờ để mình phải chịu áp lực đó, có thể do bản tính hồn nhiên vô lo của con. Cũng vì thế mà con luôn được sống một đời sống rất giản dị trong sáng, không bị rơi vào vòng xoáy của showbiz, cũng như lo toan cơm áo gạo tiền…"

Thiện Thanh – con gái Thanh Lam và Quốc Trung: “Bố lo cháu yêu hết mình… giống mẹ” - Ảnh 1.

Thiện Thanh – con gái Thanh Lam và Quốc Trung: “Bố lo cháu yêu hết mình… giống mẹ” - Ảnh 2.

Nhưng nghe đâu, cũng vì bản tính "hồn nhiên" đó mà cháu đã từng khiến bố mẹ bao phen phải "thót tim" khi chọn người yêu?

Thì là do lúc đó cháu mới chỉ "yêu nháp", chứ chưa xác định gì, cũng chẳng đề ra tiêu chuẩn gì, thấy vui thì yêu thôi. Nhưng tại bố cứ hay lo cháu… giống mẹ, rồi thể nào cũng yêu bản năng, cuồng nhiệt, hết mình, hy sinh cho người ta bằng hết cho mà xem. Bố thậm chí còn từng cho cháu ăn nguyên một… cái tát khi phải tức tốc bay từ Sài Gòn ra và đi tìm cháu suốt đêm vì lo cháu yêu sai. Cả mẹ cũng lo y thế. Và thế là cả bố và mẹ cháu đều ra sức khuyên cháu là đừng có dại mà đi yêu hết mình quá, rồi không phải ai người ta cũng biết trân trọng mình đâu; thường cái gì nhiều quá, người ta sẽ lại không biết quý…

Và kết quả là cháu đã lên xe hoa ở tuổi 25, thay vì… 18, giống mẹ?

Cháu được cái khác mẹ là làm gì cũng chậm, chả vội bao giờ. Cháu nghĩ, lấy chồng sớm, đấy cũng là một thiệt thòi lớn của mẹ cháu. Tuổi trẻ đáng ra phải được bay nhảy, đây mẹ lại sớm có em bé (con gái đầu của Thanh Lam với chồng đầu – PV), thành ra như kiểu bắt buộc phải trưởng thành sớm. (NSƯT Thanh Hương – mẹ Thanh Lam ngồi gần đó góp lời: "Ôi vụ đó ông Thuận Yến ốm mất nửa năm vì tiếc nó, nó có tài…!" – PV). Mẹ cháu bị cái "tật" yêu lúc nào cũng như yêu lần đầu, lần nào mẹ cũng tin là tình yêu đẹp hết… Cháu cũng giống mẹ cháu ở điểm ấy, chứ không được điềm tĩnh như bố cháu. Đôi khi cháu cũng thèm có được cái đầu lạnh như của bố, nhưng cũng có lúc bố lạnh quá, ít nói quá, cũng buồn.

Thiện Thanh – con gái Thanh Lam và Quốc Trung: “Bố lo cháu yêu hết mình… giống mẹ” - Ảnh 3.

Cô con gái "rượu" của một cặp vợ chồng nghệ sỹ nổi tiếng, cũng là "con nhà nòi" của một đại gia đình gồm toàn những cái tên đình đám (ông nội là NSND Trung Kiên, ông ngoại là nhạc sĩ Thuận Yến - PV)..., nhưng lại có những lựa chọn khá giản dị: dạy nhạc (ở trung tâm) và một người chồng cùng nghề, ít nhiều kín tiếng?

Cả cháu và chồng cháu đều giống nhau ở điểm: không thích đi diễn bằng đi dạy, nhất là dạy trẻ con, vì lúc nào cũng thấy mình trẻ trung, tươi mới. Đi dạy thì không có tiếng vỗ tay nhưng cảm giác nhẹ nhàng bình yên hơn nhiều. Vì với cháu, tiếng vỗ tay áp lực lắm. Cháu cũng không có nhu cầu tìm cho mình một người chồng "có số, có má", miễn sao có chí, nói chuyện hợp. Mấy cái kia không để làm gì, quan trọng là người ta đối với mình, gia đình mình như thế nào. Chồng cháu vốn là học sinh của ông nội cháu, anh ấy yêu ông cháu kinh khủng, đang có việc ở ngoài mà ông cháu gọi về, bảo có việc cần là lao về ngay, nhiều khi chỉ để… bật hộ ông cái ti vi. Bố mẹ cháu cũng yêu quý anh ấy. Vì anh rất ấm áp và chân thành. Trước, cháu yêu anh nào, bà cháu cũng bảo: Con yêu ai thì đưa về đây bà nấu cho ăn rồi bà theo dõi cho. Theo dõi xong thì bà nói: Theo bà thì thằng này không được, nhưng con thích thì… cứ yêu. Bà cũng bảo yêu người nổi tiếng thì sẽ thị phi nhiều, cháu phải xác định cháu có chịu được thị phi không đã, thì hẵng yêu… Thế thôi mà bà "phá" thành công hai vụ liền. (Chứ ai như mẹ nó, cứ làm ầm lên! – bà Hương góp lời). Nhưng đến anh này thì bà lại chính là người xui cưới đầu tiên, bà bảo: Cậu này thì không phải nghĩ.

Và đúng là ở cạnh anh ấy, cháu không có gì phải nghĩ thật. Cháu yên tâm vô cùng. Với cháu, thế là đủ. Theo cháu, một người phụ nữ bình yên là người phụ nữ hạnh phúc.

Thiện Thanh – con gái Thanh Lam và Quốc Trung: “Bố lo cháu yêu hết mình… giống mẹ” - Ảnh 4.

Động từ "hy sinh" trong gia đình cháu có được chia theo các cách khác nhau, qua ba thế hệ: Bà – mẹ - con gái?

Ở bà cháu, thì là nỗ lực vun vén hết sức cho gia đình, để chồng con được toàn tâm toàn ý với sáng tạo. Còn mẹ cháu thì hy sinh theo kiểu khác, trong một hoàn cảnh khác. Khi bố mẹ chia tay, mẹ đã đồng ý cho bọn cháu được ở với ông bà nội và bố, để hai chị em không phải xa nhau và được hưởng một điều kiện nuôi dạy tốt nhất có thể vì nghề diễn của mẹ sẽ khó mà sát sao được. Mẹ thậm chí đã phải chấp nhận điều tiếng vì không phải ai cũng hiểu được sự hy sinh của mẹ, mà mẹ cháu thì vốn không quen đi giải thích. Còn tới lượt cháu thì sự hy sinh mà cháu có thể làm là sẽ lui về sau để cho chồng cháu phát triển, vì anh ấy giỏi hơn cháu.

Đã từng hiểu nhầm và giận mẹ?

Hiểu nhầm thì không. Vì tuy bố mẹ bỏ nhau nhưng bọn cháu cũng vẫn không quá bị thiếu sự săn sóc của mẹ, không đến nỗi hụt hẫng. Thường vào các cuối tuần, mẹ đón chúng cháu về, còn trong tuần thì bọn cháu ở với bố để tiện đi học. Hoặc cũng có lúc mẹ qua và ngủ lại, thật ra là đợi các con ngủ rồi mẹ mới về vì em cháu rất quấn mẹ, nó mê mẹ lắm... Nhưng cũng phải mãi sau này cháu mới được nghe mẹ giải thích, lúc đó cháu mới hiểu được hết sự hy sinh của mẹ.

Rồi khi không giữ được đứa con đầu lòng, khi cháu nhìn thấy mẹ cháu khóc vì thương con, thương cháu (cả bố cháu cũng khóc), thì cháu càng thêm lần nữa thấu hiểu những vất vả riêng có ở người phụ nữ. Trải qua rồi mới thấy thương bà, thương mẹ, ngày xưa còn trong điều kiện không tốt bằng mình… Thật đúng như người ta vẫn nói "chửa cửa mả". Cái sự mang nặng đẻ đau ấy, là lý do để bất kỳ người mẹ nào cũng có thể sẵn lòng hy sinh cho con, chỉ cần họ có cơ hội.

Thiện Thanh – con gái Thanh Lam và Quốc Trung: “Bố lo cháu yêu hết mình… giống mẹ” - Ảnh 5.

Bà và mẹ đã giúp cháu đi qua cơn đau đó thế nào?  

Mẹ an ủi cháu: Chắc do hết duyên, nên em đi sớm để được chuyển kiếp sớm. Còn bà cháu thì tận đến giờ vẫn bảo may đận ấy cháu bà không bị làm sao, cháu vẫn còn ở đây với bà, chứ có nhà, còn không giữ được cả mẹ, cả con. Nhưng cũng phải mất hơn nửa năm cháu mới dần vực lại được. Và giờ thì cháu đã sẵn sàng tâm thế để có thể được làm mẹ lần hai, cháu mong lắm…

Lúc nào thì ba người phụ nữ trong nhà cháu sẽ trông nữ tính nhất?

Cháu cũng không biết lúc nào thì trông cháu nữ tính nhất, tại cháu không thích cắm hoa và cũng không giỏi nấu nướng như mẹ. Bố cũng từng khuyên cháu thỉnh thoảng nên mua hoa về cắm cho nó nữ tính, và cố mà học được ở mẹ cái nết nấu ăn. Cháu nghĩ cháu không được nữ tính cho lắm vì từ bé cháu ở với bố, nếu ở với mẹ chắc cháu sẽ giàu nữ tính hơn.

Mẹ cháu thì nấu gì cũng ngon, mẹ thực sự đã rất thả hồn vào các món ăn. Nhưng có hai lúc không nên đứng gần mẹ, đấy là lúc mẹ chuẩn bị hát và chuẩn bị nấu ăn, vì lúc đó mẹ tập trung kinh khủng, "nữ quyền" kinh khủng, nên cứ đi ra đi vào mà làm vướng mắt mẹ là rất dễ bị mẹ cáu. Cháu nghĩ mẹ nữ tính nhất có lẽ là lúc mẹ nấu ăn xong và trìu mến ngồi ngắm mọi người thưởng thức bữa ăn của mẹ. Còn bà thì nữ tính nhất là lúc ngồi xem mẹ cháu biểu diễn, vì lúc ấy bà rất nền nã, chăm chú, khác hẳn bình thường vì bà thuộc "trường phái" mạnh mẽ, ăn sóng nói gió...

"Nữ quyền" thì sao?

Dù hết lòng hy sinh cho chồng con và vun vén cho gia đình nhưng một mặt, bà cháu vẫn luôn giữ được tiếng nói quyết định trong gia đình (mẹ cháu tận giờ vẫn thỉnh thoảng đi hỏi ý kiến bà).

Còn nữ quyền của mẹ là mẹ luôn tự chủ cuộc đời của mẹ và được làm những điều mẹ thích. Cháu thì khác, cháu không hỏi bà, hỏi mẹ. Cháu chỉ hỏi chồng cháu, vì đấy là người cháu thấy dễ nói chuyện nhất. Cháu không cần nữ quyền, cháu chỉ cần cảm giác yên tâm.

Thiện Thanh – con gái Thanh Lam và Quốc Trung: “Bố lo cháu yêu hết mình… giống mẹ” - Ảnh 7.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.