Nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gồm: Trương Minh Khoa, Nguyễn Phan Điền, Lý Trần Quốc Huy, Nguyễn Minh Trí, Cao Quỳnh Mai đã đạt giải nhì trong cuộc thi “Maker to Entrepreneur 2022” được tổ chức bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Đồng thời, nghiên cứu cũng đạt được giải đồng từ cuộc thi “Giải thưởng Thiết kế, chế tạo, ứng dụng năm 2022” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức mới đây.
Nhóm tác giả và thiết bị đo nhịp tim, điện tâm nhỏ gọn đeo quanh ngực |
Mai Thụy |
Khoa chia sẻ: “Hiện các thiết bị đo điện tâm đồ sử dụng trong bệnh viện khá đắt tiền, cồng kềnh, phức tạp, cần có người vận hành và chỉ đo được trong thời gian ngắn nên không phát hiện được các trường hợp khởi phát đột ngột. Dù đã có loại máy đo điện tim mới cải thiện được các bất cập trên nhưng lại gây khó chịu cho người đeo khi sinh hoạt bình thường”.
Theo Khoa, thiết bị sẽ giúp cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân với máy theo dõi tốt hơn, cũng như cho phép người thân và bác sĩ có thể theo dõi trực tiếp từ xa. Dữ liệu đo được có thể đưa vào thẻ nhớ trong máy để đến khi bệnh nhân hẹn khám, bác sĩ chỉ cần lấy thông tin từ thẻ nhớ để theo dõi. Đồng thời, thiết bị có sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, dự đoán và đưa ra cảnh báo sớm các bất thường trong nhịp tim và điện tâm đồ. Với tính năng này, người thân sẽ nhận được cảnh báo nếu có bất thường xảy ra để xử lý kịp thời.
“Thiết bị kết hợp với một dây đeo quanh ngực áp vào da. Dây đeo có khả năng co giãn linh động và được thiết kế phù hợp cho các thiết bị theo dõi sức khỏe nhỏ gọn. Thiết bị được sẽ lắp vào 2 chốt giữ của dây đeo và cảm biến trên thiết bị sẽ thu nhận xung điện tâm đồ do tim tạo ra. Sau đó, dữ liệu sẽ được gửi đến một ứng dụng trên điện thoại thông minh để hiển thị cho người quan sát”, Minh Khoa chia sẻ.
Hiện tại dự án đang trong giai đoạn nguyên cứu và phát triển. Minh Khoa cho biết trong tương lai sẽ kết hợp với một cảm biến phát hiện bệnh nhân té ngã và bộ gateway (nút mạng) có tích hợp trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích điện tâm đồ thu được và so sánh với hình dạng điện tâm đồ mẫu học từ cơ sở dữ liệu đám mây, từ đó đưa ra kết luận về tình trạng hoạt động của tim là bình thường hay bất thường.
Tiến sĩ Lê Thanh Long, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thành viên giám khảo cuộc thi Giải thưởng Thiết kế, chế tạo, ứng dụng năm 2022, nhận xét: “Thiết bị đo nhịp tim, điện tâm đồ có các điện cực nhận tín hiệu nằm gần tim hơn so với loại cảm biến quang học nên luôn cho kết quả đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, dây đeo ngực luôn nằm cố định trên ngực, không bị lỏng lẻo khi vận động, giúp cho kết quả luôn ổn định và đồng nhất”.
Tiến sĩ cũng đánh giá thêm: “Nghiên cứu sẽ là trợ thủ đắc lực cho ngành y tế trong việc tập luyện, theo dõi sức khoẻ và xa hơn là giúp đội ngũ bác sĩ chẩn đoán các bệnh về tim mạch, sau đó đưa ra cách đề phòng và chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, thiết bị cần phải cải thiện độ chính xác của thiết bị đo và thử nghiệm với nhiều đối tượng khác nhau…”.
Bình luận (0)