Thiết kế game: linh hồn đang bị lãng quên

19/04/2014 09:09 GMT+7

Điều gì đã khiến các sản phẩm như Flappy bird, School cheater hay Freaking math dù được đầu tư không nhiều nhưng lại đạt thành công ngoài mong đợi? Đó chính là ý tưởng và thiết kế của game.

Cùng với sự bùng nổ của nhiều sản phẩm chất lượng tiếp ngay sau “cơn bão” Flappy bird như School cheater, Freaking math hay Chiến binh CS,..., có thể nói, chưa khi nào các studio sản xuất game Việt được đánh giá cao đến như vậy. Một số game thủ kỳ cựu cũng cho rằng, sản phẩm “cây nhà lá vườn” của các studio Việt Nam đang dần đạt đến chuẩn mực của quốc tế bởi trình độ kỹ thuật và đồ họa đều được thực hiện ở đẳng cấp thực sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.

Những tựa game như 7554, 2112 của Emobi Games, Chiến binh CS của Joy Entertainment hay một số sản phẩm lớn khác đều có chất lượng kỹ thuật và đồ họa rất tốt, nhưng trò chơi nổi bật nhất lại là các game nhỏ như Flappy bird, Freaking math, School cheater,... vốn đòi hỏi trình độ lập trình lẫn mỹ thuật không quá cao. Điều gì đã khiến các sản phẩm này dù được đầu tư không nhiều nhưng lại đạt thành công ngoài mong đợi?

Đó chính là ý tưởng và thiết kế của game.

Thiết kế game - linh hồn của sản phẩm

Thiết kế game: linh hồn đang bị lãng quên

Game Designer định hình trò chơi từ lúc mới bắt đầu (Ảnh: abbeygames)

Nếu nói những dòng code khô khan và hình ảnh đồ họa rực rỡ chính là phần thân xác của game thì thiết kế game chính là linh hồn cho sản phẩm. Ngay cả khi game đã được hoàn chỉnh về kỹ thuật và đồ họa mà không được đầu tư đúng đắn về thiết kế, nội dung thì thành công của sản phẩm vẫn khó được bảo đảm. Ngược lại, nếu thiết kế của game tìm được sự hài hòa và kích thích người chơi thì ngay cả những trò chơi đơn giản vẫn mang về những chiến tích đáng kể. Flappy birdFreaking math là những ví dụ điển hình cho điều này. Tại thị trường thế giới, Candy crush saga, Clash of clans, Hay day, Angry birds,... đều là những trò chơi không quá nặng nề về kỹ thuật hay đồ họa, nhưng đã và đang đặt ra những chuẩn mực mới về thiết kế cho giới làm game với những thành công rực rỡ.

Thiết kế game: linh hồn đang bị lãng quên

Rất nhiều yếu tố cần được cân nhắc và lồng ghép trong bản thiết kế game (Ảnh: comets.wisc.edu)

Tất nhiên, nói luôn dễ hơn làm. Ai chẳng biết nếu game có sáng tạo thì sẽ dễ thành công hơn. Điều tôi muốn nói ở đây là giới làm game Việt biết điều này, nhưng lại vẫn không mấy xem trọng những nhà thiết kế game.

Khi "linh hồn" chưa được xem trọng

Thiết kế game: linh hồn đang bị lãng quên

Dù vậy, các đóng góp của Game Designer vẫn chưa được đánh giá đúng (Ảnh: simpsonsparadox)

Có một thực tế đáng buồn là công việc thiết kế game ở nhiều studio Việt đang bị xem nhẹ, nếu đánh giá qua mức lương của nghề này so với lập trình viên và các họa sĩ game. Những nguồn tham khảo từ VNG, VTC Studio, Gameloft và một số studio nhỏ khác đều cho thấy lương khởi điểm của Game Designer thấp hơn so với Software Engineer hay 2D, 3D Artist cùng cấp. Tại một số studio, Game Designer kiêm thêm cả nhiệm vụ Test cho game, và đôi khi nhiệm vụ này còn được coi là... nhiệm vụ chính.

Bạn L.H, cựu game designer của một studio game có tiếng tại TP HCM cho biết: “Game designer vẫn chưa được xem trọng tại Việt Nam vì nhiều người vẫn còn giữ cách nghĩ rằng việc đó ai cũng làm được, nhiều lập trình viên cho rằng mình hoàn toàn có thể tự làm và còn làm tốt hơn”.

Thực trạng về cái nhìn đối với Game Designer vẫn chưa mấy tích cực cũng có thể hiểu được khi rất khó đánh giá chất lượng của một nhà thiết kế game khi tuyển dụng, bởi đây là công việc phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng tạo và kinh nghiệm. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh đào tạo và định hướng, Game Designer cũng khá thiệt thòi so với Software Engineer hay Artist. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có trường lớp đào tạo bài bản dành riêng cho nghề thiết kế game tại Việt Nam, còn các studio cũng không mặn mà lắm với việc cử nhân viên đi nước ngoài để được huấn luyện thêm về thiết kế.

Hướng đi nào cho tương lai

Thiết kế game: linh hồn đang bị lãng quên

Định hướng tương lai của Game Designer cũng không rõ ràng do pha trộn quá nhiều kỹ năng (Ảnh: videogameologists)

Khi đã chọn theo nghề thiết kế game, các Game Designer sẽ phải hấp thụ lượng kiến thức khổng lồ từ những quy tắc trong thiết kế, UX (User Experience - trải nghiệm người dùng), phân tích tâm lý, hành vi người chơi, phân tích dữ liệu từ log trò chơi, xây dựng thuật toán cho tính năng,... và phải liên tục cập nhật những trò chơi mới. Áp lực từ việc thiết kế của mình ảnh hưởng lớn đến thành bại của tính năng trong game khiến các Game Designer rất dễ Stress và mệt mỏi. Tuy nhiên, họ lại chính là những người hiểu rõ về game nhất. Chính vì vậy, nếu khẳng định được bản thân qua thành tựu của trò chơi, họ cũng là người có cơ hội thăng tiến thành Project Manager (Quản lý dự án) nhất. Trên thực tế, họ đã là người quyết định “hình dáng” của trò chơi ngay từ khi làm Game Designer rồi.

Còn với những Game Designer vẫn chưa tìm được thành công qua việc thiết kế trò chơi thì cũng không có gì đáng ngại nếu họ vẫn liên tục cập nhật kiến thức. Điều quan trọng là, họ có giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê hay không?

Và quan trọng hơn, đến khi nào các studio mới nhận ra được tầm quan trọng của họ và thiết kế game?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.