Thiết kế trang phục nên thơ, dữ dội trong phim kinh dị 'Last Night in Soho'

Thế Sang
Thế Sang
28/11/2021 14:30 GMT+7

Phim kinh dị Last Night in Soho (tạm dịch: Đêm trước ở Soho , Edgar Wright chỉ đạo) bên cạnh bối cảnh được thiết kế ấn tượng thì điểm sáng chói của phim còn nằm ở trang phục.

Màu sắc, thiết kế bối cảnh, diễn xuất của diễn viên, góc quay, trang điểm, làm tóc... là những điểm sáng giúp cho phim kinh dị Last Night in Soho "ghi điểm" với khán giả, nhất là với những ai chưa từng thưởng thức qua tác phẩm nào "lạ" như bộ phim lần này của Edgar Wright (chỉ đạo Shaun of the Dead - 2004, Baby Driver - 2017). Nhưng trang phục chói sáng hơn cả và đáng nói hơn khi bàn về bộ phim Last Night in Soho. Nhà thiết kế trang phục người Anh Odile Dicks-Mireaux đã hợp tác với Edgar Wright để tạo nên những bộ cánh "biết nói" trong phim.

Chiếc đầm được làm từ giấy báo xuất hiện đầu phim

UNIVERSAL

Phim lấy 2 bối cảnh song song ở Anh thời hiện đại với thập niên 1960. Cô gái Eloise (Thomasin McKenzie đóng) chuyển đến London để theo đuổi giấc mơ thời trang, tìm thuê căn phòng của một bà lão do Diana Rigg đóng. Hằng đêm, Eloise bị cuốn vào nững giấc mơ kỳ lạ, mơ thấy mình trở về thập niên 1960 và tận mắt chứng kiến hành trình đổi đời của nữ ca sĩ Alexandra Collins (Anya Taylor-Joy hóa thân). Thế nhưng những giấc mơ ngày càng đẫm máu và đến một ngày, Eloise phát hiện ra bí mật khủng khiếp và phải trả giá bằng cả tính mạng. Với 2 tuyến truyện chồng chéo nhau như thế, trang phục trong phim, với Odile Dicks-Mireaux, như một cuộc chơi liên tục khi nhân vật không ngừng "xuyên không" và chứng kiến thân phận của nhau.

Vì là phim lấy cảm hứng cổ điển nên trang phục của tác phẩm mang tinh thần đó, nhưng khổ nỗi Odile Dicks-Mireaux lại không xem phim kinh dị bao giờ. Do đó, Edgar Wright đã phải đưa cô một danh sách hàng loạt phim thập niên 1960, 1970 để nhà thiết kế này mường tượng về tinh thần của tác phẩm. Chia sẻ trên Vogue đầu tháng này: "Tôi đã xem phim Darling năm 1965 có nữ diễn viên Julie Christie, phim Beat Girl năm 1960 và những bộ phim thập niên 1970 mà tôi chưa bao giờ xem trước đó vì tôi chưa từng xem phim kinh dị".

Chiếc áo khoác trắng chất liệu nhựa mà Alexandra Collins mặc trong bối cảnh thập niên 1960 (ảnh trước) và Eloise mặc ở bối cảnh hiện tại

universal

Julie Christie mặc áo khoác trong phim Darling

Embassy Pictures

Đơn cử như chiếc đầm bằng giấy báo mà nhân vật Eloise của Thomasin McKenzie mặc đầu phim, nhà thiết kế cho biết cô tham khảo nhiều trang phục của thập niên 1950 và xem qua nhiều bức ảnh của nữ người mẫu Jean Shrimpton để tìm cảm hứng sáng tạo. Cô cho biết bản thân và ê-kíp bắt tay thực hiện trang phục này sớm và tạo hình chiếc đầm sao cho thoáng nhất có thể để nữ diễn viên dễ dàng di chuyển. Nhưng khi Eloise mơ những giấc mơ xuyên không và vô tình gặp được Alexandra Collins, trang phục Eloise mặc trở nên cầu kỳ, cá tính và kéo dài xuyên suốt (chiếc đầm bằng giấy báo chỉ xuất hiện trong thời khắc ngắn ngủi).

Như chiếc áo khoác trắng bằng nhựa vinyl mà Alexandra Collins mặc thập niên 1960 và được Eloise mặc ở thời điểm hiện tại. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ chiếc áo khoác của nữ diễn viên Julie Christie trong phim Darling. Ban đầu, nhà thiết kế dự định làm trang phục này màu đen, nhưng sau khi xem qua phim Darling, cô đổi ý và chuyển thành màu trắng, theo New York Post ngày 29.10. Mặc dù trang phục đen đã xong nhưng khi đổi lại màu trắng, nhà thiết kế khiến mọi người trong ê-kíp trầm trồ vì trang phục thích hợp với cả 2 nhân vật ở 2 thời điểm.

Mái tóc của nữ diễn viên Anya Taylor-Joy được lấy cảm hứng từ mái tóc của nữ nghệ sĩ Pháp Brigitte Bardot (ảnh sau)

universal

Nữ diễn viên Anya Taylor-Joy mặc đầm xòe chất liệu voan màu quả đào

universal

Nữ diễn viên Anya Taylor-Joy - "nàng thơ" phim kinh dị (The Witch - 2015, Split - 2016) - được đạo diễn Edgar Wright để mắt đến qua tác phẩm The Witch và trở thành "nàng thơ" của ông trong phim, đã vận lên người nhiều trang phục nổi bật. Ngoài áo khoác trắng thì còn có chiếc đầm xòe chất liệu voan màu đào như dành riêng cho Anya Taylor-Joy. Trong phim, những phân cảnh cô mặc chiếc đầm này lướt đi trên cầu thang trông nên thơ. Hay có một phân cảnh, cô nhảy điên cuồng trên nền nhạc Land of 1000 Dances thập niên 1960 của nhóm The Walker Brothers đầy hoang dã và gợi cảm.

Kiểu tóc của Anya Taylor-Joy được lấy cảm hứng từ tóc của biểu tượng nhan sắc Brigitte Bardot và kiểu này được nữ nghệ sĩ để suốt phim. Brigitte Bardot rất hay tạo hình dáng tóc theo kiểu đánh bồng nửa đầu (the half-up bouffant), tôn chiều cao cho phần sau của tóc và tạo vẻ hơi rối, trông thu hút và có chút nổi loạn, và điều này đã được Anya Taylor-Joy thể hiện trong phim.

Những biểu tượng điện ảnh và trang phục giản dị

Có 3 biểu tượng của phim ảnh thập niên 1960, 1970 xuất hiện trong phim và vai diễn của họ, tuy không được dành nhiều đất như của 2 nữ diễn viên chính nhưng vẫn để lại ấn tượng đó là Diana Rigg, Terence Stamp và Rita Tushingham.

Với Diana Rigg, Odile Dicks-Mireaux định để bà trông thật lộng lẫy trong mỗi cảnh quay nhưng nữ nghệ sĩ chỉ nói: "Tôi muốn cảm thấy thật thoải mái". "Do đó, điều duy nhất được tô điểm cho nhân vật của bà ấy đó chính là son môi" - Odile Dicks-Mireaux chia sẻ trên Vogue.

Ngôi sao quá cố Diana Rigg chỉ muốn bản thân cảm thấy thoải mái trên phim trường, không mặc trang phục sặc sỡ, cầu kỳ

universal

Nam diễn viên Terence Stamp trong phim

universal

Còn nam nghệ sĩ Terence Stamp thì đơn giản không kém, ông cho phép Odile Dicks-Mireaux sử dụng chính quần áo của mình sưu tập được để diện cho nhân vật của ông trên phim. Thậm chí ê-kíp còn sử dụng lại một kiểu áo khoác của ông cho nam diễn viên Matt Smith trong tác phẩm. Cô thốt lên trên New York Post: "Điều đó thật sự thú vị".

Tác phẩm Last Night in Soho được lòng giới phê bình hàn lâm và khán giả đại chúng, được chấm 75% trên Rotten Tomatoes. Đây là bộ phim thứ 8 mà Edgar Wright làm đạo diễn, đánh dấu lần cuối cùng Diana Rigg xuất hiện trên màn bạc vì bà qua đời năm 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.