Thiếu đồng bộ

28/06/2012 03:35 GMT+7

Dù không có một công bố chính thức nào từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng cuối cùng số phận của tiền xu cũng đã được định đoạt. Khi người sử dụng từ chối, thị trường không chấp nhận, tiền xu đã biến mất dần trong các giao dịch thường ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bất tiện của tiền xu nhưng nổi cộm lên chính là sự thiếu đồng bộ của cơ quan quản lý. Chúng ta đều biết, một trong những mục tiêu chính của NHNN khi phát hành tiền xu là tạo tiền đề cho phát triển các hình thức thanh toán tự động. Nhưng thay vì tiến hành song song việc xây dựng hệ thống thanh toán tự động thì cho tới thời điểm hiện nay, khi tiền kim loại đã được phát hành gần chục năm, hệ thống thanh toán tự động về cơ bản vẫn không có. Ngược lại, việc sử dụng đồng tiền này ngày càng bất tiện do lạm phát cao; chất lượng, hình thức xấu...

Từ chuyện tiền xu, một lần nữa cho thấy căn bệnh thiếu đồng bộ đã trở thành mãn tính, xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ trong mọi lĩnh vực từ đầu tư, phát triển cho tới ban hành cơ chế, chính sách. Đó là chuyện bỏ ra hàng trăm tỉ đồng xây cầu nhưng thiếu đường dẫn khiến cầu xây xong chỉ để người dân chạy thể dục buổi sáng, hay chỉ để "ngắm". Xây dựng đường giao thông thường không được đồng bộ cả mặt đường, vỉa hè, đường ống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin, trồng cây xanh... Nên đường vừa xây xong lại bị đào lên để làm đường ống cấp nước hoặc đường dây điện... là chuyện phổ biến trên các tuyến đường trong đô thị.

Tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ gây ra nhiều hệ lụy, làm suy giảm nguồn lực tài chính, vốn còn rất eo hẹp của chúng ta. Không chỉ gây lãng phí lớn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát cũng như làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.