Thiếu hụt ngân sách, dân 'chịu trận'?

15/08/2020 08:28 GMT+7

Xét đề xuất thu giá thoát nước của Sở Xây dựng TP.HCM, về mục tiêu không có gì sai.

Tuy nhiên, lý do khiến người dân bức xúc, phản đối chính sách của TP là tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt từ lâu đã được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco “cộng” vào giá nước hằng tháng, rồi “bổ đầu” đến hàng triệu hộ gia đình để “bù” cho chi phí sản xuất nước sạch sinh hoạt, khiến giá nước luôn tăng đều hằng năm.
Chưa kể số tiền ngân sách thu được từ 10% phí bảo vệ môi trường có bao nhiêu phần trăm là được sử dụng đúng mục đích, bao nhiêu phần trăm sử dụng vào việc khác, không người dân nào được biết.
Chỉ biết, đến khi sông, kênh, rạch ô nhiễm nặng nề, các dự án xử lý nước thải nằm trên giấy mãi không thể triển khai, TP hết tiền, cần huy động nguồn lực trong dân. Doanh nghiệp còn được kêu gọi bằng những chính sách khuyến khích, ưu đãi, trong khi người dân thì cứ quy hết sang giá, phí rồi bổ đầu từng hộ.
Tương tự, trước khi gửi tờ trình xin ban hành giá dịch vụ thoát nước, cũng chính Sở Xây dựng đã nghiên cứu phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông. Mức giá được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng. Nguyên nhân TP phải đưa ra giá chống ngập cũng là do ngân sách TP không đủ để thực hiện các dự án hạ tầng có trong quy hoạch, phải liên tục giật gấu vá vai, làm theo kiểu ngập đâu chống đấy nên cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa.
Khi đó, một số chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng từ doanh nghiệp đến người dân, gây ngập bao nhiêu phải đóng tiền bấy nhiêu. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của dư luận, bởi tại TP.HCM, nguyên nhân chính gây ngập là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, nhà cao tầng bạ đâu “cắm” đấy, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng.
Mặt khác, việc các dự án được “cắm” vô tội vạ, bê tông hóa toàn TP gây ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng. Tất nhiên không thể thiếu lỗi xả rác bừa bãi từ người dân thiếu ý thức, song quy hết trách nhiệm lại cho người dân là không thỏa đáng.
Thực tế, không phải chỉ đến khi thiếu hụt nguồn thu, ngân sách nhà nước mới tìm đến sự hỗ trợ của người dân. Điển hình, điện và xăng là 2 vấn đề luôn gây bức xúc. Nhà nước ban hành giá điện, giá xăng là đã tính cả vốn và lãi định mức. Nghĩa là người dân mua xăng, trả tiền điện không chỉ để mua về dịch vụ cho mình sử dụng mà còn góp phần giúp nhà nước “nuôi” những “đứa con” luôn mạnh khỏe. Trong cấu thành giá xăng, giá điện thì bao gồm cả danh sách đủ các loại chi phí mà chính người dân cũng không hiểu nổi mình đang phải trả tiền cho những thứ gì. Thế nhưng, chỉ cần thị trường biến động nhỏ là các doanh nghiệp này lại cuống cuồng viện mọi lý do để tăng giá, “bổ” lên đầu người tiêu dùng.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, khẳng định bất cứ một loại thuế, phí tăng thêm nào cũng phải tuân thủ theo pháp luật và phải được Quốc hội thông qua, dựa trên những khảo sát phù hợp với đời sống của người dân. Tăng giá, thêm phí sẽ làm tăng chi phí xã hội, thu nhập thực tế giảm sút, đời sống người dân giảm sút.
“Vẫn biết kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, ngân sách thiếu hụt nhưng các tỉnh, thành và T.Ư phải tự tìm cách giải quyết. Trước hết là cắt giảm chi phí, cân đối thu chi, sau có thể vay để bù vào. Không thể chỉ thiếu tiền mà nâng giá, tăng phí, để người dân chịu trận”, vị này nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.