Phải đào tạo lại
Đại diện hơn 20 trường ĐH cùng các doanh nghiệp đã có cuộc tranh luận sôi nổi về khâu đào tạo và tuyển dụng nhân lực ngành tài chính - kế toán tại diễn đàn vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Nhận xét về nhân lực ngành tài chính - kế toán, ông Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, cho biết: hiện doanh nghiệp của ông có 100% nhân viên tốt nghiệp từ ĐH trở lên, trong đó có tới 43% là thạc sĩ trở lên và có thể sẽ phổ cập trình độ này trong vài năm tới. Tuy nhiên, năng lực chuyên môn của họ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới do thiếu kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực kế toán hợp nhất tập đoàn tài chính, kế toán quản trị và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế... Ông Anh nhấn mạnh, điều mà doanh nghiệp cần không phải là trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ mà là chứng chỉ hành nghề, khả năng làm việc thực tế bởi sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH trong nước đều rất thiếu kỹ năng thực hành. “Tôi biết các em được trang bị rất nhiều kiến thức nhưng quá nặng về kiến thức hàn lâm và yếu về kỹ năng chuyên môn nên đến khi ra trường không vận dụng được. Đặc biệt hầu hết các em đều hổng về kỹ năng mềm”, ông Quang Anh nói.
Đáng lưu ý là hiện nay trong trường ĐH còn đào tạo thiếu một mảng kiến thức quan trọng, đó là các kiến thức về thông lệ quốc tế, về lập và phân tích báo cáo tài chính nên khi doanh nghiệp cần thì sinh viên lại không đáp ứng được. Bà Bùi Thu Trang - Giám đốc Tài chính và hành chính Tập đoàn Comin tại Việt Nam, cũng cho biết: là một tập đoàn có vốn đầu tư 100% của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, khi tuyển dụng, tập đoàn không yêu cầu về kiến thức hàn lâm, học thuật mà cần những người có kỹ năng làm việc nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam còn thiếu nhiều kiến thức về các chuẩn mực quốc tế nên hầu hết đều phải đào tạo lại.
Lỗi tại ai?
Đứng từ phía các trường, ông Đặng Văn Thanh - Trưởng khoa Kế toán trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, "đổ lỗi": hiện có 70% - 80% sinh viên của trường ra thực tập tại các doanh nghiệp đã không được tiếp nhận. Có nơi sinh viên chỉ đến để rót nước, lau dọn... Sinh viên hầu như không được hướng dẫn đầy đủ các kiến thức thực tế từ doanh nghiệp, nhất là không thể xin được bất kỳ số liệu nào từ họ. Ông Thanh cho rằng doanh nghiệp là người sử dụng lao động, cần có trách nhiệm xã hội trong việc tham gia đào tạo sinh viên. Ông Đặng Đức Sơn - Phó chủ nhiệm khoa Tài chính - Ngân hàng trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), còn đề nghị: doanh nghiệp cần tham gia đào tạo cùng nhà trường để nâng cao kiến thức thực tế cho các em.
Tuy nhiên, bà Bùi Thu Trang lại nhận xét do nhà trường xây dựng chương trình đào tạo chưa hợp lý, với tổng số 135 tín chỉ mà sinh viên ngành tài chính - kế toán phải học thì chỉ có 39 tín chỉ đào tạo chuyên ngành. Như vậy trong khoảng 4 năm học, sinh viên chỉ có khoảng 1 năm học chuyên ngành thì không thể đủ lượng kiến thức cần thiết để làm việc. Bà Trang cũng thẳng thắn nêu một thực tế: với cùng một môn học nhưng yêu cầu về mức độ chuyên sâu của một tổ chức quốc tế đào tạo nghề kế toán - kiểm toán còn cao hơn trình độ thạc sĩ của một trường ĐH hàng đầu đào tạo về kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Ông Quang Anh thì khẳng định: "Kinh phí thực tập cũng không cần ai phải chi trả, bởi đây là việc đôi bên cùng có lợi - sinh viên được học việc, còn doanh nghiệp lại có thêm người giúp việc".
Vũ Thơ
Bình luận (0)