Thiếu nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn

Thu Hằng
Thu Hằng
19/12/2024 06:03 GMT+7

Thiếu và không có nhà ở công vụ cho cán bộ, giáo viên, những nơi có thì cũng xuống cấp trầm trọng, chưa được cải tạo, nâng cấp... do trong quy hoạch xây dựng trường, lớp chưa bố trí quỹ đất và chưa có chính sách xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Đây là một trong những khó khăn được cán bộ, giáo viên (GV) đang công tác tại vùng sâu, vùng xa nêu lên tại hội thảo khoa học "Chế độ, chính sách đối với GV vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn" do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức ngày 18.12.

CHƯA ĐẢM BẢO "AN CƯ" CHO GV

Chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện chính sách đối với GV vùng cao, cô giáo Trịnh Thị Sen, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT H.Hoàng Su Phì (Hà Giang), cho hay bên cạnh thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy thì điều kiện sinh hoạt của GV vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Thiếu nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn- Ảnh 1.

Nhà công vụ ghép gỗ, nền xi măng của giáo viên vùng cao Cao Bằng

ẢNH: ĐÀI TRANG

Theo cô Sen, trong những năm qua, tình trạng "chảy máu" GV diễn ra ở nhiều huyện vùng cao của Hà Giang. Việc giữ chân thầy cô trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì điều kiện sinh hoạt, đi lại ở các huyện miền núi rất vất vả. Hầu hết các trường học ở Hà Giang đều có GV là người vùng xuôi hoặc sinh sống tại nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh. Nhiều GV phải sống xa gia đình gây khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Năm học 2023 - 2024, tỉnh Hà Giang có hơn 120 GV xin chuyển công tác về các tỉnh khác, khiến tình trạng thiếu GV của tỉnh càng trở nên cấp thiết và nan giải hơn.

"Vấn đề an cư lạc nghiệp đối với GV vùng cao Hà Giang chưa được đảm bảo. Nhiều GV dạy ở các điểm trường, các trường xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đang phải ở nhà thuê hoặc ở nhà tập thể của trường. Tuy nhiên, việc thuê trọ ngoài cũng không hề dễ dàng do phòng trọ thường ở xa trường học. Tiền thuê nhà cộng với các khoản chi phí sinh hoạt cao khiến cuộc sống của nhiều GV rất khó khăn", cô Sen phản ánh.

GẦM GIƯỜNG LÀ NƠI... AN TOÀN NHẤT

Mặc dù nhà nước đã có một số chế độ đãi ngộ đặc thù cho GV vùng khó khăn, song thầy Đinh Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mai Long, H.Nguyên Bình (Cao Bằng), cho biết nhiều thầy cô cắm bản phải xa gia đình, người thân đến công tác ở vùng cao "3 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại", đặc biệt có những nơi "4 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt".

Tại trường chính và các điểm trường thường xuyên chịu ảnh hưởng của giông lốc vào mùa hè, gió lạnh buốt mỗi mùa đông, suốt mấy tháng chìm trong sương mù dày đặc. Nơi ở của các thầy cô là những căn phòng ghép gỗ, nền đất, lợp fibro xi măng, ẩm thấp được phụ huynh học sinh và GV dựng lên ở tạm, nhưng rồi lại thành ở thường xuyên và lâu dài.

"Trong những ngày mưa gió, thầy cô sinh hoạt tại nhà công vụ (nhà dựng tạm) chỉ lo gió to tốc mái, chẳng ai bảo ai, các thầy cô tự "lánh tạm xuống gầm giường", nơi an toàn nhất trong những căn phòng công vụ làm bằng gỗ, tre... và được quây xung quanh bằng những tấm bạt để ngăn gió lùa. Nhưng thầy cô vẫn gắn bó với nơi đây, không chỉ vì đam mê nghề nghiệp mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, dù cuộc sống cá nhân phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả những đêm thấp thỏm lo sợ mưa giông, gió lốc", thầy Huấn bày tỏ.

Thiếu nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn- Ảnh 2.

Nhà công vụ của giáo viên vùng khó khăn Cao Bằng

ẢNH: ĐÀI TRANG

ĐAU LÒNG KHI THĂM NHÀ CÔNG VỤ CỦA GV

Kể về những chuyến công tác tới thăm thầy cô vùng sâu vùng xa, bà Thái Thị Mai, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Sơn La, cho biết đã nghẹn ngào khi chứng kiến những căn phòng công vụ tạm bợ, tồi tàn, rét mướt và nhiều hiểm nguy. Bà Mai chia sẻ: "Có lẽ với những ai đến điểm trường Bản Huổi Do - Bản Phé, Trường mầm non Chiềng Nơi, H.Mai Sơn, mới biết được cuộc sống, sinh hoạt của các thầy cô như thế nào. Họ phải sống trong những căn phòng công vụ tạm bợ khoảng 9 m2. Tuy nhiên, sau mấy mùa mưa bão, nhà công vụ của trường đã bị hư hỏng nặng, không còn đảm bảo an toàn cho GV, nhưng nếu không đưa vào sử dụng thì GV không biết phải ở đâu".

Theo bà Thái Thị Mai, tại xã Háng Đồng, H.Bắc Yên, 3 - 4 GV trường mầm non phải tá túc trong một căn phòng diện tích khoảng 15 m2 hết sức tạm bợ. Nhiều GV nhà cách xa trường từ 40 - 50 km nhưng không có phòng để ở, đành chắt bóp từ khoản tiền lương ít ỏi để thuê nhà dân giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tháng… Mặc dù nhiều năm nay nhà trường đã có kiến nghị và đề xuất với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ghi nhận và đồng cảm với những khó khăn của GV vùng cao, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ: "Chúng tôi cũng đã đi giám sát, tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, đến nhiều cơ sở giáo dục, đến nhiều nhà công vụ của các thầy các cô đặt cạnh nhà bán trú cho học sinh. Có thể các nhà đầu tư dựng nhà ở cho học sinh dù còn khó khăn nhưng vẫn có phòng ốc, cửa kín, giường ngủ… còn khi sang nhà ở của các thầy cô đúng là hình ảnh đối nghịch. Các thầy các cô không phàn nàn nhưng hình ảnh đó quá đau lòng. Chính sách cho nhà giáo đã tính, đang tính và sắp tính là câu chuyện lâu dài".

Thiếu nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn- Ảnh 3.

Nhà công vụ của giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang)

ẢNH: ĐÀI TRANG


CẦN BAN HÀNH CHÍNH SÁCH TỔNG THỂ

Để giải bài toán khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chế độ chính sách cho GV vùng cao, cô Trịnh Thị Sen cho rằng "an cư lạc nghiệp" có thể coi là giải pháp để giữ chân GV gắn bó với giáo dục, góp phần vào sự phát triển toàn diện, hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của nền giáo dục. Sự cống hiến của các GV vùng cao không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người ở vùng biên giới đầy gian khó này.

"Chúng tôi chỉ mong được Đảng, Nhà nước và các cấp quan tâm hơn nữa đối với những chính sách cho GV ở vùng cao như: cần có cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với những GV công tác lâu năm (15 năm trở lên) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cạnh đó, có phương án đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất như phòng học bộ môn, nhà công vụ dành cho GV, nhà ở bán trú, nội trú cho học sinh…", cô Sen bộc bạch.

Thầy Đinh Văn Huấn cũng đề nghị trong quy hoạch trường, lớp tại các trường, điểm trường cần quan tâm dành quỹ đất, nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho GV; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn, biên giới để nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng khó khăn mong muốn sớm có phương án, chính sách luân chuyển cán bộ hợp lý, minh bạch và công bằng để tạo điều kiện cho cán bộ, GV khi đủ thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nguyện vọng được về công tác tại các khu vực thuận lợi hơn.

Bà Thái Thị Mai đề nghị Tổng LĐLĐ VN kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách tổng thể hỗ trợ làm nhà công vụ cho đội ngũ GV để họ yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp trồng người, vì sự phát triển bình đẳng của con em các dân tộc.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu cho biết tổ chức công đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Mới chỉ có hơn 50.000 căn nhà công vụ cho GV

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết theo báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước đã đầu tư xây dựng khoảng hơn 50.000 căn nhà ở công vụ cho GV, giúp GV ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, cống hiến tại những khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng nhiều nhà công vụ cấp 4 xây từ 10 - 15 năm đã xuống cấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.