Khan hiếm quà tặng độc lạ
Anh Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty du lịch VYC, nói: “Mặt hàng quà lưu niệm ở TP.HCM tuy có nhưng chưa phong phú, chất lượng chưa cao, đặc biệt là chưa có sản phẩm thực sự mang nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này”. Anh cho rằng sản phẩm thường được khách hàng tìm hiểu để đặt mua chủ yếu là đồ sơn mài, nhưng chất lượng cũng vô chừng và chưa mang sắc thái riêng của Sài Gòn.
Anh Lâm Minh Tâm, người có thâm niên trong ngành hướng dẫn du khách ngoại cũng cho biết: “Khi dẫn đoàn, nếu là khách châu Âu, họ thích tìm mua tranh sơn mài. Còn với khách châu Á, họ thường hứng thú với trà và cà phê hoặc đồ gia vị như tiêu hơn quà lưu niệm”.
Đại diện một công ty du lịch có tiếng của VN cũng nói thêm rằng quà lưu niệm của nơi nào phải mang tính đặc trưng của vùng đất đó, và phải có sự sáng tạo, có giá trị nhất định.
Có mẫu thiết kế nhưng hạn chế đủ điều
Cuộc thi thiết kế chủ đề Sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của TP.HCM do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức 2 năm/lần đã nói lên được sự cấp thiết trong việc tìm kiếm mẫu quà tặng mang dấu ấn đối với du khách.
Ở cuộc thi năm 2015, ban tổ chức đã chọn được 8 sản phẩm đặc sắc nhất gồm: bộ sản phẩm Sài Gòn trong tôi, Một thoáng Sài Gòn (Công ty CP mỹ thuật Gia Long), Sài Gòn trong trái tim tôi (Công ty may mặc Hoàng Hà), cùng 5 giải khuyến khích. Trong số những giải khuyến khích này có quyển sách popup (một dạng của tranh 3D thực) Sài Gòn phố của nhóm sinh viên Khoa Mỹ thuật công nghiệp - ĐH Văn Lang. Cuốn sách gồm 10 công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn được thiết kế theo thể loại popup: hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, cầu Mống, cầu Bình Lợi... Những địa danh này đều được miêu tả bằng 2 ngôn ngữ Anh - Việt, đi theo đó là địa chỉ để du khách, độc giả có thể tự khám phá. Phạm Thị Bích Thảo, đại diện dự án, cho biết sách sẽ được ra mắt vào tháng 1.2017.
Riêng 3 sản phẩm đoạt giải cao của cuộc thi, vì đều thuộc về các doanh nghiệp nên đã được đưa vào sản xuất. Trong đó, theo thông tin từ Công ty CP mỹ thuật Gia Long, bộ sản phẩm Sài Gòn trong tôi nhận được sự quan tâm, yêu thích của người tiêu dùng lẫn du khách. Bộ sản phẩm này (khung tranh trang trí, hộp đựng danh thiếp, tấm lót ly, bộ mô hình xe máy...) sử dụng những hình ảnh mang tính hoài cổ, quen thuộc với những ai từng sống với Sài Gòn khoảng thập niên 1960 - 1970. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty CP mỹ thuật Gia Long: “Nếu thị trường có hệ thống phân phối chuyên nghiệp, kết hợp với các đơn vị sản xuất, thì sẽ tốt hơn. Bởi chúng tôi dù có năng lực thiết kế, sản xuất, nhưng cùng lúc không thể làm quá nhiều thứ, nên hiện chỉ triển khai sản xuất cầm chừng”. Còn bộ sản phẩm Sài Gòn trong trái tim tôi gồm những hình ảnh đặc trưng Sài Gòn được in trên áo, túi, khăn bàn...
Làm sao để phổ biến ?
“Vấn đề là cần có sự hỗ trợ cụ thể và thiết thực từ phía TP, để các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư nhà xưởng hay cửa hàng trưng bày. Khi đó, mới có sự cạnh tranh trong sáng tạo ý tưởng thiết kế, rồi mới tính đến chuyện xây dựng và đẩy mạnh thương hiệu quà tặng đặc trưng Sài Gòn. Có như vậy, chúng ta mới tự tin để giới thiệu du khách về những món quà mà ai mang theo cũng sẽ luôn nhớ về Sài Gòn khi nhìn đến”, anh Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, bày tỏ.
Kết thúc mỗi cuộc thi thiết kế Sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của TP.HCM, ban tổ chức luôn mong muốn sớm đưa những sản phẩm quà tặng này đến với thị trường. Đây không chỉ là mặt hàng lưu niệm, mà còn có thể là món quà có ý nghĩa với các đối tác và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: “Việc đưa vào sản xuất, triển khai giới thiệu để các giải thưởng thành sản phẩm, đi vào cuộc sống, cung ứng cho thị trường quà tặng mang dấu ấn Sài Gòn... cần có sự bắt tay của Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM. Chúng tôi mong muốn các ngành liên quan có sự kết nối để mùa giải sau, những giải thưởng phải trở thành sản phẩm phổ biến”.
Biểu tượng Sài Gòn là những công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử, văn hóa
“Có lẽ ký ức của người Sài Gòn và người đến Sài Gòn nhiều nhất là về những công trình và cảnh quan khu trung tâm thành phố. Điều này còn được chứng minh qua một số nghiên cứu để trả lời câu hỏi: “Nơi nào, công trình nào ông/bà nhớ nhất khi nhắc đến Sài Gòn?”, thì hầu hết đều nói đến những địa điểm, công trình như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, dinh Thống Nhất, Nhà hát TP.HCM, chợ Bến Thành... rồi đường Nguyễn Huệ, tòa nhà UBND TP.HCM hay khách sạn Rex, Continental... Nói chung đó là những công trình kiến trúc tiêu biểu mang giá trị lịch sử và văn hóa của đô thị Sài Gòn. Vì vậy biểu tượng của Sài Gòn cũng cần phản ánh được một hoặc những đặc điểm này. Biểu tượng của một thành phố mang tính văn hóa nên những công trình kiến trúc nói trên được chọn cũng phù hợp.
Tuy nhiên, tôi rất mong muốn thành phố có biểu tượng về một yếu tố thiên nhiên đặc trưng của Sài Gòn và Nam bộ. Đó là “sông nước”: Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về, cùng với tích chuyện xưa Thủ Hoằng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định - Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ... Trong tôi, đất Sài Gòn cởi mở, phóng khoáng hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển và người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa.
Tôi cho rằng biểu tượng của một thành phố cần tiêu biểu nhưng dễ nhớ, có khi giản dị thôi và phải mang giá trị lâu dài, là nguồn cảm hứng để sáng tác thành những hình thức nghệ thuật khác nhau”.
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM
|
Bình luận (0)