Bên cạnh ngư trường cạn kiệt, biến động nguyên liệu xăng dầu tăng cao thì nguồn lao động đi biển, đặc biệt là lao động lành nghề, lao động làm việc được trên tàu là một bài toán khó khiến nhiều chủ tàu ngậm ngùi neo bờ, hoạt động cầm chừng.
Nguồn lao động đi biển ngày càng khó khăn |
XUÂN LAM |
Tàu đậu bờ, chủ bỏ nghề vì không có nguồn lao động
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá (Kiên Giang), đồng thời là chủ 6 tàu cá, cho biết: 2 năm gần đây, Kiên Giang rất khó khăn tìm lao động đi biển. Nguyên nhân là ngư trường cạn kiệt, chi phí mỗi chuyến ra biển tăng cao, đánh bắt không hiệu quả dẫn đến thu nhập của ngư phủ, bạn thuyền không còn cao như trước đây. Đánh bắt không hiệu quả thì ngư phủ chỉ được lương cơ bản khoảng 250.000 đồng/ngày, bằng với thu nhập khi lao động trên bờ nên nhiều ngư phủ không còn mặn mà với nghề đi biển, khiến nhiều chủ tàu lao đao tìm lao động đi biển.
“Không tìm được nguồn lao động nên gần như xuất hành chuyến biển luôn bị chậm trễ so với dự tính. Rất nhiều chủ tàu đã bỏ nghề. Chúng tôi rất mong nhà nước có cơ chế như thế nào để chúng tôi bám trụ được với nghề, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động đi biển”, ông Ngữ ngậm ngùi.
Ông Hồ Văn Bảnh, chủ 6 tàu cá ở H.Châu Thành (Kiên Giang), đã cho 4 tàu nằm bờ vì đánh bắt không hiệu quả và không có lao động đi biển. Ông Bảnh cho biết nguồn hải sản cạn kiệt, sản phẩm vào bờ thì mất giá. Vừa qua, 6 tàu cá ra khơi gần 3 tháng về bị lỗ mấy tỉ đồng nên đậu tàu tại nhà mấy tháng nay. “Không chỉ riêng tôi đâu, ở Kiên Giang hiện nay ghe đậu khoảng 60 - 70% rồi, không đi được vì đi là lỗ, ngư trường bây giờ đâu có cá nhiều như trước. Còn lực lượng lao động đi biển hiện giờ không đơn giản, kiếm người bây giờ không đơn giản đâu”, ông Bảnh than thở.
Rủi ro từ “lính dịch vụ”
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 9.800 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên; trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đánh bắt xa bờ là 3.885 tàu. Nếu tính bình quân mỗi tàu cần khoảng 10 - 20 lao động thì Kiên Giang cần từ 100.000 - 200.000 lao động đi biển. Nhu cầu lao động trên biển rất lớn, nhưng những năm gần đây do đánh bắt không hiệu quả nên lao động không mặn mà đi làm nghề biển mà dần chuyển sang các công việc khác trên bờ, khiến chủ tàu rất khó khăn trong việc đi tìm lao động. Từ đó, xuất hiện nhiều dịch vụ cung ứng lao động, người dân quen gọi là “cò” lao động.
Tàu cá của ông Hồ Văn Bảnh (Kiên Giang) neo bờ nhiều tháng nay |
XUÂN LAM |
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang, khi chủ tàu cần thì các dịch vụ này vẫn có khả năng cung ứng đủ số lượng, nhưng phần lớn nguồn lao động này không làm được việc trên biển hoặc làm việc không hiệu quả. “Các dịch vụ cung ứng lao động gom nguồn lao động chủ yếu ở các tỉnh miền núi, không phải là lao động ở vùng ven biển. Vì vậy, khi đi biển, lực lượng này không chịu được sóng gió, không làm việc được. Điện thoại là có nguồn lao động ngay, nhưng lao động đó có làm được việc hay không, có phù hợp hay không lại là một chuyện khác”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang thông tin thêm.
Mỗi lao động đi biển xuống tàu thì chủ tàu phải cho ứng tiền từ 20 - 25 triệu đồng. Do nhu cầu lao động lớn nên cũng có một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo chủ tàu để lấy tiền tạm ứng. Những đối tượng này không thông qua dịch vụ mà liên hệ việc làm trực tiếp với chủ tàu. Tàu chuẩn bị chạy thì tìm cách trốn, hoặc khi tàu đi cặp vào đảo nào thì nhóm này sẽ nhảy biển để tìm cách trốn về.
Cũng có nhiều trường hợp người lao động bị người môi giới lừa đi biển và chiếm dụng tiền tạm ứng. Anh Lê Thế Vân (ngụ Bến Tre), bị “cò” lao động lừa đi biển, cho biết: “Khi đi đến H.Gò Quao (Kiên Giang), tôi thấy có bảng tuyển lao động nuôi tôm, lựa ghẹ ở Rạch Giá, Rạch Sỏi nên liên hệ xin việc thì được một người thường gọi là “cò” Tửng hẹn đến bến xe buýt ở cảng cá Tắc Cậu (H.Châu Thành, Kiên Giang). Đến đây, có người chở tôi đến một căn nhà tiền chế trong hẻm chợ Bình An. Đây là nhóm “cò” dắt mối cho “cò” Tửng. Tôi đi chung với một người nữa ở Vĩnh Long, nhưng khi tàu đến Đồn biên phòng Tây Yên thì có người đến đón người này trốn mất. Khi xuống tàu mới biết có tiền tạm ứng thì “cò” Tửng với mấy “cò” kia lấy hết rồi...”.
Tranh giành lao động
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có 3.196 tàu cá, với hàng chục ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực này. Vấn đề thiếu lao động đi biển đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì tình trạng này trầm trọng hơn. Đa số lao động biển có kinh nghiệm, tay nghề đều đã lớn tuổi, còn thanh niên có sức khỏe thì những năm gần đây bỏ biển lên bờ rất nhiều.
Không thể tìm được lao động đi biển, nhiều chủ tàu cá tại Khánh Hòa buộc phải để tàu nằm bờ nhiều tháng qua. Muốn ra khơi, các chủ tàu còn phải tranh giành lao động với nhau.
Theo nhiều chủ tàu cá tại Khánh Hòa, nghề biển chỉ cần nghỉ vài tháng là tìm bạn thuyền rất khó khăn, bởi khoảng thời gian tàu nằm bờ thì các lao động đã tản đi khắp nơi làm nghề khác, hoặc có thể sang các tàu cá khác làm, thậm chí các tỉnh khác nếu họ thấy thu nhập tốt hơn. Vì thế, thời gian qua nhiều tàu cá nằm bờ do dịch bệnh, giá nhiên liệu bấp bênh, nay “đỏ mắt” cũng khó kiếm đủ lao động đi biển.
Có trong tay bằng thuyền trưởng, cùng với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, ông Cao Văn Cường (47 tuổi, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) được chủ tàu giao cho điều hành một chiếc tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Những năm về trước nguồn hải sản dồi dào, giá nhiên liệu chưa tăng, mỗi chuyến ra khơi ông được chủ tàu chia lại hàng chục triệu đồng, đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Thế nhưng mọi việc không như ông Cường mong đợi, những năm gần đây tình hình đi biển ngày càng khó khăn, những chuyến ra khơi dài ngày có nhiều lần thua lỗ. Trong khi đó, áp lực từ chi phí sinh hoạt gia đình ngày càng đè nặng khiến ông phải bỏ nghề mà ông từng nghĩ sẽ gắn bó với mình cả cuộc đời.
“Thực sự bỏ nghề biển thì bản thân cũng thấy xót lắm, bởi từ nhỏ tới giờ tôi đã sống với biển, xem biển là nhà”, ông Cường chia sẻ và cho biết thêm, với tình hình đi biển như bây giờ thì cuộc sống rất khó khăn. “Mặc dù tôi là thuyền trưởng chèo lái tàu hơn 15 năm qua nhưng giờ thu nhập cũng chẳng là bao. Chưa kể đây là nghề vất vả, hiểm nguy nên cách đây gần 1 năm qua tôi xin nghỉ việc và hiện làm một công việc khác trên bờ”, ông Cường chia sẻ thêm.
Theo ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, thực trạng thiếu hụt lao động đi biển là vấn đề nan giải không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa mà trải dài trên tất cả các địa phương có biển.
Để giải quyết vấn đề này, ông Én cho rằng muốn thu hút được lao động nghề biển thì phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập cho họ. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân cũng như những lao động làm nghề biển để họ ổn định cuộc sống, nhất là vào những tháng biển động, sóng to, gió lớn phải nằm bờ.
Về lâu dài, phải hỗ trợ cho con em ngư dân học hành về ngành khai thác, như vậy việc khai thác mới có hiệu quả, qua đó sẽ tăng thu nhập để họ gắn bó và yêu thích nghề biển hơn. “Muốn có được chính sách như thế phải từ phía T.Ư và thống nhất trên toàn quốc. Còn ở địa phương do ngân sách hạn hẹp nên cũng chỉ có thể đề xuất các bộ ngành T.Ư về những khó khăn, vướng mắc của ngư dân chứ không thể làm gì khác”, ông Én nói.
Thế Quang
(còn tiếp)
Bình luận (0)