Hiện tượng 'loạn chuẩn' trong giới trẻ: Thiếu vắng văn hóa

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
02/04/2019 08:11 GMT+7

Đánh giá về hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực, bạo hành xảy ra trong giới trẻ thời gian qua, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung ( ảnh ), Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, cho rằng đó là sự 'loạn chuẩn'.

4.0, thời “loạn chuẩn” ở khía cạnh văn hóa
[VIDEO] Khá Bảnh là ai, tại sao anh ta nói toàn chuyện "đạo lý" mà vẫn bị bắt?
Thưa ông, đang có nhiều câu chuyện tiêu cực về hành vi của người trẻ?

Thời 4.0 được nói nhiều ở khía cạnh công nghệ hay kinh tế. Nhưng theo tôi, thời 4.0 một cách toàn diện gồm cả công nghệ, kinh tế, chính trị và văn hóa. Khía cạnh mà tôi quan tâm nhất là “4.0 về văn hóa” thì hầu như ít được đề cập.

Gần đây xã hội liên tục xảy ra quá nhiều chuyện, từ chuyện “vuông, tròn, tam giác”, nhà hát ngàn tỉ, gian lận thi cử ở Hà Giang, đến chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, chuyện hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, chuyện học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên… Những thứ đó cũng là một phần của văn hóa thời 4.0 đấy chứ.

Ta không nên nhìn xã hội bằng “màu đen”, cũng không nên bằng “màu hồng”, mà nên nhìn xã hội bằng “màu đúng” của nó. Chỉ khi ta nhìn xã hội bằng màu đúng thì ta mới có thể biết phải làm gì với nó và sống đàng hoàng với nó.
Vậy văn hóa thời 4.0 là như thế nào? Có thể mô tả thời đại này với mấy chữ: biến động, chóng mặt và khôn lường. Ta có thể hình dung rằng, sự thay đổi của 4.000 năm cộng lại có lẽ cũng không bằng sự thay đổi của riêng thế kỷ 20, nhưng sự thay đổi của cả thế kỷ 20 có lẽ cũng không bằng sự thay đổi trong 10 năm đầu của thế kỷ 21…
Trong cơn “cuồng phong” biến động đó của thời đại, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Điều này khiến con người ta trở nên hoang mang, không rõ đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà. Nếu chỉ được dùng một từ để diễn tả thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa chứ không phải khía cạnh công nghệ thì từ đó là thời "loạn chuẩn".
Một biểu hiện rõ nhất của sự “loạn chuẩn” trong xã hội hiện nay đó là có quá nhiều người không minh định được sự khác nhau giữa tự do và hoang dã, giữa đức tin và mê tín, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính.
Vậy ta sống thế nào trong bối cảnh như vậy? Để sống tốt, ta phải chạm vào được những giá trị vượt không gian và thời gian, những giá trị đúng với mọi nơi và mọi thời. Nếu không chạm tới những giá trị đó, ta sẽ có cảm giác như đang sống cuộc đời thử - sai, sẽ cảm thấy chơi vơi trong xã hội và thời đại này.
Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “loạn chuẩn” này?
Nếu nói “lệch chuẩn”, những bạn trẻ cuồng K.BảnH sẽ phản biện mạnh. Đó là “đừng lấy chuẩn của các người áp đặt chuẩn của chúng tôi”, “cái chuẩn đó là do các người đặt ra chứ không phải chuẩn của chúng tôi”. Nói “lệch chuẩn” như kết án các bạn, trong khi dựa vào chuẩn nào để nói các bạn lệch và chắc gì chuẩn đó đúng?
Chuyện tung hô K.BảnH, cuồng thần tượng một cách vô điều kiện, bạo lực học đường phổ biến, vô cảm trước cái ác, mê muội trước tà giáo… là “loạn chuẩn”.
Con người ai cũng có quyền tự do. Các bạn trẻ ở những câu chuyện trên cũng sẽ biện minh rằng mình tự do làm điều mình thích, không vi phạm pháp luật thì không ai có quyền ngăn cản. Nhưng các bạn quên mất rằng tự do cũng có một số giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó thì không còn tự do nữa mà trở thành “hoang dã”. Hoang dã cũng là tự do, cũng được làm tất cả những điều mình muốn nhưng hoang dã không có giới hạn, còn tự do thì có giới hạn. Giới hạn đó ở “bốn đạo”: đạo luật (của nhà nước), đạo lý (của xã hội), đạo thiêng (đời sống tâm linh), đạo sống (lương tri của mình). Nếu sống đạp lên các “đạo” này sẽ là vượt qua ranh giới của tự do, của cá tính để bước qua thế giới của nổi loạn hay hoang dã.
Việc tung hô K.BảnH, cuồng thần tượng, hành vi bạo lực hay chuyện nhân danh Phật pháp để trục lợi… chung quy lại, chỉ có 1 từ để giải thích thôi là văn hóa. Khi thiếu vắng văn hóa, thiếu vắng sự khai minh, khai sáng thì sẽ rất ít đức tin nhưng dư thừa sự mê tín, sẽ rất ít sự tự do nhưng dư thừa sự hoang dã, sẽ rất ít sự rung cảm nhưng dư thừa sự vô cảm, sẽ rất ít tình thương nhưng dư thừa ác tính…

Hiểu biết về văn hóa có vấn đề

Vậy theo ông, văn hóa là gì?
Văn hóa là thứ mà tưởng chừng như ai cũng biết và ai cũng hiểu, nhưng nếu ai cũng biết, ai cũng hiểu thì tại sao xã hội lại “loạn chuẩn”, lại xảy ra nhiều chuyện như thế này? Nghĩa là sự hiểu và sự biết về văn hóa đang rất có vấn đề.
Văn hóa có nhiều cách hiểu và cách diễn đạt, nhưng theo tôi, hiểu một cách đơn giản nhất, con người văn hóa là con người “tam tính”: nhân tính, quốc tính và cá tính. Đây chính là đặc tính của con người tự do và cũng là đích đến của giáo dục khai phóng. Nhân tính là thứ để phân biệt giống người với những giống loài khác, để phân biệt con người với muông thú cỏ cây và máy móc. Quốc tính là thứ để phân biệt đồng bào với đồng loại của mình. Nếu như quốc tính cần được sàng lọc bởi nhân tính thì cá tính sẽ được hình thành nên nền tảng của nhân tính và được vun bồi bởi quốc tính. Con người “tam tính” sẽ là con người rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất là chính mình.
Ngoài ra, tôi cũng có một khái niệm khác về con người văn hóa, đó là con người “ba bề”: bề trong (lương tri của mình), bề trên (đức tin của mình), bề ngoài (tính cách của mình).
Chính “tam tính” và “ba bề” (văn hóa) đó mới giúp ta minh định được đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà; giúp ta hình thành được “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người mình. “Chân thắng” là để ngăn ta làm điều sai, điều ác (trái với “tam tính”); còn “chân ga” sẽ thôi thúc ta làm điều đúng, điều đẹp (hợp với “tam tính”).
Vậy làm sao có “tam tính”? Làm sao có “ba bề”? Từ sự học, từ thực học, từ sự học khai phóng mà ra cả. Có một câu hỏi hơn “Tiền nhiều để làm gì?” là “Học nhiều để làm gì?”, “Tại sao VN ta được xem là một dân tộc hiếu học nhưng lại nghèo bền vững như thế này?”. Phải chăng, “hiếu học” chủ yếu là học cho ra điểm hay học cho ra bằng, chứ không phải là học cho ra người (văn hóa) hay học cho ra nghề (chuyên môn)…?
Theo tôi, có 3 môn học tối thiểu con người cần tìm hiểu để có văn hóa là triết học, lịch sử và tôn giáo. Cả 3 cái đó đều đang bị “gãy”. Lâu nay nền giáo dục của chúng ta chưa được học đúng nghĩa 3 môn học này như một tri thức của văn hóa. Trong khi, 3 thứ đó là linh hồn của văn hóa. Nếu trong nhà trường chưa được học linh hồn của văn hóa một cách đầy đủ và đúng nghĩa thì làm sao có văn hóa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.